Khi thị trường trưởng thành: Vốn dài hạn, nhà đầu tư dài hạn và tư duy dài hạn
Tròn 25 năm kể từ khi thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chính thức đi vào hoạt động, những chuyển động về thể chế, dòng vốn và hành vi đầu tư đang đưa thị trường bước sang một giai đoạn trưởng thành mới.
Gắn bó với thị trường gần như trọn vẹn chặng đường đó, trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế - Tài chính, bà Nguyễn Hoài Thu - Chuyên viên phân tích tài chính chuyên nghiệp (CFA), Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital – chia sẻ ba trụ cột mà theo bà sẽ định hình tương lai TTCK, gồm: Vốn dài hạn, nhà đầu tư dài hạn và tư duy đầu tư dài hạn.

Phóng viên: Sau hơn hai thập kỷ đồng hành cùng TTCK Việt Nam, bà đánh giá như thế nào về hành trình 25 năm đã qua? Những dấu mốc nào để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức của bà – không chỉ với tư cách một nhà quan sát, mà còn là người tham gia kiến tạo thị trường?
Bà Nguyễn Hoài Thu: Dấu ấn sâu đậm nhất trong ký ức của tôi về TTCK Việt Nam, dưới góc nhìn cả về cơ hội và rủi ro, là giai đoạn thị trường bùng nổ vào năm 2007. Năm 2007 là năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO; đồng thời, trong giai đoạn 2006-2007, có một làn sóng doanh nghiệp lớn (cả nhà nước lẫn tư nhân) được cổ phần hóa và niêm yết. Những sự kiện này đã thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) khổng lồ đổ vào Việt Nam, ước tính hơn 10 tỷ USD; trong đó, vốn đầu tư gián tiếp lên tới 6,5 tỷ USD và vốn đầu tư trực tiếp giải ngân đạt mức 4 tỷ USD. Tiếp theo dòng vốn ĐTNN, các nhà đầu tư cá nhân đã ào ạt đổ tiền vào TTCK khiến thị trường tăng trưởng nóng, mức P/E của VN Index lúc đỉnh điểm lên đến hơn 40 lần, cao nhất trong lịch sử.
Khi đó, tôi mới trở về Việt Nam sau thời gian làm việc ở Singapore và chứng kiến TTCK Việt Nam bùng nổ. Các cổ phiếu đều tăng với tốc độ chóng mặt, các nhà đầu tư cá nhân dồn hết tiền vào chứng khoán và kỳ vọng vào một cơ hội đổi đời nhanh chóng. Tôi nhận ra những phương pháp đầu tư nền tảng mà tôi học được ở các thị trường phát triển đều không thể áp dụng ở thị trường Việt Nam vào thời điểm đó. Có những cổ phiếu được giao dịch ở mức P/E cả trăm lần nhưng nhà đầu tư vẫn tiếp tục tranh nhau mua. Và điều đó đã để lại những hệ lụy vô cùng to lớn trong những năm sau đó, khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra trong bối cảnh TTCK đang được định giá vô cùng đắt đỏ, chỉ số VN Index đã giảm một mạch từ vùng 1.200 điểm vào đầu năm 2007 xuống còn khoảng 250 điểm vào năm 2009. Từ ước mơ kiếm tiền nhanh và đổi đời, rất nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ nặng và rời bỏ thị trường.
Khi thị trường tăng nóng, nhà đầu tư sẽ dễ dàng bị cuốn theo tâm lý đám đông và bỏ qua các yếu tố nền tảng. TTCK phát triển bền vững phải dựa trên dòng vốn dài hạn thay vì dựa trên dòng tiền đầu cơ.
Và tôi rút ra bài học rằng, khi thị trường tăng nóng, nhà đầu tư sẽ dễ dàng bị cuốn theo tâm lý đám đông và bỏ qua các yếu tố nền tảng. TTCK phát triển bền vững phải dựa trên dòng vốn dài hạn thay vì dựa trên dòng tiền đầu cơ. Còn nếu đứng ở vai trò nhà đầu tư, tư duy dài hạn, đầu tư dựa trên các yếu tố căn bản và giữ vững kỷ luật đầu tư trong mọi hoàn cảnh mới là chìa khóa mang lại thành công.
