Khơi thông dòng vốn tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn
Nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực được chính phủ xác định ưu tiên đầu tư vốn và đẩy mạnh thực hiện trong thời gian gần đây bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Tuy vậy, việc tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay của nhiều nông dân vẫn còn gặp vướng mắc. Làm thế nào để nông dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn, tiếp tục hoàn thiện chính sách tín dụng với nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là vấn đề quan trọng đặt ra.
Chính sách tín dụng cho phát triển nông nghiệp và nông thôn
Tín dụng ngân hàng là một trong những công cụ quan trọng được Ðảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm để phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT), góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân, cư dân ở nông thôn.
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm phát triển kinh tế NNNT, trong đó, các chính sách tín dụng liên tục được đổi mới nhằm khơi dòng vốn chảy vào khu vực này. Điển hình là ngày 9/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010.
Theo đó, Chính phủ xác định 7 nhóm ưu tiên cho vay NNNT như: Cho vay các chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ; Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn; Cho vay để sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp; Cho vay phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn; Cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Cho vay các nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn; Cho vay theo các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực NNNT của Chính phủ.
Đặc biệt, vay không tài sản bảo đảm đến 3 tỷ đồng và vay có tài sản thế chấp cũng được nới rộng hơn. Các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm phải nộp cho tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND xã xác nhận.
Khách hàng chỉ được sử dụng giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp để vay vốn tại một TCTD và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng giấy xác nhận trên để vay không có tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị định này.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay phục vụ phát triển NNNT do khách hàng và TCTD thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong từng thời kỳ. Trường hợp các chương trình tín dụng phục vụ phát triển NNNT thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ thì mức lãi suất và phương thức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Việc triển khai Nghị định 55/2015/NĐ-CP và các chính sách tín dụng của Chính phủ đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, mở rộng công nghiệp chế biến, phát triển ngành nghề truyền thống; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, khai thác triệt để và sử dụng có hiệu quả tiềm năng kinh tế về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế các địa phương.
Sau hơn 1 năm Nghị định 55/2015/NĐ-CP đi vào cuộc sống, tín dụng phục vụ phát triển NNNT tăng trưởng nhanh, tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp (DN) tăng sức đầu tư vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Riêng năm 2015, tín dụng NNNT đã tăng gần 65% so với cuối năm 2011, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên: NNNT; xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao. Quan trọng hơn, nguồn vốn ngân hàng đang chuyển dần vào các dự án đầu tư trung dài hạn, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lĩnh vực NNNT.
Nhờ có nguồn vốn vay, người nông dân đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ nông nghiệp, cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất.
Phần lớn nông dân vay vốn đã phát huy hiệu quả trong đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu thấp. Thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP, các TCTD đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tăng trưởng dư nợ, chủ động tìm kiếm khách hàng, áp dụng các gói tín dụng ưu đãi cho khu vực NNNT.
Nếu như thời gian trước đây, việc tiếp cận vốn vay của nông dân chủ yếu qua 2 kênh là Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam mà chưa có sự tham gia nhiều của các ngân hàng khác thì đến nay hàng loạt các ngân hàng Vietcombank, BIDV… đã dành vốn ưu tiên phát triển NNNT.
Theo số liệu được công bố tại Hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với NHNN tổ chức ngày 30/10/2016 tại Hà Nội, tính đến 30/9/2016, đầu tư tín dụng vào NNNT đạt trên 925 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam thì con số này là 1.150 nghìn tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng bình quân trong lĩnh vực NNNT giai đoạn 2010 - 2015 đạt 17,4%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung. Tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực này chiếm trên 18%, tương đương với mức đóng góp vào GDP của ngành Nông nghiệp.
NHNN cho biết sẽ đẩy mạnh áp dụng chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, khuyến khích các DN đầu tư vào các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bộ, địa phương nhằm hỗ trợ khách hàng vay vốn và xử lý các khoản nợ vay rủi ro do nguyên nhân khách quan.
Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn phù hợp với từng đối tượng khách hàng, sản phẩm nông nghiệp được đầu tư tín dụng, tăng cường giám sát với các khoản cho vay NNNT, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả.
Bên cạnh hoạt động cho vay NNNT theo cơ chế tín dụng thương mại, chương trình tín dụng này còn được triển khai thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam phủ rộng khắp toàn quốc. Trong những năm qua, dư nợ cho vay của ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam liên tục gia tăng qua các năm.
Năm 2014, dư nợ tăng gần 1,5 lần so với năm 2010, sang năm 2015 tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tăng mạnh lên tới hơn 140.000 tỷ đồng, vốn tập trung cho các đối tượng như cho vay hộ nghèo chiếm 24,9% tổng dư nợ, cho vay hộ cận nghèo chiếm 19%, cho vay hộ mới thoát nghèo chiếm 2,5% và một số chương trình chính sách khác.
