GS. Nguyễn Mại:

"Không để xảy ra dự án ma, dự án chui, mỏng vốn"

Theo Hồng Anh/nhadautu.vn

“Không châm chước trong lựa chọn dự án, phải đảm bảo dự án theo định hướng Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị để đảm bảo số lượng, chất lượng và không có tình trạng như trong Nghị quyết đã nói là có dự án ma, dự án chui, mỏng vốn, chuyển giá, ...”, GS. Nguyễn Mại khẳng định.

Đóng góp của doanh nghiệp FDI vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Đóng góp của doanh nghiệp FDI vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Ngày 20/8/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS., TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về chủ đề này.

PV: Lần đầu tiên sau 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề để định hướng trong các năm tới. Là người theo dõi lĩnh vực này lâu năm, Giáo sư đánh giá thế nào khi đến thời điểm này chúng ta mới có một Nghị quyết như vậy?

GS Nguyễn Mại: Có thể nói năm 2018 và 2019 là năm của doanh nghiệp. Bộ Chính trị đã có 3 nghị quyết, một là nghị quyết về kinh tế tư nhân, lần đầu tiên đánh giá kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế; hai là nghị quyết về nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN, bây giờ là nghị quyết về đầu tư nước ngoài (FDI).

Có thể nói, bước vào giai đoạn mới, chúng ta có một đánh giá đầy đủ hơn vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp.

GS.,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoà
GS.,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoà
Ta coi trọng chất lượng, những dự án có công nghệ cao, công nghệ tương lai, dự án thân thiện môi trường, hiệu quả cao không chỉ về tăng trưởng, công nghệ, dịch vụ… để làm cho nền kinh tế nước ta thay đổi nhanh, hiện đại hơn, đuổi kịp trình độ phát triển thế giới. Đó là nội dung chính của Nghị quyết này.

 

Doanh nhân, doanh nghiệp, trong giai đoạn này, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường hay nói: “Chúng ta cần có một khát vọng đối với dân tộc để thực hiện cách mạng 4.0, để đuổi kịp trình độ phát triển của thế giới, biến nước ta từ thu nhập trung bình thấp sang trung bình cao và trở thành một nước công nghiệp. Rõ ràng doanh nhân, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, là đội quân chủ lực của nền kinh tế.

Nếu ta làm cho cả 3 đội quân này: kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, kinh tế FDI cùng phát triển thành những động lực quan trọng của tăng trưởng thì ta mới có tăng trưởng cao, bền vững, theo hướng kinh tế số để tiến kịp với thế giới.

Như vậy là có sự đồng bộ, thống nhất trong định hướng phát triển kinh tế, đặc biệt là liên quan đến khối doanh nghiệp. Thưa Giáo sư, đến thời điểm này, Nghị quyết vẫn khẳng định là nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn rất quan trọng đối với Việt Nam. Vậy so với giai đoạn trước, Nghị quyết này có gì mới, thưa Giáo sư?

Có thể nội dung bao trùm lên Nghị quyết là đánh giá những thành quả mà ta đạt được là rất quan trọng, nhưng đồng thời cũng vạch ra nhược điểm khiếm khuyết mà chúng ta chưa đạt được.

Lúc nào Đảng, Nhà nước ta cũng coi trọng chất lượng và số lượng của FDI, nhưng hơn bao giờ hết, vấn đề chất lượng trở nên quan trọng nhất.

Chúng ta đã biết cả một thời gian dài, ta nói đến mô hình tăng trưởng mới, nói đến cơ cấu kinh tế hiện đại nhưng chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm, cơ cấu hiện đại cũng chuyển đổi chậm. Do đó, muốn tăng tốc thì rõ ràng chất lượng và hiệu quả theo định hướng của mô hình tăng trưởng mới là quan trọng nhất. Mà mô hình tăng trưởng mới gần đây chúng ta làm rõ hơn, tức là chúng ta chuyển đổi mô hình sang kinh tế số mà kinh tế số quan trọng nhất là nhân lực, trí tuệ con người.

Đây là vấn đề mà Việt Nam – theo đánh giá của chính chúng ta cũng như quốc tế cho thấy, chúng ta có một lợi thế nổi trội về năng lực trí tuệ con người. Do đó, Bộ Chính trị quyết định khi chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì FDI cũng phải chuyển đổi theo hướng mô hình tăng trưởng mới.

