Không đùa với chính sách bảo hộ của Trump

Theo enternews.vn

Thế giới đang chứng kiến những bước “hiện thực hóa” chính sách bảo hộ cứng rắn của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, Donald Trump, dù nhiều người cho rằng, với chính sách “đặt Nước Mỹ lên trên hết”, Donald Trump đang chống lại phần còn lại của thế giới.

Các quốc gia ủng hộ thương mại toàn cầu cần chủ động ứng phó với chính sách bảo hộ của Mỹ, nhất là với các quốc gia phụ thuộc lớn vào xuất khẩu như Việt Nam. Nguồn: Internet
Các quốc gia ủng hộ thương mại toàn cầu cần chủ động ứng phó với chính sách bảo hộ của Mỹ, nhất là với các quốc gia phụ thuộc lớn vào xuất khẩu như Việt Nam. Nguồn: Internet
Tổng thống Donald Trump cho biết, ông đang cân nhắc hạn chế thép nhập khẩu, khi cho rằng nước này quá phụ thuộc vào thép nước ngoài trong sản xuất trang thiết bị quân sự và xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu, đường.
Đây có thể là quyết định thương mại quan trọng nhất trong nhiều thập niên của Mỹ, cũng là một phần của lời cam kết của Tổng thống nhằm khôi phục ngành sản xuất thép của Mỹ.

Từ chuyện “đại chiến” của thép

Động thái này của Tổng thống Trump đã gióng lên hồi chuông cảnh báo sẽ làm tổn hại cho nền kinh tế Mỹ, gây nguy hiểm cho các sáng kiến chính sách và đe doạ các mối quan hệ thương mại toàn cầu.

Các chuyên gia kinh tế, các nhóm công nghiệp và các thành viên trong chính quyền Trump đang kêu gọi Tổng thống suy nghĩ lại trước khi áp đặt thuế quan và hạn ngạch với các quốc gia xuất khẩu thép với lý do an ninh quốc gia để bảo vệ các nhà sản xuất thép trong nước.

Một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng Tổng thống Trump nên xem xét cẩn thận trước khi viện dẫn an ninh quốc gia làm lý do để hạn chế nhập khẩu.

Theo Dan Ikenson, người đứng đầu của Viện Cato (một viện nghiên cứu chính sách công tại Washington) cho biết: "Các hạn chế nhập khẩu thép bổ sung dưới lý do an ninh quốc gia không chỉ là tự hủy hoại nền kinh tế, dẫn đến hành động trả đũa của các đối tác thương mại chống lại các nhà xuất khẩu Mỹ trong các lĩnh vực khác, mà còn là một đòn giáng nặng nề vào hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc”.

Đồng thời ông nhấn mạnh, thuế quan về thép sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề, bao gồm mất việc làm, cuộc chiến tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các cuộc chiến thương mại tiềm ẩn với các đồng minh Mỹ.

Mặc dù việc áp đặt hạn ngạch và thuế quan được cho rằng chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, Canada, Mexico, Brazil, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, những nước xuất khẩu thép nhiều nhất vào Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng nếu hàng rào thuế quan này được áp dụng cho tất cả các nước. Như vậy, thuế quan bổ sung về thép sẽ thực sự gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ.

Theo các chuyên gia, các mức thuế quan mới có thể không đủ để gây ra một cuộc suy thoái, nhưng một rào cản thương mại có thể làm cho tăng trưởng kinh tế vốn đã chậm lại càng chậm hơn. Mỹ đã có hơn 150 thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá đối với nhập khẩu thép, một số trong số đó cao đến mức 26%.

Nếu Tổng thống quyết định áp đặt mức thuế cao hơn, giá thép sẽ tăng mạnh từ 20% đến 25%, dẫn đến việc làm phức tạp thêm một trong những ưu tiên hàng đầu của Trump - kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD khi việc gia tăng giá thép sẽ khiến việc xây dựng đường xá và cầu trở nên tốn kém hơn nhiều.

Đến các ngành tác động đến Việt Nam

Tương tự câu chuyện của thép, chính sách bảo hộ thương mại của Trump không chỉ tác động đến các nước lớn. Một số nước thuộc khu vực châu Á và ASEAN, cụ thể là Việt Nam có thể đã bắt đầu bị “dính đòn” khi Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã chính thức thông báo việc Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ bắt đầu khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với máy giặt nhập khẩu vào thị trường này sau khi Whirlpool, một công ty nội địa Mỹ kiện LG và Samsung đã xuất khẩu theo đường vòng bằng cách chuyển nơi sản xuất sang Thái Lan và Việt Nam, nhằm tránh bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với máy giặt được sản xuất tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, các kế hoạch xuất khẩu máy giặt made in Việt Nam của Samsung cũng như LG có thể bị ảnh hưởng nếu Mỹ áp dụng mức thuế cao hoặc áp dụng hạn ngạch xuất khẩu. Đồng thời, việc này sẽ ảnh hưởng tới các kế hoạch đầu tư, sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn này tại Việt Nam.

Đây là vụ việc điều tra tự vệ thứ hai của Mỹ trong thời gian gần đây và có liên quan đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Cuối tháng 5 vừa qua, vụ điều tra tự vệ thứ nhất đã được khởi xướng đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời.

"Việt Nam đang chịu những tác động tiêu cực xuất phát từ chính sách bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Donald Trump. Việc Mỹ đã liên tiếp khởi xướng 4 vụ việc phòng vệ thương mại (bao gồm 2 vụ chống bán phá giá, 2 vụ tự vệ thương mại) có liên quan đến Việt Nam.

Điều này cho thấy, xu hướng bảo hộ khá rõ rệt và ngày càng gia tăng của Mỹ", Alexsander Vuving, chuyên gia phân tích chính trị Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương (ACSS) đánh giá

Theo giới phân tích, Tổng thống Donald Trump đang có những bước đi rõ ràng và quyết liệt hơn để thực hiện lời hứa của ông với cử tri nước Mỹ về việc "American first - Đặt nước Mỹ lên trên hết".

Các quốc gia ủng hộ thương mại toàn cầu cần chủ động ứng phó với chính sách bảo hộ của Mỹ, nhất là với các quốc gia phụ thuộc lớn vào xuất khẩu như Việt Nam. Và trong bất kỳ trường hợp nào, vai trò của Chính phủ và doanh nghiệp cũng đều rất quan trọng.