Sau giai đoạn chứng khiến cả sự bùng nổ và suy thoái đó, TTCK Việt Nam đã phát triển một cách ổn định hơn. Dù có nhiều thăng trầm và biến cố xảy ra qua từng giai đoạn nhưng rõ ràng, TTCK Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Trong khoảng 10 năm qua, số lượng doanh nghiệp niêm yết và giao dịch trên thị trường tăng gấp đôi, vốn hóa thị trường tăng gần 6 lần tính trên cả 3 sàn. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam đã tương đương khoảng 65% GDP. Đây là thành tựu ấn tượng cho TTCK tương đối non trẻ như Việt Nam. Với gần 10 triệu tài khoản chứng khoán, xấp xỉ 10% dân số, và số tài khoản hoạt động thường xuyên cũng chiếm 30-40%, TTCK Việt Nam đang dần trở thành một kênh đầu tư phổ biến. Dù vẫn còn khoảng cách so với các quốc gia phát triển, nhưng những bước tiến trong 25 năm vừa qua là minh chứng rõ nét cho tiềm năng và sự năng động của thị trường này.
Phóng viên: Dưới góc nhìn của một nhà quản lý quỹ giàu kinh nghiệm, từng dẫn dắt danh mục cổ phiếu quy mô lớn qua nhiều giai đoạn thị trường biến động, bà rút ra những bài học chiến lược nào về quản trị rủi ro, tư duy đầu tư dài hạn và sự thích ứng?
Bà Nguyễn Hoài Thu: Ở VinaCapital, chúng tôi theo đuổi chiến lược đầu tư tăng trưởng. Chúng tôi tin rằng, việc mua được những doanh nghiệp có khả năng phát triển bền vững ở một mức giá hợp lý là chìa khóa để đạt được hiệu suất đầu tư vượt trội trong dài hạn. TTCK luôn có những biến động, nhưng việc nắm giữ một danh mục đầu tư gồm những doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng và nền tảng cơ bản tốt, đồng thời đang được định giá thấp so với triển vọng phát triển trong tương lai là yếu tố cốt lõi giúp vượt qua những biến động của thị trường. Các danh mục đầu tư mà chúng tôi đã và đang nắm giữ bao gồm những doanh nghiệp được quản trị tốt và không ngừng lớn lên. Với những doanh nghiệp đó, khi kinh tế trải qua những thời kỳ khó khăn, họ không chỉ có khả năng vượt qua mà còn trở nên mạnh mẽ hơn. Việc nắm giữ những doanh nghiệp như vậy sẽ giúp danh mục đầu tư vượt qua biến động và gia tăng giá trị theo thời gian.
Quản trị rủi ro cũng là một mắt xích được chú trọng hàng đầu trong quy trình quản lý danh mục đầu tư và bắt đầu ngay từ lúc chúng tôi xem xét từng cổ phiếu để đưa vào danh mục. Có một số nguyên tắc mà chúng tôi luôn duy trì một cách nhất quán, chẳng hạn như: không mua cổ phiếu ở giá đắt; không chạy theo đám đông với những cổ phiếu nóng và thông tin mập mờ; không mua doanh nghiệp có thể gặp rủi ro về tài chính và không mua doanh nghiệp mà chúng tôi thấy rằng ban lãnh đạo không đáng tin cậy. Những nguyên tắc tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu phá vỡ, sớm muộn gì danh mục đầu tư cũng sẽ gặp rủi ro lớn.

Phóng viên: Theo bà, TTCK Việt Nam đã có những thay đổi cấu trúc ra sao trong quá trình phát triển? Và đâu là những cải cách cốt lõi vẫn cần tiếp tục để nâng tầm thị trường cả về quy mô lẫn chất lượng dòng vốn?
Bà Nguyễn Hoài Thu: Trong 25 năm phát triển, TTCK Việt Nam đã quy tụ được nhiều doanh nghiệp hàng đầu, doanh nghiệp ở tầm cỡ lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á và có khả năng cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp có doanh thu tỷ USD cũng lên tới gần 40 công ty. Từ hơn 1.600 mã cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch trên ba sàn HOSE, HNX và UPCoM, sau khi áp dụng một số tiêu chí cơ bản về cả định lượng lẫn định tính, chúng tôi lọc được 120 - 150 mã cổ phiếu tương đối tốt để theo dõi và đầu tư. Đây sẽ là những doanh nghiệp dẫn dắt tăng trưởng của TTCK trong tương lai. Điều này cho thấy sự trưởng thành và tiềm năng của thị trường, dù vẫn còn không ít thách thức phía trước.
