Thực hiện quyền lựa chọn để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI
GS.,TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải thực hiện tốt hơn nữa quyền lựa chọn để nâng cao chất lượng, hiệu quả của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Phóng viên: Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 50/NQ-TW về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến 2030. Theo ông, đâu là điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết?
GS.,TSKH. Nguyễn Mại: Bao trùm lên Nghị quyết chính là đánh giá quan trọng về những đóng góp to lớn của khu vực FDI đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đã chỉ ra những khiếm khuyết, nhược điểm của Việt Nam sau hơn 3 thập kỷ thu hút FDI.
Điểm quan trọng nhất là, Nghị quyết đã khẳng định, khu vực FDI là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Chúng ta vẫn tăng cường thu hút đầu tư và bảo hộ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài.
Có thể nói, trong thu hút FDI, Việt Nam luôn coi trọng cả số lượng và chất lượng, song ở thời điểm hiện nay, hơn bao giờ hết, vấn đề chất lượng phải được đặt lên hàng đầu.
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, hướng đến một nền kinh tế số, một cơ cấu kinh tế hiện đại. Muốn làm được điều này, thì khu vực FDI cũng phải dịch chuyển theo hướng đó. Bởi vậy, với Nghị quyết này, Việt Nam đã đưa ra những định hướng chiến lược quan trọng trong thu hút FDI giai đoạn tới. Đó là coi trọng các dự án công nghệ tương lai, công nghệ mới, những dự án thân thiện với môi trường, những dự án mang lại hiệu quả cao, không chỉ về tăng trưởng kinh tế, mà còn mang tới những công nghệ, dịch vụ hiện đại… Điều này sẽ đảm bảo cho sự chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam, không chỉ tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, mà còn hiện đại hơn, đuổi kịp trình độ phát triển của các nước trên thế giới.
Nghị quyết đã đưa ra những mục tiêu rất cụ thể về vốn đăng ký, vốn thực hiện trong giai đoạn tới. Nếu quan tâm tới chất lượng, thì có cần thiết phải đưa ra các mục tiêu về số lượng không, thưa ông?
Trong Nghị quyết, Bộ Chính trị đã đưa ra các mục tiêu cụ thể. Đó là vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD; còn vốn thực hiện tương ứng là 100 - 150 tỷ USD và 150 - 200 tỷ USD. Tôi xin nhấn mạnh, đây là con số rất quan trọng. Nếu chúng ta chỉ nói đến chất lượng mà không nói đến số lượng thì không được, thu hút đầu tư trước tiên phải nói đến số vốn.
Trong suốt giai đoạn qua, khu vực FDI đóng góp khoảng 22-23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Thu hút FDI 30-40 tỷ USD/năm trong 5 năm 2021-2025 cũng là khoảng 22-23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đấy là con số cần đạt được, không nên thấp hơn, nhưng cũng không nên cao hơn.
Hiện nay, theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta có trên 712.000 doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nhưng số vốn trong nước còn hạn hẹp, vẫn cần phải bổ sung từ vốn đầu tư nước ngoài, để tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP. Đây là nguồn vốn cần thiết để nền kinh tế có thể tăng trưởng 7-8% và tăng trưởng bền vững hơn.
Không nên thấp hơn là vì thế, nhưng cũng không nên cao hơn vì sẽ làm mất thị phần của các doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, chúng ta không chỉ có hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn có hơn 12.000 doanh nghiệp lớn, trong đó có không ít tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Sun Group…, phải dành cơ hội cho họ. Bởi thế, duy trì tỷ lệ FDI chiếm 22-23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội là hợp lý.
Vậy còn câu chuyện chất lượng? Phải chăng, đây cũng là lúc cần nói nhiều hơn tới quyền lựa chọn của Việt Nam?
Thực ra, ngay từ đầu, Việt Nam đã coi trọng tính lựa chọn. Chúng ta đã thành công nhờ biết lựa chọn những dự án, đối tác, dòng vốn đến từ các nền kinh tế có tiềm năng về vốn, công nghệ, trình độ quản trị tốt. Nhờ dòng vốn này, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều về phương thức sản xuất, tiêu dùng, phân phối..., nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Nhưng cũng phải thừa nhận, thu hút FDI vẫn còn hạn chế nhất định và điều này xuất phát từ việc chúng ta thực hiện chưa thật tốt quyền lựa chọn của mình, nhất là sau khi Việt Nam thực hiện phân cấp từ năm 2006. Phân cấp một mặt phát huy tính chủ động, sáng tạo và năng động của các địa phương, song cũng làm nảy sinh một số tiêu cực không đáng có.
Đã đến lúc phải thực hiện tốt hơn quyền lựa chọn này. Phải hiểu rằng, phân cấp không chỉ là quyền, mà còn là trách nhiệm của địa phương trước đất nước, trước dân tộc về thu hút đầu tư.
Đảng, Chính phủ đã có lựa chọn rõ ràng khi đưa ra các định hướng chiến lược về thu hút đầu tư. Địa phương cũng phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm khi lựa chọn các đối tác, dự án.
Nghị quyết cũng chỉ rõ các ràng buộc về trách nhiệm của nhà đầu tư. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam, nhưng quan trọng là chúng ta chọn chơi với ai, như thế nào. Nếu chúng ta không thực hiện tốt quyền lựa chọn của mình, thì không thể thực hiện được mục tiêu thu hút FDI để góp phần chuyển dịch kinh tế theo mô hình phát triển mới.
Vậy theo ông, với Nghị quyết 50/NQ-TW, chúng ta có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả của dòng vốn FDI?
Tôi tin chúng ta sẽ làm được điều đó. Bởi lần này, Bộ Chính trị đã đề cập vai trò của cả Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là sự lãnh đạo của Đảng đối với thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài. Sau khi Nghị quyết được ban hành, toàn hệ thống chính trị phải bắt tay vào cuộc, nhất là trong hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài, phải coi trọng yếu tố thời gian, nhanh chóng thực hiện các giải pháp được đề cập trong Nghị quyết… Tôi tin đây là một nghị quyết tương đối toàn diện, làm tiền đề để Việt Nam có thể thu hút FDI chất lượng, hiệu quả hơn theo định hướng mới.