Phát triển thị trường chứng khoán để giảm áp lực vốn cho nền kinh tế
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, vốn và các động lực tăng trưởng kinh tế cũng như thị trường vốn luôn được Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp quan tâm.
Sáng 26/7, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức sự kiện “Đối thoại tháng 7” với chủ đề “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán”.
Sự kiện có sự tham gia của bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước).
Sự kiện cũng có sự góp mặt của các diễn giả, chuyên gia: Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam; Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup; Ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc AFA.
Bên cạnh đó là sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; các ngân hàng thương mại như Vietcombank, MB; các doanh nghiệp niêm yết; các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hàng đầu… cùng các hội viên Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán.
Nội dung của Hội thảo xoay quanh về câu chuyện vốn, động lực tăng trưởng GDP và triển vọng của thị trường vốn, cụ thể là thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới suy thoái kỹ thuật, cục bộ. Dự báo của Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng năm 2023 xuống còn 2,1-2,4% (thấp hơn mức tăng 3-3,4% của năm 2022); lạm phát (CPI) đang giảm, từ mức 7,6% năm 2022 xuống còn khoảng 5,5% năm 2023.
Theo ông Lực, bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bấp bênh, khó lường do xung đột địa chính trị kéo dài; rủi ro thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng; rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực và áp lực lạm phát, lãi suất còn ở mức cao.
Kinh tế thế giới suy thoái, cục bộ tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam. Bên cạnh đó, giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đầu tư công chưa thể có đột phá. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn (pháp lý, nguồn vốn, nhân sự, chi phí đầu vào và đầu ra/đơn hàng thu hẹp…). Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng vẫn gặp nhiều thách thức; nợ xấu gia tăng; rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam là đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, giải ngân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng các đầu tầu kinh tế, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác) nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động… Đồng thời, các cơ quan liên quan cần quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là 4 vướng mắc chính: pháp lý và thực thi công vụ; tài chính (cả tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn, nghĩa vụ tài chính…); giảm chi phí đầu vào và tìm đầu ra/đơn hàng; giữ chân người lao động.
Những chia sẻ của TS. Cấn Văn Lực đã mở ra nhiều biến số để thảo luận tiếp trong Hội thảo về giải pháp làm sao để chính sách thẩm thấu vào nền kinh tế, doanh nghiệp cần gì...
Theo ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện đang ở mức 126%, là mức cao nhất trong các nước đang phát triển. Việc nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô, vì vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn vay trung và dài hạn lại rất lớn.
“Quá dựa vào tín dụng để thúc đẩy kinh tế không phải là con đường an toàn nhất”, ông Quang chia sẻ.
Ông Quang cho rằng, bên cạnh tín dụng ngân hàng, cần tập trung phát triển các kênh dẫn vốn an toàn khác như thị trường chứng khoán, cụ thể là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng, thị trường chứng khoán phát triển sẽ giúp giảm áp lực cho thị trường tiền tệ, giảm bớt gánh nặng cùng hệ thống ngân hàng về vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia cũng trao đổi cụ thể hơn về tình hình vốn, thị trường vốn nói chung và cơ hội phát triển thị trường chứng khoán trong thời gian tới.