Kho bạc Nhà nước góp phần quan trọngvào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụtài chính – ngân sách năm 2022
Năm 2022, kinh tế - xã hội nước ta gặp phải nhiều khó khăn, thách thức do tình hình kinh tế thế giới cónhiều diễn biến phức tạp về địa chính trị, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao. Các yếu tố này đãtác động tiêu cực đến tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước. Mặc dùvậy, bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự quan tâm, chỉ đạo sát saocủa Ban Cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Tài chính; sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền cáccấp, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành có liên quan và với sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng, tinh thần trách nhiệmcao của toàn thể công chức, viên chức, người lao động, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã đạt được nhiều kếtquả tích cực, nổi bật, góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành Tài chính trong năm 2022.
Kết quả nổi bật của hệ thống Kho bạc Nhà nước năm 2022
Năm 2022, có thể kể đến một số kết quả nổi bật của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) như:
Một là, KBNN đã trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 455/ QĐ-TTg ngày 13/4/2022 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 là một cấu phần quan trọng của Chiến lược Tài chính đến năm 2030, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở, là “kim chỉ nam” để KBNN tiếp tục xây dựng hệ thống phát triển hiện đại, bền vững với mục tiêu tổng quát: xây dựng KBNN tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), ngân quỹ nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn cho NSNN; thực hiện tốt chức năng tổng kế toán nhà nước; kiện toàn bộ máy tổ chức gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành Tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền Tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Trong đó, một trong những mục tiêu cụ thể, quan trọng được xác định đó là hình thành Kho bạc số vào năm 2030.
Hai là, KBNN tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Trong năm, các đơn vị KBNN đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu trên địa bàn tập trung đầy đủ, kịp thời, hạch toán chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách, góp phần cùng với ngành Thuế và ngành Hải quan thực hiện thu NSNN vượt dự toán năm 2022; Kiểm soát các khoản chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao; đồng thời, tham mưu với Bộ Tài chính, chính quyền các cấp nhiều giải pháp tích cực để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư. KBNN đã điều hành ngân quỹ nhà nước theo hướng an toàn, chủ động, minh bạch và hiệu quả, đảm bảo khả năng thanh toán tại mọi thời điểm, gắn kết chặt chẽ với quản lý ngân sách và quản lý nợ công. Tính đến tháng 12/2022, KBNN đã tiếp tục nộp vào ngân sách trung ương 1.200 tỷ đồng từ thu hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước. Đối với công tác huy động vốn, KBNN đã phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi và trả nợ gốc đến hạn của ngân sách trung ương, phù hợp với khả năng thu của ngân sách trung ương và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, duy trì hoạt động của thị trường TPCP; tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên nhằm tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ TPCP, góp phần bảo đảm an toàn, bền vững nợ công theo chủ trương của Đảng và Quốc hội; điều hành lãi suất phát hành TPCP phù hợp với nguyên tắc thị trường và định hướng điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ của Chính phủ.
Ba là, KBNN đã hoàn thành công tác tổng hợp, lập Báo cáo Quyết toán NSNN và Báo cáo Tài chính nhà nước năm 2020 trình Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Quốc hội. Báo cáo Quyết toán NSNN năm 2020 đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao, đạt tỷ lệ 90,96%.
Nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2020 được triển khai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia. Công tác quyết toán NSNN năm 2020 có nhiều khó khăn, vướng mắc do có nhiều nội dung quyết toán phức tạp, phải báo cáo, giải trình với các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, KBNN đã phối hợp chặt chẽ với các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Tài chính để tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 đúng thời hạn, thông qua với tỷ lệ cao (90,96%). Báo cáo Tài chính nhà nước toàn quốc năm 2020 đã được tổng hợp và báo cáo các cấp thẩm quyền theo đúng thời hạn quy định. Trong đó, đã thực hiện rà soát, bổ sung số liệu tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, nước sạch nông thôn do huyện quản lý; tiếp tục cập nhật số liệu tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ của cấp tỉnh và trung ương; tổng hợp đầy đủ thông tin tài chính của các đơn vị đặc thù; cải thiện nội dung phân tích và đánh giá một số chỉ tiêu quan trọng trên báo cáo.
Bốn là, KBNN tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ, với điểm nhấn quan trọng là triển khai thành công diện rộng 02 chương trình: (i) Chương trình thanh toán điện tử liên ngân hàng tập trung; (ii) Chương trình kiểm soát chi đầu tư (Chương trình ĐTKB-GD) để thực hiện kiểm soát, thanh toán các dự án đầu tư công theo phương thức điện tử.