Như vậy, ta coi trọng chất lượng, những dự án có công nghệ cao, công nghệ tương lai, dự án thân thiện môi trường, hiệu quả cao không chỉ về tăng trưởng, công nghệ, dịch vụ… để làm cho nền kinh tế nước ta thay đổi nhanh, hiện đại hơn, đuổi kịp trình độ phát triển thế giới. Đó là nội dung chính của Nghị quyết này.

Như vậy là tính chọn lựa sẽ phải đặt ra sâu sắc và rõ nét hơn, thưa Giáo sư?

Ngay từ đầu, chúng ta cũng coi trọng tính chọn lựa và chúng ta cũng đã thành công nhờ việc chọn lựa các đối tác dự án, đặc biệt là chúng ta chọn lựa những nước có tiềm năng lớn về vốn, công nghệ, trình độ quản lý.

Trên thực tế, FDI làm cho đất nước ta thay đổi rất nhiều về phương hức sản xuất, tiêu dùng, phân phối… Ngay cả tư duy, sản xuất tiêu dùng cũng thay đổi nhờ vào một phần ta thu hút lượng lớn FDI cho đến bây giờ gần 200 tỷ USD.

Tuy vậy, có thể nói thay đổi trong thu hút FDI vẫn có hạn chế, đặc biệt từ khi ta phân cấp quản lí toàn diện cho các địa phương từ năm 2006. Khi Thủ tướng phân cấp cho UBND các tỉnh, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất về cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thẩm định cấp giấy phép, xúc tiến đầu tư chọn dự án đầu tư…

Bên cạnh những thành tựu chúng ta được như phát huy sáng tạo chủ động của địa phương,.. thì vẫn có những tiêu cực không đáng có.

Năm 2006 bắt đầu phân cấp thì năm 2008 là năm mà vốn đăng ký đột biến, tăng lên 72 tỷ USD, sau đó ta bỏ mất 20 tỷ USD không thể thực hiện được. Điều này không phải do phân cấp địa phương mà do việc lựa chọn các dự án. Nên nhiều dự án rởm – mà trong Nghị quyết này nói là mỏng vốn, nhiều dự án 4 – 5 tỷ USD mà nhà đầu tư không có tiềm năng, chờ đi bán dự án mà bán không được thì trả lại cho các tỉnh.

Điển hình tôi vừa vào Quy Nhơn, dự Hội nghị kinh tế miền Trung, thì khu Nhơn Hội có hàng chục nghìn ha như vậy. Chẳng hạn dự án lọc hoá dầu của Thái Lan 22 tỷ USD vì nhiều lí do không thực hiện được. Nên đến nay cả một khu rộng lớn như vậy, làm hạ tầng rất tốt như vậy nhưng hầu như không có bao nhiêu dự án. Bây giờ phải chuyển đổi thành khu đô thị và du lịch.

Đây là một ví dụ điển hình để nói rằng nếu như ta không tăng cường quyền lựa chọn của nước chủ đầu tư, đặc biệt là quyền chọn nhà đầu tư dự án thì ta không thể thực hiện được mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài để góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới.

Vậy đâu là mục tiêu quan trọng nhất mà Nghị quyết này đặt ra, thưa Giáo sư?

Chúng ta phải nhớ có 2 yêu cầu trong Nghị quyết này cũng như đầu tư nói chung và đầu tư trực tiếp nói riêng. Thứ nhất là số lượng. Bộ chính trị đã quyết định từ 2011 đến 2015, vốn đầu tư đăng ký bình quân mỗi năm là 30 – 40 tỷ USD, vốn thực hiện 20- 30 tỷ USD; 5 năm sau, vốn đăng kí bình quân mỗi năm là 40 – 50 tỷ USD, vốn thực hiện 30 – 40 tỷ USD.

Tôi xin nhấn mạnh đây là con số rất quan trọng, vì chúng ta chỉ nói chất lượng mà không nói số lượng vốn đăng ký thì ta không hiểu đầu tư trước hết là cần vốn. Như vậy, ta phải thấy nếu năm 2019 mà làm tốt thì vốn thực hiện năm nay có thể đạt xấp xỉ 19,5 tỷ USD.

