Khơi dòng chảy tín dụng ngân hàng vào lĩnh vực nông nghiệp

PV.

Ngày 30/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chủ trì Hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Tính đến 30/9/2016, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt trên 925.000 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2016, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt trên 925.000 tỷ đồng.

Quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp

Chia sẻ tại Hội thảo, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), ông Lại Xuân Môn cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo ngành Ngân hàng ưu tiên tập trung vốn cho nông nghiệp và các chính sách này đã có tác động mạnh mẽ trong việc khơi thông nguồn vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn (NNNT) phát triển.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách tín dụng chưa đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển NNNT. Quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực NNNT còn thấp so với nhu cầu.

Tính đến 30/9/2016, dư nợ cho vay NNNT toàn quốc đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 18% dư nợ cho vay nền kinh tế.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 153.306 tỷ đồng, tăng 7,56% so với 2015. Trong đó, tính đến hết tháng 6/2016, dư nợ cho vay tại tất cả các xã phục vụ xây dựng nông thôn mới đạt 660.667 tỷ đồng, tăng 15,22% so với thời điểm cuối năm 2015.

Tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực NNNT còn 1,53%, thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu toàn nền kinh tế. Riêng với khách hàng vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân thông qua Hội NDVN, nợ quá hạn chỉ trung bình 0,32%.

Tuy nhiên, qua triển khai chính sách vẫn còn một số vướng mắc, vì thế, việc tìm ra các giải pháp hỗ trợ nguồn vốn phát triển NNNT là cần thiết, có như vậy mới giúp người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thành công.

Định hướng phát triển tín dụng nông nghiệp

Ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng Tín dụng Nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, NHNN xác định nông nghiệp nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.

Cụ thể là đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP (ngày 9/6/2015) về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP (ngày 12/4/2010) của Chính phủ.

Nghị định 55/2015/NĐ-CP có nhiều điểm nổi bật hơn trước như: Mở rộng đối tượng vay vốn; nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định tại Nghị định 41/2010/NĐ-CP; một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp cũng được quy định mức cho vay phù hợp.

Chính sách mới cũng đã khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua quy định về trích lập dự phòng, xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; đồng thời, có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ...

Tuy nhiên để dòng vốn tín dụng ngân hàng chảy vào lĩnh vực NNNT hiệu quả hơn nữa, theo đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) đề xuất một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát và hoàn chỉnh các chính sách về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ, chính sách về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NNNT.

Thứ hai, cần đẩy mạnh việc phát triển thị trường bảo hiểm cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam nhằm giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và người nông dân, đồng thời các ngân hàng cũng yên tâm cho vay; Kết hợp triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tại địa phương với tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo địa phương và theo vùng.

Thứ ba, đề nghị các bộ ngành và chính quyền địa phương thúc đẩy ký kết hợp đồng liên kết và có chế tài bảo đảm thực hiện hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân để tránh việc phá vỡ hợp đồng; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến đến người dân, doanh nghiệp lợi ích thiết thực của việc sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết của Việt Nam.

Chỉ đạo tại Hội thảo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN đã đưa ra định hướng sắp tới đối với tín dụng phát triển NNNT, gồm:

Thứ nhất, sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp cơ cấu nông nghiệp, phù hợp cơ cấu nguồn vốn, với quy hoạch của từng vùng, từng miền, các địa phương.

Thứ hai, tập trung vốn tín dụng với cơ chế chính sách có ưu đãi một cách phù hợp. Đặc biệt tập trung vào cho vay các dự án, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu.

Thứ ba, tiếp tục tham gia mạnh mẽ vào các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình nông thôn mới, chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững… 

Thứ tư, tiếp tục các chương trình tín dụng đã có nhưng sẽ chọn lọc và thu gọn.

Thứ năm, thực hiện tốt nhất Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, bởi Nghị định này được coi là sự cởi mở rất tích cực cho NNNT.

Thứ sáu, tăng cường sự phối hợp chính sách giữa các bộ, ngành, địa phương để nguồn tín dụng ngân hàng hết sức hỗ trợ được doanh nghiệp, người dân.

Tính đến 30/9/2016, dư nợ cho vay NNNT toàn quốc đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 18% dư nợ cho vay nền kinh tế.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 153.306 tỷ đồng, tăng 7,56% so với 2015. Trong đó, tính đến hết tháng 6/2016, dư nợ cho vay tại tất cả các xã phục vụ xây dựng nông thôn mới đạt 660.667 tỷ đồng, tăng 15,22% so với thời điểm cuối năm 2015.