Để trở thành kênh đầu tư dài hạn và hiệu quả hơn nữa, TTCK Việt Nam cần phát triển thêm cả quy mô lẫn chất lượng. Về quy mô, Chính phủ đặt mục tiêu đẩy vốn hóa thị trường lên trên 100% GDP. Về chất lượng, cần có thêm nhiều doanh nghiệp niêm yết ở các nhóm ngành khác nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đủ sức thu hút nhà ĐTNN. Hiện tại, ngân hàng và bất động sản gộp lại chiếm tới khoảng 60% vốn hóa thị trường, mức độ tập trung tương đối cao. Ở góc độ của nhà quản lý quỹ, tôi mong muốn thị trường có thêm nhiều “hàng hóa” chất lượng, sao cho mức độ đa dạng của hàng hóa có thể phản ánh đúng hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế. Ngoài ra, chất lượng quản trị công ty, chất lượng thông tin công bố và tính minh bạch cũng cần được tiếp tục cải thiện, đặc biệt sau khi thị trường được nâng hạng để tăng cường niềm tin và sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế.
Với thị trường trái phiếu, việc bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với các đợt phát hành trái phiếu niêm yết, cùng với cơ chế giám sát hiệu quả hơn từ cơ quan quản lý và vai trò trung gian của các định chế tài chính chuyên nghiệp (như ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán) cũng rất cần thiết. Đi đôi với đó là phát triển thị trường thứ cấp tốt hơn nữa, nhằm tăng khả năng giao dịch, gia tăng tính thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia một cách an toàn hơn.
Phóng viên: Trong bối cảnh TTCK bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với nhiều kỳ vọng mới, từ cải cách thể chế đến thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, bà kỳ vọng điều gì cho chặng đường phía trước? Và đâu là hành trang mà thế hệ nhà đầu tư trẻ cần trang bị để cùng phát triển bền vững với thị trường?
Bà Nguyễn Hoài Thu: TTCK Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt, chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ hơn và bền vững hơn. Ở tầm vĩ mô, những cải cách sâu rộng về kinh tế sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển của các doanh nghiệp niêm yết. Việc nâng hạng TTCK cùng với việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế sẽ thu hút dòng vốn lớn và hoàn toàn mới vào TTCK Việt Nam.
Đứng trước giai đoạn phát triển mới, việc xây dựng một hệ sinh thái nhà đầu tư đa dạng, mà ở đó nâng cao vai trò nhà đầu tư tổ chức bao gồm quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí – những nhà đầu tư có quy trình quản lý đầu tư chuyên nghiệp, “cầu” khó tính hơn sẽ tạo nên những nguồn “cung” chất lượng hơn, qua đó sẽ giúp thị trường phát triển bền vững hơn.
Cơ quan quản lý TTCK cũng nhận thấy tỷ lệ 85 - 90% giao dịch hàng ngày đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước là một yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường. Ở thị trường Mỹ, tỷ lệ này khoảng 18%, hay một số thị trường châu Á tỷ lệ này khoảng trên dưới 50%. Vì vậy, cần có sự thay đổi trong cấu trúc nhà đầu tư để tạo sự ổn định cho TTCK. Để cải thiện điều này, cần thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức, cả trong và ngoài nước, đồng thời khuyến khích các chiến lược đầu tư dài hạn cho các nhà đầu tư cá nhân nhằm giảm thiểu rủi ro và xây dựng một thị trường bền vững hơn. Các nhà đầu tư cá nhân cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức về tài chính và đầu tư để có thể tự ra quyết định cho mình một cách tự tin.
Với thế hệ trẻ, thời gian đầu tư còn rất dài trong tương lai và tư duy năng động là những lợi thế có thể giúp nhà đầu tư trẻ tích lũy và gia tăng tài sản cho bản thân trong tương lai. Sự phát triển của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp sẽ giúp đa dạng hóa lựa chọn đầu tư và lan tỏa tư duy đầu tư dài hạn – điều mà thị trường Việt Nam đang rất cần. Tôi tin rằng, sau khi TTCK nâng hạng, sự cân bằng giữa nhà đầu tư cá nhân và tổ chức sẽ dần được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Và các công ty quản lý quỹ như VinaCapital sẽ có vai trò lớn hơn không chỉ trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư cá nhân quản lý tài sản hiệu quả hơn, mà còn trong việc góp phần xây dựng một thị trường vốn hiệu quả, minh bạch và đáng tin cậy hơn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!