Khơi thông kênh vốn hiệu quả ngoài tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp

Minh Lâm

Tăng cường các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ, minh bạch thông tin với thị trường chứng khoán, hoàn thiện cơ chế phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đẩy mạnh kênh trái phiếu và tín dụng xanh... là những giải pháp khơi thông kênh vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, theo Chủ tịch FiinGroup.

Tại Hội thảo "Đối thoại Tháng 7: Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán" do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn FiinGroup cho biết, doanh nghiệp đang ở giai đoạn “khó có thể khó hơn”, thậm chí còn khó khăn hơn cả giai đoạn đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.

Theo đó, doanh nghiệp đang có xu hướng co hẹp đòn bẩy tài chính ở hầu hết các ngành. Tuy nhiên, vấn đề không hoàn toàn nằm ở mức độ đòn bẩy tài chính cao mà là năng lực hấp thụ vốn thấp. Trước bối cảnh này, Chủ tịch FiinGroup đưa ra một số đề xuất phát triển và khơi thông các kênh dẫn vốn ổn định, hiệu quả cho doanh nghiệp, góp phần khôi phục tăng trưởng kinh tế cao – bền vững.

Phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chính phủ và các bộ ngành cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ hiện đang triển khai. Lãi suất đang có xu hướng giảm mạnh sau các chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là một dấu hiệu rất tích cực việc khai thông vốn cho doanh nghiệp và cho khôi phục tăng trưởng cao. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào nới lỏng tiền tệ vốn, rủi ro có thể gia tăng khi lại chảy vào các kênh đầu tư có rủi ro cao hoặc có tính đầu cơ trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn thấp như hiện nay.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Công ty cổ phẩn FiinGroup.
Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Công ty cổ phẩn FiinGroup.

Do đó, nếu chỉ tập trung vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao không hẳn đã tốt vì thực tế nhiều ngành có mức độ nhu cầu vốn không chỉ vốn đầu tư mà cả vốn lưu động cũng thấp. Việc triển khai các chính sách và chương trình theo hướng có trọng tâm trọng điểm theo nhóm ngành.

“Chương trình hỗ trợ lãi suất 15.000 tỷ đồng hiện nay của Chính phủ cho nhóm ngành Lâm - Thủy sản là rất trúng, kịp thời và cần thiết nhưng chúng ta có thể xem xét mở rộng ra một số ngành khác nữa với những tiêu chí và hướng dẫn cụ thể hơn”, ông Thuân chia sẻ.

Ví dụ ngành Dệt may hiện không chỉ đóng góp gần 37,5 tỷ USD xuất khẩu (với giá trị xuất khẩu ròng: 9,4 tỷ USD) trong năm 2022 mà còn với khoảng 3 triệu việc làm (khoảng 6% tổng lực lượng lao động của Việt Nam) mà hiện tại tình hình kinh doanh khó khăn nhưng có chỉ báo cho thấy cầu về đơn hàng có thể hồi phục trở lại vào khoảng thời gian cuối năm tới đây khi nhu cầu quay trở lại phục vụ mùa mua sắm vào cuối năm.

Việc phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ kịp lúc này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất kinh doanh và hạn chế sa thải lao động nhằm chuẩn bị cho giai đoạn hồi phục sắp tới.

Cải thiện công tác minh bạch thị trường chứng khoán

Ông Thuân cho rằng, thị trường chứng khoán là một kênh dẫn vốn rất hiệu quả, nhưng doanh nghiệp lại chưa tận dụng được kênh vốn này nhiều. Do đó, cần tiếp tục cải thiện công tác minh bạch thông tin với thị trường chứng khoán, bao gồm cả thị trường cổ phiếu và TPDN.

Điều này không chỉ góp phần nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi mà còn giúp cải thiện chất lượng hàng hóa để nhà đầu tư có thể yên tâm hơn để đầu tư dài hạn thay vì chỉ tập trung giao dịch ngắn hạn, đầu cơ hoặc để tiền gửi ở ngân hàng.

"Sự cải thiện này cũng sẽ giúp phát huy vai trò thị trường chứng khoán như là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế", ông Nguyễn Quang Thuân chia sẻ.