Như vậy từ năm 2011 đến 2021, 2025, vốn đăng kí từ 20 – 30 tỷ USD, tức bình quân mỗi năm 25 tỷ USD, có nghĩa là bình quân mỗi năm sắp tới sẽ cao hơn 5 tỷ USD so với vốn thực hiện năm 2019. Đó là vấn đề lớn, nếu các Bộ không lưu ý vấn đề này, chỉ chú ý nói chung chung thì không thực hiện được Nghị quyết này.

Vì chúng ta đã biết, theo công bố Sách trắng về doanh nghiệp – có 712 nghìn doanh nghiệp trong nước, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân; ta có 25 nghìn doanh nghiệp FDI đang hoạt động. Rõ ràng doanh nghiệp FDI bao giờ cũng đóng góp 22- 23% tổng vốn đầu tư xã hội. Con số 5 tỷ USD trong các năm tới chính là con số 22 – 23% tổng vốn đầu tư xã hội.

Con số tiếp theo là 30 – 40 tỷ USD, tức là 35 tỷ USD vốn thực hiện bình quân mỗi năm, cũng bằng 22 – 23% tổng vốn đầu tư xã hội.

Với tư cách người nghiên cứu kinh tế nói chung và đầu tư nói riêng, tôi cho đó là con số cần đạt được, không nên thấp hơn cũng không nên cao hơn.

Vì sao sao không nên thấp hơn? Bởi vì chúng ta dù có 712 nghìn doanh nghiệp trong nước và 5 triệu hộ kinh doanh nhưng vốn trong nước vẫn hạn hẹp nên ta cần một lượng vốn đầu tư đủ để làm thế nào chúng ta có khoảng 30% vốn đầu tư xã hội/GDP hàng năm, lúc đó mới có thể tăng 7 – 8%/năm hoặc cao hơn.

Đây là con số cần phải giải thích rõ để người ta hiểu là mục tiêu không thể thấp hơn, nhưng mà không cao hơn. Bởi vì cao hơn có nghĩa ta giảm mất thị phần của doanh nghiệp trong nước, mà doanh nghiệp trong nước hiện nay không chỉ là doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn có khoảng 12 nghìn doanh nghiệp lớn, trong đó có hàng trăm tập đoàn rất lớn như Sungroup, Vingroup, T&T…

Rõ ràng, chúng ta phải nhớ rằng khác với những năm 1990, lúc đó ta chưa có nhiều đầu tư trong nước nên phải ưu tiên đầu tư nước ngoài, lúc bấy giờ là hơn 30% tổng vốn đầu tư xã hội – bây giờ chỉ nên giữ 22 – 23%. Đây là tỷ lệ hợp lý không nên thấp hơn và không nên cao hơn.

Mục tiêu thứ hai là chất lượng. Lần này, Nghị quyết có đưa ra định hướng rất rõ, là ta hướng đến dự án chất lượng cao, đặc biệt thân thiện môi trường, công nghệ tương lai như IoT, fintech… tức là dự án ta cần để tham gia vào Cách mạng công nghiệp 4.0 như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường nhấn mạnh đây là cơ hội hoặc duy nhất có hoặc không bao giờ có.

Đây là cơ hội lớn để thể hiện khát vọng dân tộc đi với thế giới. Bởi vì, 3 cuộc cách mạng trước ta chưa có điều kiện để tham gia tích cực. Còn cuộc cách mạng này mới khởi lên 5 năm nay thôi, ta bắt đầu tham gia và trên thực tế chúng ta đã tham gia rất hữu hiệu ví dụ như mạng 5G – ta đang là một trong những nước đi đầu, và nếu không có gì thay đổi từ năm 2021 có thể phủ sóng 5G toàn quốc.

Rõ ràng ta có một điều kiện tham gia tích cực hơn, vì vậy trong mục tiêu chất lượng này, tôi xin nhấn mạnh là không châm chước trong lựa chọn dự án, phải đảm bảo dự án theo định hướng theo Nghị quyết của Bộ Chính trị để đảm bảo số lượng và chất lượng và không có tình trạng như trong Nghị quyết đã nói là có dự án ma, dự án chui, mỏng vốn, chuyển giá, tận dụng cơ hội ta muốn thu hút đầu tư lợi dụng sơ hở pháp luật.