Tín dụng chính sách góp phần tích cực trong việc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước từ 17% (năm 2001), xuống còn 4,5%, vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi các cơ chế, chính sách còn gặp những hạn chế do những vướng mắc cụ thể như:
Một là, cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho vay trong lĩnh vực NNNT chưa hoàn thiện; quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực NNNT còn thấp so với nhu cầu thực tế. Khách hàng trong lĩnh vực NNNT gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng bởi một số quy định của cơ chế tín dụng.
Trong Nghị định 41/NĐ-CP, sau này là Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT quy định các khách hàng lĩnh vực NNNT có thể được vay vốn tại các TCTD không cần tài sản đảm bảo, nhưng lại quy định thêm các đối tượng này cần phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi làm thủ tục vay vốn, nghĩa là đối tượng khách hàng muốn được vay vốn vẫn phải có tài sản đảm bảo.
Hai là, rủi ro trong quá trình cấp tín dụng còn cao, một số TCTD còn quan ngại cho vay lĩnh vực NNNT. Do đây là khu vực có khả năng sinh lời thấp, ẩn chứa nhiều rủi ro trong kinh doanh, các phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả nên các TCTD gặp nhiều khó khăn khi xét duyệt cho vay.
Hơn nữa, các tài sản đảm bảo khoản vay là các tài sản ruộng đất, các vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phát mại tài sản khi nợ xấu phát sinh cũng khiến các ngân hàng gặp nhiều rắc rối.
Các món vay cho lĩnh vực này thường là nhỏ lẻ, chi phí hoạt động tín dụng của TCTD sẽ cao. Do đó, các TCTD thường không “mặn mà” cấp tín dụng trong NNNT, mà chủ yếu chỉ tập trung cho vay vào giai đoạn giữa và cuối của chu kỳ sản xuất kinh doanh (khâu thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm).
Ba là, chính sách tín dụng chưa tạo điều kiện cho khu vực phi chính thức phát triển. Chính sách tín dụng NNNT ở Việt Nam thời gian qua còn ưu ái cho khu vực chính thức và hướng vào các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn.
Nhà nước chưa hình thành hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp cung ứng cho NNNT. Các sản phẩm tín dụng cung ứng của các TCTD còn đơn điệu, chủ yếu cho vay theo nhóm, cho vay hạn mức...
Khơi thông dòng vốn tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn
Để tiếp tục khơi thông dòng vốn tín dụng vào khu vực NNNT, thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục đơn giản thủ tục quy trình tín dụng. Các địa phương, TCTD cần rà soát tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ; triển khai nhiều chương trình tín dụng mới phù hợp với đặc điểm, tình hình của các loại hình DN và của từng địa phương. Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về mức lãi suất cho vay hiện hành; Mở rộng cho vay đối với hộ nông dân không phải thế chấp tài sản.
Cùng với đó, bổ sung đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; xem xét nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm và kéo dài thời hạn cho vay; quy định về phương thức cho vay lưu vụ phù hợp với hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ...
Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành trong thực thi chính sách ưu tiên phát triển NNNT. Cụ thể: NHNN phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện và sửa đổi cơ chế Bảo lãnh tín dụng cho DN hoạt động trong lĩnh vực NNNT để hạn chế rủi ro khi cho vay; Khuyến khích thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng nông nghiệp, cho phép ra đời Quỹ bảo lãnh tín dụng do các tổ chức, hiệp hội thành lập và các tổ chức, DN chuyên doanh hoạt động với mục đích lợi nhuận để thực hiện cấp bảo lãnh tín dụng… ; Khuyến khích các NHTM đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng dành cho lĩnh vực NNNT, tạo điều kiện để sớm hình thành và phát triển thị trường phái sinh cho các nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong tổ chức sản xuất nông nghiệp bảo đảm tạo được liên kết vùng trong phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời, hoàn thiện chính sách về đất đai…
Thứ ba, các NHTM cần nghiên cứu, phát triển các dịch vụ phục vụ các khâu trong chuỗi liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà DN), không chỉ tập trung vào tín dụng dành cho nhà nông hay nhà DN. Sự liên kết trong chuỗi giúp NHTM gia tăng được nguồn thu từ các dịch vụ trọn gói, cũng như kiểm soát được dòng tiền hiệu quả.
Đồng thời, phối hợp với DN/người sản xuất phát hiện, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay, đảm bảo nguồn vốn đến được đối tượng có nhu cầu.
Đặc biệt, lựa chọn các hình thức bảo hiểm nông nghiệp sẵn có tại địa phương, các quỹ bảo lãnh tín dụng phù hợp với khách hàng để tư vấn, và hỗ trợ khách hàng thực hiện vừa giúp giảm thiểu rủi ro cho NHTM, cũng như khách hàng.