Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Nguyễn Thị Kiều Oanh

Cùng với việc triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, trong thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đẩy mạnh CCHC đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trong đó, tập trung cải cách TTHC theo quan điểm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và lấy người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của cải cách hành chính.

Bước chuyển lớn trong cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực kho bạc

Xác định công tác CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trong thời gian qua, hệ thống KBNN đã và đang từng bước đổi mới các nội dung, hình thức thực hiện, đẩy mạnh CCHC trên nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là cải cách TTHC. Qua đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả giải quyết các TTHC, hướng tới mục tiêu phục vụ tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, cá nhân. Cụ thể: 

Một là, cơ chế, chính sách quy định về TTHC thuộc lĩnh vực KBNN ngày càng được hoàn thiện theo hướng vừa đẩy mạnh cải cách, vừa bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn.

Trong thời gian qua, KBNN đã rà soát, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC thuộc lĩnh vực KBNN. Đặc biệt, trong năm 2020, KBNN đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định TTHC thuộc lĩnh vực KBNN. Nghị định đã quy định cụ thể 11 TTHC thuộc lĩnh vực KBNN; So với trước đây, đã cắt giảm nhiều thành phần hồ sơ; bãi bỏ nhiều chỉ tiêu của 43 mẫu tờ khai TTHC; giảm thời hạn giải quyết của tất cả TTHC; đồng thời, bổ sung thêm quy định việc gửi, nhận và trả kết quả kiểm soát chi NSNN qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN. Trên cơ sở đó, KBNN đã rà soát, trình Bộ Tài chính sửa đổi các thông tư hướng dẫn và hoàn thiện các quy trình thực hiện nội bộ của KBNN. Quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo đúng quy định, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc đánh giá tác động của chính sách đối với lợi ích của người dân, tổ chức và việc tham gia của người dân đối với quá trình xây dựng các văn bản. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo cơ sở pháp lý cao, đầy đủ và đồng bộ cho việc cải cách, hiện đại hóa các chức năng, nhiệm vụ của KBNN.

Hai là, TTHC thuộc lĩnh vực KBNN được cải cách theo hướng vừa lấy khách hàng là trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công của KBNN, vừa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của KBNN.

Đối với thủ tục thuộc lĩnh vực thu NSNN, KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp trong cải cách công tác thu NSNN như: Dự án “Hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa Thuế - Hải quan - KBNN”, Dự án tổ chức phối hợp thu NSNN giữa các cơ quan trong ngành Tài chính với các ngân hàng thương mại, xây dựng mã định danh khoản thu, mở rộng mạng lưới tài khoản chuyên thu với các ngân hàng thương mại, áp dụng nhiều hình thức thu nộp NSNN văn minh, hiện đại. Qua đó, đã mở rộng không gian, thời gian nộp NSNN, đa dạng hình thức và địa điểm thu nộp NSNN, thủ tục thu NSNN được đơn giản, giảm thiểu thời gian nộp tiền cho người nộp thuế (giảm từ 30 phút xuống còn 5 phút/giao dịch), tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế; tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực trong công tác tổ chức thu NSNN; góp phần tập trung nhanh, đầy đủ nguồn thu cho NSNN và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Đối với thủ tục kiểm soát chi NSNN, quy trình, thủ tục được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian kiểm soát (từ 07 ngày xuống còn 03 ngày làm việc đối với các khoản chi đầu tư; 01 ngày làm việc đối với các khoản chi "thanh toán trước, kiểm soát sau") và phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong chu trình chi NSNN; thực hiện kiểm soát chi theo rủi ro; kiểm soát chi theo cơ chế khoán chi; cơ chế kiểm soát cam kết chi từng bước được hoàn thiện, tiệm cận với thông lệ quốc tế, góp phần ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán.

Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, thực chất trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống KBNN triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả qua Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) từ năm 2018. Qua 5 năm triển khai, KBNN đã nghiên cứu nhiều giải pháp tích cực nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống DVCTT; đồng thời, nghiên cứu và phát triển nhiều tính năng, tiện ích mới cho người sử dụng, như: Cung cấp tính năng tra cứu số dư tài khoản và trạng thái hồ sơ kiểm soát chi qua ứng dụng trên thiết bị di động; các đơn vị thuộc Bộ Công an có thể đăng ký sử dụng DVCTT với KBNN để lập/phê duyệt ủy nhiệm chi; xây dựng và triển khai cổng dữ liệu nhận lệnh hoàn phí, lệ phí, kết nối với Cổng DVC Quốc gia; thí điểm công nghệ ký số từ xa (Remote-signing) trên DVCTT tại các đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch với KBNN Hà Nội (là công nghệ ký số thế hệ mới cho phép người dùng không phụ thuộc vào thiết bị vật lý để ký số); thí điểm cổng trao đổi dữ liệu với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng dịch vụ thông qua văn bản ủy quyền điện tử của đơn vị cho KBNN nơi giao dịch.

