Đơn vị sự nghiệp công lập:
Khắc phục những tồn tại về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
Thời gian qua, nhiều chính sách về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN), chính sách tài chính đất đai khuyến khích xã hội hóa... tại đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành đã mang lại những hiệu quả bước đầu trong công tác quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, cần có những đổi mới nhất định để phát huy hơn nữa hiệu quả thực tiễn mà những chính sách này mang lại.
Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành về cơ chế giao vốn cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và cho phép các đơn vị này được sử dụng TSNN vào mục đích kinh doanh đã góp phần đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng TSNN. Từ đó, phát huy có hiệu quả việc khai thác nguồn lực sẵn có từ TSNN gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển dịch vụ sự nghiệp công.
Nhờ đó, nhiều đơn vị khi được giao vốn đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu nhập cho người lao động, tăng khả năng tự chủ về mặt tài chính và đóng góp một phần vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo Chuyên đề Định hướng đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập và chính sách tài chính đất đai khuyến khích xã hội hóa ngày 28/7 vừa qua, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng nhận định, bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, cơ chế về quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập hiện hành và công tác tổ chức thực hiện còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại cần khắc phục.
Thứ nhất, một số quy định hiện hành cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới, đẩy nhanh quá trình thực hiện.
Việc xác định giá trị tài sản để giao vốn, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất còn phức tạp do phải xác định giá đất cụ thể theo giá trị trường. Việc xác định giá trị theo giá thị trường là cần thiết khi sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh và trong trường hợp giá dịch vụ sự nghiệp công lập được phép tính đủ chi phí và toàn bộ tài sản được trích khấu hao để tạo nguồn tái tạo tài sản mới.
Tuy nhiên, trong điều kiện thực tiễn thời gian vừa qua và sắp tới thì việc tính đủ chi phí phải có lộ trình thích hợp (Chính phủ đã quy định lộ trình này tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015). Vì vậy, ngay khi giao vốn đã phải xác định theo giá thị trường bằng các phương pháp so sánh, chiết trừ, thu nhập, thặng dư không còn cần thiết, tốn kém chi phí, thời gian.
Thời hạn thực hiện các bước trong quá trình xác định giá trị tài sản và giao tài sản cần được thay đổi để rút ngắn quy trình thực hiện; đồng thời quy định rõ hơn trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.
Thứ hai, một số chính sách có liên quan mới được ban hành đòi hỏi cơ chế quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập phải được điều chỉnh để tạo sự đồng bộ, phát triển dịch vụ sự nghiệp công và nâng cao tính tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập.
Luật Đất đai năm 2013 điều chỉnh lại chế độ sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính vẫn tiếp tục áp dụng chế độ giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng công trình sự nghiệp như trước đây. Tuy nhiên, đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính phải chuyển sang chế độ thuê đất, được hưởng các quyền của tổ chức được Nhà nước cho thuê đất; được miễn, giảm tiền thuê đất đối với đất xây dựng công trình sự nghiệp. Do vậy, phải điều chỉnh lại phạm vi tài sản được xác định giá trị để giao vốn cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính cho phù hợp.
Ngày 14/02/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006); theo đó, đơn vị sự nghiệp được phân loại theo 04 nhóm: (i) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; (ii) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; (iii) Đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; (iv) Đơn vị sự nghiệp công do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. Tiêu chí để phân loại dựa trên các điều kiện: (i) khả năng đảm bảo kinh phí từ nguồn thu hoạt động dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công; nguồn phí và nguồn thu khác nếu có; (ii) được Nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí hay được Nhà nước giao dự toán theo nhiệm vụ. Cách phân loại đơn vị sự nghiệp tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP có sự thay đổi so với Nghị định số 43/2006/NĐ-CP trước đây.
Trong khi đó, tiêu chí xác định đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và chưa tự chủ tài chính theo Luật Quản lý, sử dụng TSNN (được cụ thể hóa tại Điều 2, Điều 3 Thông tư số 12/2012/TT-BTC ngày 06/02/2012 của Bộ Tài chính) đang dựa trên tiêu chí quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP. Cùng với việc điều chỉnh việc phân loại đơn vị sự nghiệp công, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP cũng trao quyền tự chủ mạnh cho các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị thuộc nhóm (i), nhóm (ii). Điều này đòi hỏi phải tạo lập cơ chế khuyến khích các đơn vị tăng cường khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình (trong đó có TSNN được giao quản lý, sử dụng) để tăng nguồn thu sự nghiệp cũng chính là tăng khả năng tự chủ về tài chính.
Thứ ba, việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp là một chủ trương mới; một số đơn vị sự nghiệp công lập còn có tâm lý ngại thay đổi, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước; một số đơn vị chưa thấy được tác dụng quan trọng của việc sử dụng hiệu quả TSNN giao cho đơn vị nên chưa tích cực triển khai. Trong khi đó, công tác chỉ đạo, hướng dẫn của một số Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương chưa quyết liệt, đồng bộ.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã làm cho kết quả thực hiện việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính chưa cao. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành, địa phương, đến nay mới có 579 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được giao vốn theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp với tổng giá trị tài sản khoảng 19.344.274,36 triệu đồng.