Chú trọng xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn về tín dụng xanh
Hiện nay, Việt Nam có 9/84 tổ chức tín dụng, tương đương 10,7% số lượng các ngân hàng có thiết lập các hỗ trợ, ưu đãi cho các khoản tín dụng xanh. Để tiếp tục phát huy vai trò tín dụng xanh đối với phát triển khinh tế, Việt Nam chú trọng xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn về tín dụng xanh.
Trong những năm qua, phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, về tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ hơn 71 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015, lên đến 340 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2020.
Tính đến ngày 16/4/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 9,5 triệu tỷ đồng, kéo theo đó, số dư nợ “tín dụng xanh” tiếp tục gia tăng. Như vậy, trong 6 năm qua, tốc độ tăng trưởng “tín dụng xanh” lên đến 378,9%, trung bình tăng 63,1%/năm, gấp 3 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn này.
Hiện nay, Việt Nam có 9/84 tổ chức tín dụng, tương đương 10,7% số lượng các ngân hàng có thiết lập các hỗ trợ, ưu đãi cho các khoản tín dụng xanh. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các khoản tín dụng xanh thường là những ưu đãi về lãi suất. Cũng chỉ có 11 ngân hàng, tương đương 13% đơn vị có quy trình thẩm định riêng đối với các khoản cấp tín dụng xanh...
Nhằm thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, Việt Nam đã, đang từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý cho lĩnh vực này. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QÐ-TTg ngày 20/3/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.
NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QÐ-NHNN ngày 6/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 phê duyệt đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ những dự án thân thiện với môi trường…
Năm 2018, NHNN đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường – xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 10 ngành kinh tế.
Để hỗ trợ các tổ chức tín dụng triển khai chính sách tín dụng xanh một cách toàn diện, trên cơ sở thành công của cuốn sổ tay đã ban hành, NHNN tiếp tục phối hợp với IFC ban hành Hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường – xã hội đối với 5 ngành kinh tế khác gồm: Sản xuất nhiệt điện, sản xuất giấy và bột giấy, nhuộm vải, chế biến thủy sản, pin và sắc quy. Đây là “cẩm nang” giúp các tổ chức tín dụng nhận diện và chủ động quản lý các rủi ro môi trường – xã hội có thể gây tác động xấu, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án được cấp tín dụng cũng như khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó, giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng.
Thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam, NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của tín dụng xanh, trong đó chú trọng xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn về tín dụng xanh để các NHTM làm căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Cùng với đó, nghiên cứu chính sách lãi suất phù hợp khi thực hiện cấp tín dụng xanh theo hướng không chỉ ưu tiên hỗ trợ về lãi suất mà còn cần có những hướng dẫn đánh giá cụ thể về rủi ro môi trường – xã hội cho một số ngành chưa có hướng dẫn trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng nói chung, ngân hàng thương mại nói riêng.
Phát triển thị trường trái phiếu xanh như một hình thức thay thế cho nguồn tín dụng của các ngân hàng và các định chế tài chính. Các ngân hàng đang phải đối mặt với những khó khăn về nguồn tài trợ khi tỷ lệ tài trợ vốn ngắn hạn cho các khoản vay trung và dài hạn đang bị NHNN quy định rất chặt chẽ. Để giải quyết vấn đề này, nhiều quốc gia áp dụng giải pháp thay thế cho nguồn tín dụng này của ngân hàng bằng các biện pháp thúc đẩy thị trường vốn dài hạn, như phát hành trái phiếu xanh.