Khám, chữa bệnh trong thời đại 4.0: Chủ động và thích ứng
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế Trần Quý Tường khẳng định, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 dựa trên nền tảng kỹ thuật số đang dần làm thay đổi cuộc sống và trong chính dịch vụ khám, chữa bệnh tại Việt Nam. Ngành y tế Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, tiên phong thử nghiệm nhiều ứng dụng điện tử góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện.
Bắt kịp thời đại
Chia sẻ về những thành tựu của ngành y tế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế Trần Tùng cho biết, thông qua hệ thống công nghệ y tế trực tuyến Telemedicine (y khoa từ xa/bệnh viện vệ tinh), nhiều bệnh viện tuyến trên đã hỗ trợ hội chẩn từ xa, tư vấn cấp cứu, giúp các bác sĩ tuyến dưới phẫu thuật thành công, cứu sống nhiều người bệnh. Một số bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bình dân... đã triển khai ứng dụng robot trong việc phẫu thuật những căn bệnh khó, giúp nâng cao cơ hội sống, ít gây tổn thương và người bệnh nhanh chóng hồi phục.
Bộ Y tế vừa tổng kết về ứng dụng trí tuệ nhân tạo với phần mềm IBM Waston for Oncology ứng dụng trong tư vấn hỗ trợ điều trị ung thư tại Việt Nam tại Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện K và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, nhằm hỗ trợ bác sĩ chuyên ngành ung thư lựa chọn phác đồ điều trị ung thư cho người bệnh theo đúng các quy định. Phần mềm do tập đoàn IBM của Mỹ xây dựng dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, đến nay đã được triển khai áp dụng ở 230 bệnh viện của 13 nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan...
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã xây dựng xong phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) sử dụng nguồn dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tạo lập mã số định danh (ID). Theo kế hoạch, từ tháng 1 đến tháng 6, sẽ triển khai và hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cho 8 tỉnh, thành phố trong mô hình điểm. Từ tháng 7, tổ chức triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Đến cuối năm 2019 sẽ hình thành hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân.
Không chỉ tại các bệnh viện công, nhiều đơn vị y tế tư nhân cũng ứng dụng phần mềm tư vấn bệnh và cung cấp dịch vụ y tế tại nhà, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Công ty phòng khám đa khoa Jio Health là một trong những đơn vị nghiên cứu nhiều giải pháp tiên tiến nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi khám chữa bệnh cho người dân, mở dịch vụ phòng khám bác sĩ gia đình, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xét nghiệm tận nhà cho người bệnh. Theo đó, người dân không phải mất hàng giờ di chuyển, chờ đợi mà chỉ mất khoảng 5 phút để gặp bác sĩ. Thông qua dịch vụ của Jio Health cung cấp, người bệnh có thể chọn bác sĩ, thời gian và địa điểm phù hợp với chi phí hợp lý được biết trước. Thời gian khám bệnh với bác sĩ của Jio Health trung bình là 30 phút.
Giám đốc điều hành Jio Health Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết, phòng khám đã xây dựng phần mềm khám, chữa bệnh thông minh, bệnh án điện tử, giúp bệnh nhân có thể gọi điện, nhắn tin với bác sĩ mọi thắc mắc về sức khỏe hoặc yêu cầu bác sĩ đến khám, cấp thuốc tại nhà. Tất cả lịch sử khám bệnh sẽ được lưu trữ trên điện toán đám mây, giúp các bác sĩ kịp thời theo dõi, lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.
Nhiều việc cần làm
Xác định trong tương lai ngành y tế Việt Nam còn tiếp tục thay đổi tích cực nhờ vào những tiến bộ của công nghệ, giúp bác sĩ “gần” hơn với người bệnh, khả năng khám bệnh của bác sĩ cũng được nâng lên; Bộ Y tế đã đặt ra các Đề án Y tế điện tử như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với một trung tâm phân tích dữ liệu y tế, xây dựng trung tâm thống kê điện tử, số hóa bệnh án điện tử, hiện đại hóa thủ tục hành chính... nhằm nâng cao chất lượng phòng bệnh, khám, chữa bệnh và cải cách quản trị hành chính y tế.
Song, nhiều chuyên gia cho rằng, việc triển khai các đề án còn gặp phải nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, mỗi bác sĩ khám từ 70 - 100 bệnh nhân/ngày, với 8 giờ làm việc liên tục. Do lượng thời gian dành cho bệnh nhân ít, nên việc thu thập dữ liệu về bệnh của bệnh nhân bị hạn chế.
Đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cũng trăn trở về nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế còn thiếu và yếu. Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn chưa có ngành đào tạo công nghệ thông tin về y tế, muốn học ngành này, phải ra nước ngoài với chi phí không nhỏ. Chưa kể, dữ liệu khám, chữa bệnh cần được bảo mật như thế nào, quyền riêng tư có bị rò rỉ hay không; tiêu chí về thiết bị kết nối và chia sẻ ra sao khi ứng dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Mặt khác, Chính phủ cũng vừa thông qua Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí. Theo đó, đến năm 2020, chấm dứt thanh toán viện phí bằng tiền mặt. Trong khi đó, thói quen của đại đa số người dân là dùng tiền mặt; chưa nói đến việc giao dịch thẻ phát sinh phí, khi người dân không thích dùng thẻ, nay bắt trả thêm phí giao dịch là một việc làm khó. Thực tế đó đòi hỏi cần sự kết hợp, hỗ trợ từ phía ngân hàng, để giải quyết vướng mắc phát sinh.