Kéo giá thuốc giảm từ 10 – 15% trong năm 2017

PV.

Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về phương hướng điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu trong 6 tháng cuối năm 2017.

Kéo giá thuốc giảm từ 10 – 15% trong năm 2017. Nguồn: internet
Kéo giá thuốc giảm từ 10 – 15% trong năm 2017. Nguồn: internet

Về giá thuốc chữa bệnh cho người: Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện công tác đấu thầu tập trung thuốc quốc gia trong tháng 8 năm 2017. Kiên quyết thực hiện mục tiêu kéo giá thuốc giảm từ 10 – 15% trong năm 2017.

Văn phòng Chính phủ bố trí tổ chức cuộc họp của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá với các Bộ, ngành liên quan trong tháng 7 năm 2017 để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý giá thuốc chữa bệnh cho người và đấu thầu thuốc tập trung.

Về giá điện: Giao Bộ Công Thương hoàn thiện lại phương án điều chỉnh giá điện tính đến tác động tới lạm phát và tăng trưởng kinh tế, đề xuất kịch bản điều hành giá điện trong năm 2017 theo hướng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Căn cứ vào diễn biến của nền kinh tế đến hết quý III năm 2017 để tính toán các phương án điều chỉnh giá điện, trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể đồng thời kết hợp đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khác để bù đắp cho mức giảm tốc độ tăng GDP tương ứng.

Giá than: Bộ Tài chính tiếp tục kiểm tra, rà soát, chủ trì hiệp thương giá than cho sản xuất điện nếu các bên không thỏa thuận được mức giá than bán cho sản xuất điện khi hết thời gian thực hiện mức giá tạm thời (ngày 31 tháng 8 năm 2017) tại Quyết định số 699/QĐ-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính.

Giá xăng dầu: Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ, có tính toán mức độ tác động đến lạm phát kết hợp sử dụng quỹ bình ổn giá với liều lượng phù hợp.

Giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế: Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc điều chỉnh mức giá trong năm 2017 theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp, xem xét đẩy nhanh thời điểm điều chỉnh nếu điều kiện cho phép.

Giá dịch vụ đào tạo: Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục tại địa phương theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu chú ý kiểm soát điều hành giá đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đồng thời chỉ đạo, phối hợp với các địa phương không thu thêm các khoản thu ngoài giá dịch vụ đào tạo theo quy định. Theo dõi sát giá thị trường để quản lý tốt các loại vật tư giáo dục, sách giáo khoa nhất là trong thời điểm năm học mới.

Giá dịch vụ hàng không: Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện thủ tục để ban hành Quyết định mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thay thế Quyết định số 1992/QĐ-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Bộ Tài chính ban hành mức giá, khung giá một số dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, thực hiện một bước lộ trình áp dụng từ ngày 1 tháng 10 năm 2017.

Giá dịch vụ tại cảng biển: Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá dịch vụ cảng biển theo quy định của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn; hướng dẫn các doanh nghiệp cảng biển thực hiện việc kê khai, niêm yết, công khai thông tin về giá, hướng dẫn tiếp nhận kê khai giá dịch vụ tại cảng biển theo thẩm quyền quy định tại Luật giá và các văn bản hướng dẫn.

Giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT: Bộ Giao thông vận tải sớm tính toán, phối hợp với Bộ Tài chính để đàm phán, điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc và chủ trương ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu góp phần giảm chi phí vận tải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Bộ Giao thông vận tải báo cáo số liệu cụ thể về số lượng và mức giảm giá của các trạm trình Phó Thủ tướng-Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đồng thời gửi Bộ Tài chính để tổng hợp theo dõi.

Giá sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi: Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện Thông tư số 08/2017/TT-BCT ngày 26 tháng 6 năm 2017 về quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, tránh biến động bất thường có thể xảy ra.

Về giá xây dựng: Bộ Xây dựng thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ các loại giá liên quan đến vật liệu xây dựng, nhà ở, thị trường bất động sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 2017 các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong việc cấp phép, quản lý và khai thác cát, sớm giải quyết vấn đề về mất cân đối cung cầu cát hiện nay đang đẩy giá cát tăng cao và gây tình trạng thiếu cát cho xây dựng công trình và san lấp.

Đồng thời, thực hiện quản lý chặt cấp phép và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác không phép, trái phép và sai phép. Tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động khai thác cát bình thường tuân thủ đúng quy định của pháp luật để giảm bớt sức ép cung cầu. Tính đến giải pháp cho phép một số tỉnh giáp biên giới Campuchia nhập cát bổ sung tạm thời theo nguyên tắc chỉ nhập cát mỏ để hỗ trợ xây dựng nhất là tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Giá các mặt hàng nông sản: Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến giá thị trường các mặt hàng nông sản, phối hợp với Bộ Công Thương điều hành cân đối cung cầu các sản phẩm thiết yếu như lúa gạo, thực phẩm (nhất là mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm và các mặt hàng nông sản khác) nhằm ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực này.