Kết quả bước đầu trong triển khai Đề án Tổng kế toán nhà nước


Tổng kế toán nhà nước, cụ thể là báo cáo tài chính nhà nước là một nội dung mới, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam và tương đối phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, thách thức việc triển khai Đề án Tổng kế toán nhà nước đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, làm tiền đề cho các giai đoạn hoàn thiện tiếp theo, góp phần vào công cuộc cải cách quản lý tài chính công tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, quá trình cải cách kế toán công đã, đang diễn ra mạnh mẽ tại rất nhiều quốc gia và trở thành xu thế chung hướng đến áp dụng phương pháp kế toán dồn tích cho toàn bộ khu vực công và lập báo cáo tài chính Chính phủ nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng quản lý tài chính công.

Với yêu cầu ngày càng phức tạp của công tác quản lý tài chính nhà nước, yêu cầu phản ánh đầy đủ, kịp thời cũng như công khai và minh bạch thông tin tài chính nhà nước ở Việt Nam, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kế toán nhà nước, để vừa đảm bảo vận dụng một cách phù hợp, linh hoạt những nguyên tắc, thông lệ và chuẩn mực kế toán công quốc tế, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Nhằm hoàn thiện cũng như ứng phó với yêu cầu của công tác quản lý tài chính nhà nước, ngày 21/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 (Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg).

Triển khai chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020, ngày 26/8/2009, tại Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức Kho bạc Nhà nước thuộc và giao cho hệ thống Kho bạc Nhà nước chức năng Tổng kế toán nhà nước (nay là Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính).

Với vai trò và chức năng đảm nhiệm, thời gian qua hệ thống Kho bạc Nhà nước đã chủ động nghiên cứu và tập trung nguồn lực triển khai Đề án Tổng kế toán nhà nước, đến nay cơ bản đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Cụ thể là đã xây dựng được khung pháp lý; Xây dựng được hệ thống thông tin Tổng kế toán nhà nước và tổ chức được bộ máy và nguồn nhân lực triển khai thực hiện Tổng kế toán nhà nước.

Chia sẻ tại Hội thảo "Kế toán Việt Nam - Tương lai và Triển vọng" do Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tổ chức mới đây, ông Tạ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho hay: Tổng kế toán nhà nước được hiểu là mô hình tổ chức, vận hành các yếu tố cấu thành kế toán nhà nước (với 3 yếu tố nòng cốt là: khung pháp lý, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực; hệ thống thông tin), thực hiện kế toán tại các đơn vị thuộc khu vực nhà nước nhằm đạt mục tiêu tổng hợp và lập báo cáo tài chính nhà nước cho từng địa phương và cho toàn quốc.

“Đây có thể được xem là nền móng quan trọng, làm tiền đề cho các giai đoạn hoàn thiện tiếp theo, góp phần vào công cuộc cải cách quản lý tài chính công tại Việt Nam để tiến đến một nền tài chính ngày càng công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Tạ Anh Tuấn nhận định.

Tổng kế toán nhà nước, cụ thể là báo cáo tài chính nhà nước, là một nội dung mới, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Hoạt động này tương đối phức tạp, có phạm vi ảnh hưởng rộng đến hầu hết các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc khu vực nhà nước.