Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh hướng đến tăng trưởng bền vững

PV.

Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã, đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, góp phần định hướng dòng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của quốc gia.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Từng bước hiện thực hóa mục tiêu “ngân hàng xanh”

Để góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của quốc gia, trong những năm qua, NHNN đã xây dựng định hướng phát triển ngân hàng xanh thông qua việc bổ sung, lồng ghép định hướng phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh với các mục tiêu cụ thể: Tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon...

Đồng thời, NHNN cũng đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam với mục tiêu đến năm 2025 là 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; Kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng...

Song song với đó, NHNN đã ban hành Sổ tay hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế có rủi ro cao về môi trường xã hội. Đây sẽ là công cụ để các tổ chức tín dụng (TCTD) xác định các rủi ro môi trường và xã hội khi thẩm định đơn xin cấp tín dụng cho những dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong những ngành có rủi ro cao về môi trường và xã hội và là những ngành mà các tổ chức tín dụng đang cho vay nhiều.

Nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, NHNN khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư cho các ngành/lĩnh vực xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu...

NHNN đã nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, đề án, dự án nhằm phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao, góp phần phục vụ tăng trưởng xanh, như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực thanh toán; Triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Phát triển phương tiện và các dịch vụ thanh toán qua Internet, qua di động, qua mã QR code...

Giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 25%/năm.
Giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 25%/năm.

Dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt gần 452.000 tỷ đồng

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của nền kinh tế và đạt nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể, về quy mô tín dụng xanh, trong giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 25%/năm. Tính đến ngày 31/12/2021, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt gần 452.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Như vậy, có thể thấy, quy mô tín dụng xanh từ hệ thống ngân hàng có gia tăng theo thời gian song tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh vẫn còn tương đối thấp.

Về cơ cấu ngành được phân bổ tín dụng xanh, trong số 12 lĩnh vực xanh, NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ cấp tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo (chiếm 46%) và nông nghiệp sạch (32%). Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá đạt gần 1,85 triệu tỷ đồng, chiếm gần 18%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Với những kết quả tích cực về quy mô tín dụng xanh, hoạt động ngân hàng đã có những đóng góp đáng kể trong thực hiện tăng trưởng xanh. Nhờ đó, tại “Báo cáo toàn cầu về tiến bộ trong cải cách hướng tới tài chính bền vững 2019” của Mạng lưới ngân hàng bền vững (SBN – Sustainable Bank Network, 2021), Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành Tài chính - Ngân hàng hướng tới phát triển bền vững.  

Giai đoạn 2020-2021, Việt Nam cũng được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững. Đồng thời, tại báo cáo Tiến bộ quốc gia của Việt Nam năm 2019 và 2021 (SBN, 2021), Việt Nam được xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết NDCs – một nội dung quan trọng của Thỏa thuận Paris và sự phù hợp của các mục tiêu chống biến đổi khí hậu quốc gia/khu vực; định nghĩa tài sản và các sản phẩm tài chính bền vững; hướng dẫn sản phẩm tài chính xanh...