Khó đạt mục tiêu nới room tín dụng?

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Mức nới room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đạt chuẩn Basel II sẽ không nhiều để đảm bảo không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành.

Đã có 9/17 ngân hàng đạt được chuẩn Basel II. Nguồn: Internet.
Đã có 9/17 ngân hàng đạt được chuẩn Basel II. Nguồn: Internet.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 9/17 ngân hàng đạt được chuẩn Basel II gồm: Vietcombank, VIB, OCB, TPBank, ACB, VPBank, Techcombank, MB, MSB và khoảng 10 ngân hàng đã nộp hồ sơ xin áp dụng Basel II sớm.

Một trong những yêu cầu quan trọng của Basel II là đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ít nhất 8%, trong đó một số ngân hàng vượt mục tiêu tối thiểu như VPBank đạt 11,2%, MSB và MB đạt trên 9%…

Kỳ vọng được nới chỉ tiêu cao

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, đến hết tháng 4/2019, vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng tăng thêm 1,05% lên 582.379 tỷ đồng; vốn tự có tăng khá mạnh tới 5,66% lên 851.795 tỷ đồng.

Trong đó, dẫn đầu vốn điều lệ là khối ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) với 268.872 tỷ đồng (tăng 0,61% so với cuối năm 2018); khối NHTM nhà nước với 149.001 tỷ đồng (tăng 0,75%) và khối ngân hàng liên doanh-nước ngoài với 116.619 tỷ đồng (tăng 2,76%).

Để thưởng cho những ngân hàng "về đích" Basel II sớm, NHNN đưa ra thông điệp tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà băng này trong việc tăng trưởng tín dụng và mở rộng mạng lưới. Cụ thể, NHNN cho cơ chế "thoáng" hơn về "room" tín dụng – được xem như một nút thắt trong tăng trưởng và lợi nhuận với nhiều ngân hàng hiện nay.

Thực tế, với những ngân hàng đạt chuẩn Basel II, ngay từ đầu năm, chỉ tiêu tín dụng được giao đã ở mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng như Vietcombank là 15%, TPBank là 13%…

Tuy nhiên, tính đến hết quý I, một số nhà băng đã gần cạn room tín dụng. TPBank đã tăng trưởng tín dụng tới 11,3%. Còn VPBank, Vietcombank đã "ngốn" hơn 6% room tăng trưởng tín dụng, tức đã dùng hơn 40% hạn mức cho phép dù mới chỉ bước qua 3 tháng.

Vì vậy, tại đại hội cổ đông vừa qua, các ngân hàng đã được "gắn mác" Basel II đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với chỉ tiêu, như: VIB (35%), MB (15%), VPBank (15%), TPBank (21%), HDBank (24%), OCB (30%)…

Nhờ kế hoạch tăng trưởng tín dụng này, các ngân hàng mới có thể tự tin đặt lợi nhuận 2019 ở mức cao. Theo đó, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2018. Trong khi đó, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận 5.077 tỷ đồng, tăng 26,8%; MB đặt mục tiêu lãi 9.895 tỷ đồng, tăng 27%…

Liên quan đến việc các ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II đề nghị nới mức tăng trưởng tín dụng, giới phân tích cho rằng mức nới sẽ không được nhiều để đảm bảo không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành ở mức 14%.

"Quà" có như kỳ vọng?

Đến nay chưa có thông tin về việc NHNN tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho bất cứ ngân hàng nào. Tuy nhiên, tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019, lãnh đạo NHNN cho biết, để kiểm soát tín dụng trong mục tiêu đặt ra cũng như hạn chế rủi ro nợ xấu, 6 tháng cuối năm 2019, NHNN tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp điều hành tín dụng trọng tâm. Trong đó có điều hành tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra…

NHNN cũng đưa ra định hướng: những ngân hàng đủ vốn, nợ xấu thấp thì không bị hạn chế tăng trưởng tín dụng; ngân hàng nào tăng tín dụng mà không đảm bảo đủ vốn thì không được tăng trưởng tín dụng thêm.

Trong bối cảnh còn có những ngân hàng yếu kém, NHNN buộc phải đưa ra chỉ tiêu tín dụng nhằm khống chế tín dụng đối với nhà băng yếu.

Do đó, trong trường hợp chỉ tiêu tín dụng đặt ra không được NHNN chấp thuận, các ngân hàng phải điều chỉnh lợi nhuận hoặc cơ cấu lại dư nợ cho vay theo hướng tăng biên lợi nhuận, tức là đẩy mạnh tín dụng vào phân khúc cho vay có lời cao (nhưng đi kèm với rủi ro nợ xấu).

Trả lời báo chí về tăng chỉ tiêu tín dụng lên tới 35%, lãnh đạo VIB cho biết, ngân hàng kỳ vọng sẽ được NHNN nới tăng trưởng tín dụng. Còn thực tế được chấp thuận ở mức nào thì sẽ thực hiện trong khuôn khổ cho phép.

Theo Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ, nếu không được nới chỉ tiêu tín dụng cũng không ảnh hưởng tới lợi nhuận. Nguyên nhân là bởi chỉ tiêu lợi nhuận này là trên cơ sở hoạt động kinh doanh đa dạng, không chỉ phụ thuộc vào hoạt động tín dụng mà còn dựa trên các hoạt động kinh doanh nổi bật của ngân hàng là dịch vụ, thẻ, bảo hiểm và các hoạt động kinh doanh khác. Do đó, mục tiêu lợi nhuận của VIB là khả thi.

Ông Vỹ cũng tự tin khi cho rằng VIB có truyền thống thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận, nên ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận thực tế sẽ vượt 20 – 30% kế hoạch.

Đại diện các ngân hàng đều cho hay chiến lược tăng trưởng bán lẻ được đẩy mạnh những năm gần đây và ngân hàng nỗ lực giảm dần phụ thuộc vào tín dụng, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ, nhất là trong bối cảnh tín dụng không còn tăng trưởng cao như trước.

Một trong những chiến lược được các ngân hàng đẩy mạnh là đầu tư vào ngân hàng số và phân phối bảo hiểm (bancassurance). Đây sẽ tiếp tục là xu hướng phát triển của các ngân hàng trong thời gian tới.