Khai tử quy định lạ lùng về thị thực
Tới đây doanh nhân, khách nước ngoài có thể dễ dàng nhập cảnh vào Việt Nam mà không cần phải chờ đợi lâu như hiện nay.
Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần hai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ( Việt Nam, gọi tắt là dự luật). Điểm đáng chú ý của dự luật này là đề nghị bỏ quy định “mỗi một lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”.
Bỏ vì gây ra nhiều phiền toái
Tại tờ trình dự luật trên, Bộ Công an giải thích: Quy định người nước ngoài (NNN) nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày nhằm hạn chế tình trạng NNN lợi dụng chính sách miễn thị thực đơn phương vào Việt Nam làm việc nhưng không thực hiện quy định của pháp luật về lao động.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân cho rằng quy định trên đã gây khó khăn đối với NNN nhập cảnh Việt Nam để du lịch theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch.
“Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về điều kiện đối với NNN nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực. Cụ thể, đề nghị thay quy định trên bằng quy định NNN nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất sáu tháng” - ban soạn thảo dự luật đề xuất.
Trước đó nhiều chuyên gia, công ty du lịch kịch liệt phản đối quy định “mỗi một lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày” bởi cho rằng đây là quy định rất lạ lùng chỉ Việt Nam mới có. Chính quy định bất hợp lý này gây khó cho du khách quốc tế đến Việt Nam du lịch rồi bay qua Lào, Campuchia, sau đó muốn trở về Việt Nam tiếp tục du lịch. Bởi nếu họ mới cách lần xuất cảnh đầu tiên 15, 20 hoặc 29 ngày sẽ không được phép vào Việt Nam.
Chia sẻ với Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, đại diện Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho rằng: “Chúng tôi nhận thấy không có lợi ích hay giá trị gì trong việc hạn chế khách du lịch quay trở lại Việt Nam trong vòng 30 ngày. Rào cản này nên được dỡ bỏ để khuyến khích khách du lịch đi bằng đường hàng không lựa chọn Việt Nam như là một trung tâm trung chuyển trong chuyến bay đến châu Âu và Úc”.
Đồng quan điểm, bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, nói việc bỏ điều khoản này là hợp lý. Khi bỏ quy định này, du khách tại các quốc gia được Việt Nam miễn thị thực sẽ dễ dàng chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển cho hành trình của mình.
“Ví dụ, khách có thể bay từ TP. Hồ Chí Minh sau đó sang Phnom Penh, Bangkok rồi quay về Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc… để tiếp tục du lịch và đáp chuyến bay về nước. Điều này góp phần thúc đẩy khách nước ngoài đến Việt Nam, đồng thời cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nhân dễ dàng nhập cảnh vào Việt Nam với lý do công việc mà không cần phải đợi 30 ngày sau mới được tiếp tục nhập cảnh như hiện nay” - bà Giang chia sẻ.
Năm 2019 ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng.
Giám đốc Công ty Xunaco Tour Phạm Văn Du đánh giá việc bỏ quy định không cho phép khách đã được miễn thị thực quay trở lại trong vòng 30 ngày là tiến bộ, cởi mở. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu Việt Nam muốn thu hút nhiều khách từ thị trường châu Âu và khách có chi tiêu cao thì cần tăng thời gian tạm trú cho du khách. Lý do là hiện nay khách du lịch đến các nước thường được miễn thị thực trong vòng 30 ngày thì Việt Nam chủ yếu miễn thị thực cho khách du lịch chỉ trong 15 ngày.
Đề xuất kéo dài thời gian lưu trú
“Khách châu Âu có thể đến Việt Nam tham quan sau đó bay sang Lào, Campuchia du lịch rồi quay trở lại Việt Nam. Họ cần khoảng thời gian dài từ ba tuần đến 30 ngày hoặc hơn chứ không nên chỉ là 15 ngày như hiện nay” - ông Du nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Văn Du, để ngành du lịch Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực thì các bộ, ngành nghiên cứu tiếp tục miễn thị thực cho nhiều quốc gia hơn nữa. Vì thực tế Việt Nam miễn thị thực còn khá ít so với các nước trong khu vực, như Thái Lan đã miễn thị thực cho hơn 60 quốc gia.
Cùng nhìn nhận trên, TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đánh giá dự luật sửa đổi đã cởi mở hơn so với quy định hiện hành. Song sẽ tốt hơn nếu kéo dài thời gian lưu trú cho khách du lịch tại Việt Nam lâu hơn một tháng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khách có nhu cầu hợp lý và hợp pháp.
“Về mặt nguyên tắc, thời gian được phép lưu trú đối với khách được miễn thị thực càng dài càng tốt. Bởi khách sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều điểm du lịch tại điểm đến cũng như có thời gian nghỉ dưỡng dài kết hợp chữa bệnh” - ông Lương phân tích.
Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam cũng từng đề nghị Chính phủ áp dụng chương trình miễn thị thực lên 5 hoặc 10 năm để tránh sự xáo trộn cho du khách, thay vì gia hạn từng năm như hiện nay. Bên cạnh đó, thời gian miễn thị thực kéo dài từ 15 ngày hiện nay lên thành 30 ngày để thu hút khách từ thị trường xa vì đó thường là những khách du lịch chi tiêu cao.