Hoàn thiện cơ chế phát triển thị trường TPDN

Riêng về kênh TPDN, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phát triển thị trường theo nhóm nhà đầu tư mục tiêu. Theo đó, các chính sách và quy chuẩn của thị trường nên được cải thiện theo hướng phân luồng với các điều kiện được thiết kế theo các loại hình phát hành và đối tượng nhà đầu tư khác nhau.

Trái phiếu chào bán đại chúng nên được tập trung phát triển theo hướng minh bạch hơn và thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp niêm yết. Trái phiếu chào bán cho nhà đầu tư cá nhân (kể cả chuyên nghiệp) nên được ưu tiên xếp hạng tín nhiệm độc lập hoặc được ngân hàng tốt bảo lãnh. Ngoài ra, điều kiện và điều khoản chuẩn nên được xây dựng và quy định chi tiết cho trái phiếu chào bán cho nhà đầu tư cá nhân.

“Chúng ta nên tập trung các biện pháp để hình thành đường cong lãi suất cho thị trường TPDN sau khi đã hình thành kênh giao dịch tập trung cho TPDN tại HNX”, Chủ tịch FiinGroup nhấn mạnh.

Khác với tín dụng ngắn hạn của ngân hàng, trái phiếu là kênh đầu tư và vì vậy thị trường nên chấp nhận sự phân biệt về lãi suất trên kênh TPDN và công cụ nợ để qua đó hình thành đường cong lãi suất và làm chất xúc tác để phát huy chức năng đầu tư của thị trường vốn.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn. Tránh việc tất cả trái phiếu đều "sàn sàn" như nhau với lãi suất 9-11% như thời gian vừa qua, bất kể chất lượng hàng hóa thế nào.

Tập trung nâng hạng xếp hạng tín nhiệm quốc gia

Hiện nay, Việt Nam chỉ được xếp hạng tín nhiệm ở mức BB+ (theo S&P) trong khi các nước trong khu vực ASEAN có tính cạnh tranh cao với Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp đều có mức xếp hạng cao hơn (Malaysia: A-; Thái Lan: BBB+; Philipines: BBB+; Indonesia: BBB).

Thực tế theo phân tích của S&P Global Ratings thì các yếu tố nền tảng cơ bản của Việt Nam như mức độ tăng trưởng, sự ổn định của các cân đối lớn của vĩ mô và nền kinh tế, sức mạnh của cán cân thanh toán, tình hình thu chi ngân sách và quản lý nợ công, dự trữ ngoại hối... cơ bản đều tương đồng hoặc một số có sự vượt trội tương đối so với các nước trên.

Vấn đề chính của Việt Nam hiện nay là công tác minh bạch thông tin. Việc xếp hạng mức mức thấp như hiện nay sẽ giảm lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nợ quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện phải chịu mức lãi suất vay hoặc huy động trên thị trường quốc tế cao hơn 2-4% so với các doanh nghiệp tương đồng tại các thị trường của một số nước ASEAN.

Hiện nay, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BBB trở lên nhưng chúng ta nên quyết liệt hơn trong việc triển khai mục tiêu này để có thể tạo lợi thế so sánh tốt trong bối cảnh thị trường vốn và ngành Tài chính của Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới.

Đẩy mạnh hơn nữa kênh trái phiếu và tín dụng xanh

Tài chính bền vững, bao gồm trái phiếu xanh là xu hướng lớn trên thế giới và khu vực. Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và dòng vốn nước ngoài và nội địa quan tâm rất lớn. Thị trường cũng đang rất kỳ vọng khung phân loại trái phiếu xanh và tín dụng xanh của Việt Nam sẽ sớm được Chính phủ ban hành.

Do đó, doanh nghiệp nên chủ động chuẩn bị và tận dụng kênh vốn này. Việc lựa chọn tiêu chuẩn GSS (Xanh, Xã hội, Bền vững) theo quốc tế (CBI, ICMA, ASEAN+3, v.v.) hay của Việt Nam (đang dự thảo) sẽ tùy thuộc vào đối tượng nhà đầu tư mục tiêu mà doanh nghiệp nhắm đến.

Hiện FiinRatings cùng một số tổ chức (ADB, WB, GGGI....) triển khai chương trình hỗ trợ trong việc xây dựng khung trái phiếu xanh, xác nhận trái phiếu xanh nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuẩn bị thực hiện các giao dịch phát hành nợ hoặc trái phiếu xanh trên thị trường vốn nội địa.