Kho bạc Nhà nước tăng tốc về đích “Kho bạc 3 không”
Kho bạc Nhà nước đã và đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, để rút ngắn khoảng cách với đích đến “Kho bạc 3 không”.
“Kho bạc 3 không: Không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ” là nền tảng vững chắc để Kho bạc Nhà nước tiến tới kho bạc số. Đây cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm đặt ra trong dự thảo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030 đang được Kho bạc Nhà nước trình Bộ Tài chính.
Triển khai mục tiêu trên, thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã luôn nỗ lực đẩy mạnh hiện đại hóa và cải cách phương thức giao dịch.
Cụ thể, để mở rộng không gian và thời gian cho người nộp thuế, Kho bạc Nhà nước đã ký thoả thuận phối hợp thu ngân sách nhà nước với 9 hệ thống ngân hàng thương mại (5 hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước và 4 hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần) gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, MBBank, VPBank, SeaBank, SHB và Techcombank.
Việc ký kết thỏa thuận này phù hợp với những mục tiêu cải cách hành chính, hiện đại hóa của Kho bạc Nhà nước đã và đang triển khai thực hiện, để trở thành kho bạc điện tử và hình thành kho bạc số với 3 không: “Không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ”.
Về phía các ngân hàng thương mại, việc ký kết thỏa thuận phối hợp thu ngân sách là bước chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động, đổi mới phương thức phục vụ khi lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Cùng với việc mở rộng đối tượng phối hợp thu ngân sách nhà nước để tập trung nhanh các khoản thu, Kho bạc Nhà nước đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai Chương trình quản lý thu ngân sách nhà nước để kết nối, trao đổi, thống nhất thông tin, dữ liệu điện tử về thuế, phí, lệ phí giữa Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế, hải quan và các ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản và phối hợp thu.
Kho bạc Nhà nước cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan phát triển và đa dạng hoá các phương thức thu ngân sách nhà nước hiện đại bên cạnh phương thức truyền thống như: Thu ngân sách nhà nước qua Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của cơ quan thu, qua ATM, internet banking, mobile banking, qua các điểm chấp nhận thẻ POS của ngân hàng thương mại…
Nhờ đó, đến hết năm 2020, tỷ trọng thu bằng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước chỉ còn 0,55% so với tổng số thu ngân quỹ nhà nước. Lượng tiền mặt trong giao dịch tại Kho bạc Nhà nước giảm cho thấy, Kho bạc Nhà nước đang đi đúng hướng về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Ngoài các giải pháp trên, thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã tăng cường thực hiện việc giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh hàng tháng trên dịch vụ công trực tuyến đạt từ 98% trở lên, điều này giúp giảm lượng lớn chứng từ giấy giao dịch qua Kho bạc Nhà nước.
Nhờ các tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, toàn hệ thống KBNN cũng đã chi trả ngân sách kịp thời cho các đơn vị thụ hưởng, ngay cả khi đại dịch bùng phát mạnh, nhất là tại các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kho bạc Nhà nước. Cán bộ giao dịch có thời gian, không gian tập trung giải quyết công việc.
Các thao tác nghiệp vụ được thực hiện qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhanh và thuận tiện hơn so với thao tác bằng chứng từ, hồ sơ giấy. Quan trọng nhất là hệ thống này đã giúp hạn chế những sai sót, đồng thời nâng cao trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách khi yêu cầu nhập thông tin chính xác.
“Kho bạc 3 không: Không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ” là nền tảng vững chắc để Kho bạc Nhà nước tiến tới kho bạc số. Đây cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm đặt ra trong dự thảo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030 đang được Kho bạc Nhà nước trình Bộ Tài chính.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mang lại khá nhiều lợi ích thiết thực, góp phần hoàn thành tốt "mục tiêu kép": Vừa chống dịch bệnh hiệu quả, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Có thể khẳng định, với sự nỗ lực vào cuộc của hệ thống Kho bạc Nhà nước, “Kho bạc 3 không” sẽ sớm trở thành hiện thực, giúp cho công tác quản lý nguồn ngân quỹ nhà nước ngày càng minh bạch, hiệu quả, đồng thời tiết kiệm tối đa các chi phí đi lại, in chứng từ giấy….
Để củng cố thêm các tiện ích của kho bạc điện tử, dần hình thành “Kho bạc 3 không”, hiện nay Kho bạc Nhà nước đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các ngân hàng thương mại hướng dẫn triển khai, tiếp nhận các khoản thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh và các bộ, ngành từ cổng thông tin của các tỉnh, thành phố (thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia), qua ngân hàng thương mại và chuyển đến Kho bạc Nhà nước để nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước, hoặc vào tài khoản phí, lệ phí chờ nộp ngân sách nhà nước của cơ quan thu mở tại Kho bạc Nhà nước.
Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước rà soát và trình Bộ Tài chính mở rộng phạm vi địa bàn bắt buộc thanh toán cá nhân qua tài khoản tại các địa bàn chưa thuộc diện bắt buộc, nhưng trên thực tế đã thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản...
(*) Võ Thy Trang
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 10/2021.