Việc triển khai diện rộng mô hình thanh toán điện tử liên ngân hàng tập trung là bước cải tiến lớn trong công cuộc hiện đại hóa của ngành Tài chính nói chung và hệ thống KBNN nói riêng. Triển khai mô hình thanh toán điện tử này đã góp phần hoàn thiện liên thông các hoạt động nghiệp vụ KBNN, mang lại nhiều lợi ích cho cả KBNN và đơn vị giao dịch, cụ thể như: Tự động hóa tối đa các bước xử lý trên ứng dụng, rút ngắn thời gian kiểm soát các khoản chi ngân sách, góp phần đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn NSNN, nâng cao năng suất cũng như chất lượng lao động của công chức hệ thống KBNN; trong công tác quản lý ngân quỹ, việc triển khai mô hình thanh toán điện tử liên ngân hàng đã tập trung nhanh ngân quỹ về Ngân hàng Nhà nước, hoàn thiện hệ thống tài khoản thanh toán tập trung (TSA) theo thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả hỗ trợ của chính sách tài khóa cho chính sách tiền tệ.
Trong năm, KBNN cũng đã triển khai trên phạm vi toàn quốc Chương trình ĐTKB-GD, có kết nối, liên thông với Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, Hệ thống Tổng hợp báo cáo của KBNN. Dữ liệu báo cáo giải ngân vốn đầu tư công phát sinh hàng ngày được tổng hợp từ KBNN huyện, KBNN tỉnh và được đồng bộ lên KBNN Trung ương. Vì vậy, số liệu giải ngân vốn đầu tư công được khai thác một cách kịp thời, chủ động tại mọi thời điểm, là cơ sở quan trọng để đánh giá tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương một cách công khai, minh bạch, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và các cấp chính quyền địa phương, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Năm là, KBNN tiếp tục mở rộng phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại (NHTM); phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí, thu phạt vi phạm hành chính qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Trong năm 2022, KBNN đã triển khai mở tài khoản chuyên thu NSNN và ký thỏa thuận hợp tác phối hợp thu NSNN, thanh toán song phương điện tử với 05 NHTM, nâng tổng số NHTM mà KBNN đã ký thỏa thuận mở tài khoản chuyên thu lên thành 20 NHTM, qua đó góp phần hiện đại hóa phương thức thu NSNN; tăng cường trao đổi thông tin, cung cấp thông tin, số liệu thu NSNN phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp. Đồng thời, KBNN đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí và thu phạt vi phạm hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, góp phần cùng với ngành Thuế thực hiện thu NSNN vượt dự toán năm 2022.
Sáu là, KBNN duy trì cung cấp 100% thủ tục qua Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4; 100% các đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia DVCTT (khoảng 97.000 đơn vị); hoạt động giao dịch với KBNN 24/7, số lượng chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng đạt trên 99%, lượng giao dịch trung bình mỗi ngày từ 100.000 đến 150.000 giao dịch.
Việc áp dụng Hệ thống DVCTT đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn. Hệ thống DVCTT cũng cho thấy hiệu quả, trở thành phương thức giao dịch chính giữa KBNN với các đơn vị sử dụng ngân sách, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Nhờ đó, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị sử dụng ngân sách, kể cả trong thời gian cách ly xã hội để phòng, chống dịch. Đối với KBNN, thực hiện DVCTT góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi NSNN, bảo đảm minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát và thời hạn kiểm soát. Đây là bước đi đầu tiên để thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử trong thời gian tới.
Với việc triển khai toàn diện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch nêu trên, năm 2022, KBNN tiếp tục đứng ở vị trí thứ 2 trong số các đơn vị thuộc khối tổng cục thuộc Bộ Tài chính thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; mức độ hài lòng của các cá nhân, tổ chức đối với chất lượng phục vụ của hệ thống KBNN đạt tỷ lệ 94,5%.
Tập trung nguồn lực thực hiện Chiến lược và các kế hoạch đề ra
Năm 2023 được dự báo tiếp tục là một năm với nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Đối với Việt Nam, 2023 là năm rất quan trọng khi chúng ta sẽ tiếp tục triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, duy trì động lực cho phát triển kinh tế những năm tiếp theo.
Đối với riêng hệ thống KBNN, 2023 là năm sẽ triển khai cụ thể nhiều giải pháp, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Yêu cầu về đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch ngày càng cao.
Vì vậy, KBNN đã xác định mục tiêu và phương châm hành động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm: “Tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2030; đẩy mạnh chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng phục vụ khách giao dịch”.
Với truyền thống đoàn kết, trí tuệ tập thể, tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo và sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống, năm 2023, tin tưởng rằng KBNN sẽ hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Ban Cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Tài chính tin tưởng giao phó.