Tôi cũng nhấn mạnh nếu ai theo dõi tình hình thế giới hiện nay, có thể thấy người ta đánh giá cao nền kinh tế Việt Nam nói chung và khả năng thu hút FDI nói riêng vì cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung mà bây giờ Mỹ đã gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, thì rõ ràng câu chuyện Mỹ-Trung ảnh hưởng cả thế giới.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cuộc chiến tranh này tàn phá kinh tế thế giới ghê gớm, nền kinh tế thế giới sẽ sa sút nhiều, do hai đầu tàu kinh tế lớn ảnh hưởng đến các nước khác như Nhật, EU,…và tất nhiên ảnh hưởng kinh tế Việt Nam. Như vậy, nước chịu trận nhiều nhất là Mỹ và Trung Quốc

Có một làn sóng chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài rất lớn. Người ta nói làn sóng này bắt đầu từ 2016 và tăng trong 2018 và chắc chắn 2019 sẽ còn mạnh hơn, phá vỡ kỷ lục 2018, 100 tỷ USD chảy ra nước ngoài, hàng trăm tỷ USD đó chuyển sang Mỹ hay các nước đầu tư hoặc chuyển sang nước thứ ba, Việt Nam được lựa chọn là nước đứng đầu.

Trên thực tế hai năm nay có khá nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam. Vì vậy, chúng ta có Nghị quyết này là rất kịp thời để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bởi môi trường đầu tư nước ngoài khác với đầu tư trong nước. Đầu tư nước ngoài là một cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia, còn đầu tư trong nước là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Vì vậy, ta muốn thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, có chất lượng hơn, đặc biệt tiếp nhận các dự án đầu tư chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam thì ta phải có môi trường tốt hơn Trung Quốc.

Và Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn ta nhưng hiện đang trong tình trạng khó khăn. Trung Quốc cách đây mấy tháng có luật đầu tư nước ngoài riêng, rất cởi mở đối với nước ngoài. Cho nên trong Nghị quyết của Bộ Chính trị có nói giao cho Quốc hội, Chính phủ, sau khi có Nghị quyết này phải rà soát lại thể chế luật pháp và môi trường đầu tư để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thích hợp hơn, cạnh tranh tốt hơn đối với các nước xung quanh, đặc biệt với Trung Quốc. Khi đó, ta mới có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc chuyển sang.

Chúng ta hay nhắc đến con số thu hút, nhưng thực tế con số giải ngân mới quan trọng. Và ở đây con số giải ngân rất lớn bằng 2/3 thu hút. Đây sẽ là con số khó đạt được, thưa Giáo sư?

Cho đến bây giờ ta vẫn còn 300 tỷ USD chưa giải ngân và giải ngân 200 tỷ USD thôi.

Tôi đã nhiều lần chia sẻ với báo chí, có lẽ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê nên làm lại con số mà vốn đăng ký vì thực sự có những vốn đăng ký từ lâu lắm không thực hiện. Theo tôi tính, trong số 300 tỷ USD ấy, có khoảng 200 tỷ USD không bao giờ thực hiện được, cho nên thành một số ảo. Tốt nhất là loại ra ngoài, chỉ còn 100 tỷ USD, mà như tôi nói chia làm 3: một là, loại gặp khó khăn do chính bản thân địa phương chưa có mặt bằng, chưa cấp giấy phép xây dựng thì giờ làm sao cho nhà đầu tư có thể giải ngân; hai là nhà đầu tư thiếu vốn, cần vay mượn, cần bàn với nhà đầu tư về cách vay, ngân hàng trong nước có thể cho vay hoặc chuyển thành liên doanh với một nhà đầu tư trong nước để thực hiện dự án đấy; ba là dự án thực sự khó khăn không thể giải ngân được thì cho nhà đầu tư một thời gian 6 tháng, sau 6 tháng không làm được thì xóa dự án đó. Như vậy để đỡ con số ảo là 300 tỷ USD.

Nếu theo dõi từ năm 2010 đến nay thì con số 60 – 70% giải ngân là hoàn toàn được. Nhưng năm nay con số giải ngân khoảng 20 tỷ USD, thì vốn đăng kí chỉ khoảng 30 tỷ USD. Đây là con số thực hiện được và như vậy điều quan trọng để có tỷ lệ giải ngân cao, chính là lựa chọn dự án đầu tư. Vì nhiều dự án đầu tư chọn được nhà đầu tư tốt, có tiềm năng thì sau 6 tháng người ta có thể thực hiện dự án.

Xin cảm ơn Giáo sư!