Không ngừng số hóa công tác kiểm soát chi

Nguyễn Đình Luận

Để tiến tới kho bạc số đòi hỏi Kho bạc Nhà nước (KBNN) phải cải cách, hiện đại hóa hơn nữa công tác kiểm soát chi. Theo đó, KBNN đã nâng cấp hệ thống Tabmis thành hệ thống VDBAS - hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số để có thể đáp ứng được yêu cầu cung cấp chuyên sâu dịch vụ công trong giai đoạn tới.

KBNN không ngừng đổi mới công tác kiểm soát chi.
KBNN không ngừng đổi mới công tác kiểm soát chi.

Phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quy trình chi ngân sách

KBNN cho biết, từ năm 2019 đến nay, KBNN thực hiện kiểm soát chi theo ngưỡng. Theo đó, KBNN kiểm soát các khoản chi có hợp đồng và có giá trị lớn hơn 50 triệu đồng; khoản chi dưới ngưỡng KBNN chỉ kiểm soát nội dung chi, không kiểm soát hợp đồng. Qua đó, đã giảm được 70% tổng số món chi, nhưng vẫn kiểm soát được 99% tổng giá trị chi ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, KBNN đã thực hiện hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần. Khi thanh toán đến 80% giá trị hợp đồng thì chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau”. Thực hiện hình thức thanh toán tự động định kỳ cho nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ thường xuyên như điện, nước, viễn thông… theo ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách.

Về phương thức gửi hồ sơ giao dịch với KBNN, đến nay có hơn 99% chứng từ chi ngân sách nhà nước được đơn vị gửi ra Kho bạc theo phương thức điện tử qua dịch vụ công trực tuyến; tương tác giữa Kho bạc và đơn vị sử dụng ngân sách được thực hiện hầu hết theo phương thức điện tử. Thời gian giải quyết hồ sơ của KBNN từ 1- 3 ngày làm việc; thực hiện hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” là 1 ngày làm việc.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, KBNN đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ thủ tục; thống nhất thủ tục hành chính trong lĩnh vực KBNN thông qua Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ. KBNN cũng đã phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quy trình chi ngân sách (đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, KBNN). Đồng thời, giai đoạn này đã có sự kết nối, liên thông dữ liệu giữa đơn vị sử dụng ngân sách với hệ thống công nghệ thông tin của KBNN.

Tại Hội thảo “Kiểm soát chi tiêu dựa trên rủi ro và xây dựng khung kiểm soát chi tiêu hiện đại theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030” do KBNN tổ chức ngày 20/10, ông Suhas Joshi – cố vấn khu vực về KBNN thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá cao những kết quả đạt được của KBNN trong thực hiện kiểm soát các khoản chi ngân sách thời gian qua.

Ông Suhas Joshi cho biết, Việt Nam áp dụng quản lý và kiểm soát quá trình thi hành ngân sách dựa trên rủi ro. Điều này được thể hiện chủ yếu trong việc áp dụng các ngưỡng chi tiêu trong đó có các thủ tục phê duyệt và mua sắm khác nhau tùy thuộc vào mức chi tiêu

. Đồng thời, Việt Nam mong muốn tăng cường kiểm soát dựa trên rủi ro, gắn với chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân bổ lại quyền hạn và trách nhiệm từ cấp 0 sang cấp 1-4 và thúc đẩy tăng cường trách nhiệm giải trình của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Nâng cấp hệ thống Tabmis thành hệ thống VDBAS

Theo KBNN, công tác kiểm soát chi hiện đang thực hiện theo các yếu tố đầu vào nên hạn chế việc gắn kết ngân sách với các kết quả đầu ra, hạn chế việc đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách.

Hơn nữa, mặc dù phương thức gửi hồ sơ giao dịch với KBNN giai đoạn vừa qua đã có những cải cách đáng kể, nhưng vẫn chưa thực hiện triệt để, vẫn có những hồ sơ chủ đầu tư phải gửi trực tiếp đến KBNN. Việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu liên quan đến công tác kiểm soát chi còn hạn chế, nên còn có những tác động đến công tác cải cách quy trình nghiệp vụ kiểm soát chi của KBNN.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp về việc đổi mới công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua KBNN đến năm 2030. Để triển khai thành công các nhiệm vụ, KBNN cần tiếp tục học hỏi và tăng cường trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia quốc tế.

Theo đó, trước mắt, KBNN sẽ hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ theo hướng điện tử hóa (như thực hiện thanh toán tự động các khoản chi có độ rủi ro thấp...), sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, tham gia kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành trung ương và địa phương trong công tác kiểm soát chi.

Về lâu dài, KBNN báo cáo Bộ Tài chính để kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, và các nghị định hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý phù hợp. Đồng thời, KBNN nâng cấp, cải tiến hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu cung cấp chuyên sâu dịch vụ công (nâng cấp hệ thống Tabmis thành hệ thống VDBAS - hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số để kết nối liên thông giữa đơn vị sử dụng ngân sách, KBNN, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương).

Góp ý với KBNN, ông Kieran McDonald, Chuyên gia tư vấn của Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết, trước hiện trạng của công tác kiểm soát chi tại Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm hỗ trợ các sáng kiến của Chính phủ Việt Nam và KBNN trong việc cải cách biện pháp kiểm soát quản lý chi tiêu.

Các khuyến nghị bao gồm: Quy trình kiểm soát chi; hỗ trợ tương lai cho Hệ thống VDBAS để cải thiện kiểm soát chi tiêu; phát triển hơn nữa các biện pháp kiểm soát quản lý chi tiêu dựa trên rủi ro và dựa trên kết quả; điều chỉnh pháp luật về quản lý tài chính công; phát triển hơn nữa các chức năng kiểm toán nội bộ; điều phối chung các hoạt động và cập nhật chiến lược của KBNN năm 2030.

“Việc xây dựng thiết kế ý tưởng của hệ thống VDBAS là để đảm bảo rằng tất cả các khía cạnh quan trọng đều được đưa vào kế hoạch cải cách. Bởi vì cùng với kiểm toán nội bộ, VDBAS sẽ là xương sống cho hệ thống mới. Đồng thời, cần phải thảo luận một cách có hệ thống về các đề xuất cải cách quản lý tài chính công (PFM) và xác định tác động của chúng đối với hệ thống và quy trình hiện có (VDBAS và các quy trình nghiệp vụ PFM)”, ông Kieran McDonald chia sẻ.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2023