Việc triển khai tích cực các giải pháp nêu trên của KBNN đã thu được kết quả rất đáng khích lệ. KBNN là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành Tài chính hoàn thành cung cấp 100% thủ tục qua DVCTT mức độ 4; 100% các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia DVCTT KBNN; số lượng giao dịch chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng qua DVCTT đạt trên 99%; trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 chứng từ chi NSNN qua DVCTT của KBNN. Việc sử dụng Hệ thống DVCTT của KBNN góp phần rút ngắn thời gian giải ngân, tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình nộp hồ sơ thanh toán, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh CO V I D -19 như thời gian vừa qua, công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết hồ sơ TTHC và từng bước hướng tới kiểm soát chi điện tử.

Bốn là, tăng cường giám sát quá trình giải quyết TTHC và kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC của công chức KBNN.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình TTHC của công chức KBNN cũng được KBNN chú trọng quan tâm, chú trọng. KBNN luôn xác định công tác kiểm tra, giám sát nội bộ là công cụ hết sức quan trọng của thủ trưởng các đơn vị KBNN các cấp trong quản trị hệ thống và phục vụ khách hàng giao dịch. Trong thời gian qua, KBNN đã ban hành 02 Quy chế về kiểm soát, phòng ngừa rủi ro trong công tác kiểm soát chi NSNN, kế toán và thanh toán tại hệ thống KBNN và nhiều quy trình giám sát từ xa hoạt động nghiệp vụ KBNN. Đây vừa là văn bản có tính quy định bắt buộc và vừa là cẩm nang để các đơn vị KBNN có các hành động phòng ngừa rủi ro, tăng cường giám sát hệ thống, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch. Để tăng hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, KBNN đã chỉ đạo các đơn vị KBNN cần gắn kết quả kiểm tra, giám sát với trách nhiệm của người đứng đầu KBNN các cấp, với công tác đánh giá, xếp loại công chức, công tác thi đua, khen thưởng hàng năm.

Bên cạnh đó, KBNN đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần và thái độ phục vụ khách hàng giao dịch, không để tình trạng gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu với các đơn vị sử dụng NSNN như: xử lý nghiêm, điều chuyển ngay các công chức nhiều lần bị khách hàng phản ánh thái độ phục vụ kém; tăng cường kiểm tra đột xuất các đơn vị thuộc và trực thuộc, có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp hài hòa giữa kiểm tra trực tiếp, kiểm tra đột xuất và giám sát từ xa; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức về văn hóa công sở và kỹ năng giao tiếp; tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống; rà soát, bổ sung, bố trí đầy đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra tại KBNN và KBNN các tỉnh, thành phố; thực hiện nghiêm việc luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức đảm bảo theo đúng quy định.

Với những kết quả đạt được nêu trên, đến nay KBNN đã cơ bản hình thành Kho bạc điện tử - các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng CNTT hiện đại và Kho bạc "03 không" - không chứng từ giấy, không khách giao dịch trực tiếp và không giao dịch tiền mặt tại trụ sở kho bạc, được Bộ Tài chính, các đơn vị, tổ chức, cá nhân ghi nhận và đánh giá cao. Trong 02 năm liên tiếp (năm 2020 và 2021), KBNN đứng ở vị trí thứ hai trong số các đơn vị thuộc khối tổng cục thuộc Bộ Tài chính thực hiện tốt công tác CCHC; đạt tỷ lệ 94,5% đơn vị, tổ chức, cá nhân đánh giá mức độ hài lòng trong đợt khảo sát của hệ thống KBNN năm 2022.

Định hướng cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực kho bạc nhà nước trong thời gian tới

Để thực hiện các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 và nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong thời gian tới, hệ thống KBNN cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quy định TTHC và các quy trình nghiệp vụ theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số các giao dịch TTHC giữa các bộ, ban, ngành và liên thông hệ thống giữa KBNN với các đơn vị sử dụng NSNN.

Thứ hai, tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào quy trình nội bộ xử lý hồ sơ TTHC; trong đó triển khai việc ký số, gửi, nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử tại từng đơn vị, bộ phận.

Thứ ba, tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi TTHC phục vụ đơn vị, cá nhân của công chức KBNN như: rà soát các công chức trực tiếp tiếp nhận và giải quyết TTHC đảm bảo đáp ứng đầy đủ năng lực xử lý hồ sơ, thái độ phục vụ và đạo đức công vụ; xử lý nghiêm các công chức, đơn vị có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đơn vị giao dịch và có thái độ, hành vi không đúng chuẩn mực đạo đức công vụ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành các cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ tại từng đơn vị; tăng cường công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức về đạo đức nghề nghiệp, tinh thần thái độ phục vụ khách hàng và kỹ năng giao tiếp; tiếp tục thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của KBNN; tăng cường kiểm tra, giám sát từ xa quá trình giải quyết TTHC.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 3/2023