Kho bạc Nhà nước chính thức công bố hoạt động theo mô hình mới
Ngày 30/9/2015, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã công bố chính thức hoạt động theo Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg (QĐ26) ngày 8/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN theo mô hình mới.
Tham dự lễ công bố có Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính...
Phó Tổng giám đốc KBNN Trần Quốc Vinh cho biết, ngày 21/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, với 4 trụ cột phát triển là:
Cải cách về thể chế, chính sách; hoàn thiện tổ chức bộ máy; hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.
Cùng với đó, KBNN được giao thực hiện 2 chức năng mới là Tổng kế toán nhà nước và Quản lý ngân quỹ nhà nước.
Thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2020, trong thời gian qua, KBNN đã chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tham mưu trình Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền ban hành các khung pháp lý để cải cách thể chế, chính sách nhằm thực hiện các chức năng được giao.
Song song với cải cách mạnh mẽ về thể chế, chính sách và ứng dụng các công nghệ quản lý hiện đại, các chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của hệ thống KBNN cũng cần được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Do đó, KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ 26.
Theo QĐ này, chức năng của KBNN được giữ nguyên với vai trò tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ nhà nước; tổng kế toán nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính phủ theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định giao bổ sung thêm cho hệ thống KBNN nhiệm vụ “tổng hợp, lập quyết toán NSNN hàng năm”. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chức năng “Tổng kế toán nhà nước” của KBNN.
Với việc sửa đổi, bổ sung lần này, nhiệm vụ của hệ thống KBNN đã tiếp tục được hoàn thiện. Theo đó, căn cứ vào tính chất của các nhiệm vụ có thể chia các nhiệm vụ của KBNN thành 2 nhóm:
Nhóm nhiệm vụ có tính chất quản lý nhà nước: Quản lý quỹ NSNN, quỹ tài chính nhà nước được giao (bao gồm tập trung các nguồn thu vào NSNN, quản lý kiểm soát các khoản chi của NSNN; quản lý quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước; quản lý các quỹ tài chính của Nhà nước, tài sản tạm thu tạm giữ, tài sản quý hiếm); tổ chức hạch toán kế toán ngân sách nhà nước, kế toán các quỹ và tài sản của Nhà nước, kế toán các khoản vay nợ, viện trợ, trả nợ của Chính phủ và chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật; tổng hợp, lập quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm; tổ chức lập báo cáo tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương; tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành.
Nhóm nhiệm vụ có tính chất cung cấp dịch vụ công và có tính chất như một ngân hàng của Chính phủ gồm: Mở tài khoản, kiểm soát tài khoản tiền gửi, tổ chức thanh toán chuyển tiền, thu chi tiền mặt, quản lý kho quỹ, tổ chức huy động vốn thông qua phát hành và thanh toán trái phiếu chính phủ phục vụ cho cân đối ngân sách và cho đầu tư phát triển.
Theo chức năng, nhiệm vụ mới, cơ cấu tổ chức của cơ quan KBNN ở trung ương được giữ nguyên về số lượng đầu mối tham mưu, giúp việc tổng giám đốc như hiện nay là 14 đầu mối. Tuy nhiên, có một số sắp xếp, chuyển đổi mô hình để đáp ứng yêu cầu quản lý, đó là:
- Chuyển đổi mô hình Vụ Kế toán nhà nước thành Cục Kế toán nhà nước để thực hiện chức năng Tổng kế toán nhà nước và nhiệm vụ tổng hợp, lập quyết toán NSNN.
- Chuyển đổi mô hình Vụ Huy động vốn và sáp nhập bộ phận quản lý ngân quỹ của Vụ Tổng hợp- Pháp chế để thành lập Cục Quản lý ngân quỹ.
- Đổi tên Thanh tra KBNN thành Vụ Thanh tra- Kiểm tra để phù hợp với quy định của Luật Thanh tra cũng như xây dựng bộ máy tham mưu, thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
- Đổi tên Vụ Kiểm soát chi NSNN thành vụ Kiểm soát chi.
- Không tổ chức cấp phòng thuộc vụ tại cơ quan KBNN ở trung ương.