Ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh tiến độ “về đích” Kho bạc số
Thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030 với mục tiêu quan trọng là hình thành Kho bạc số, KBNN đã và đang đẩy mạnh triển khai hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); xây dựng kiến trúc tổng thể hệ thống nhằm hoàn thành mục tiêu này.
Các hệ thống CNTT ngày càng được hiện đại hóa
Thực hiện chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, từ năm 2022, toàn hệ thống KBNN đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ về ứng dụng CNTT nhằm hiện đại hóa các hệ thống CNTT trong toàn Ngành.
Theo đó, KBNN đã duy trì cung cấp 100% thủ tục hành chính qua Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 với 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT; hoạt động giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ) với số lượng giao dịch chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua DVCTT đạt tỷ lệ trên 99,6%.
KBNN cho biết, việc áp dụng DVCTT đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt ở các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Số giao dịch qua DVCTT ngày càng tăng mạnh đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị cũng như đưa đồng vốn của ngân sách kịp thời vào triển khai các dự án đầu tư, sớm phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, KBNN tích cực triển khai thí điểm công nghệ ký số từ xa (Remote-signing) giúp cho các đơn vị sử dụng ngân sách không phụ thuộc vào thiết bị vật lý để ký số, cho phép kiểm tra sinh trắc học (khuôn mặt hoặc vân tay) khi sử dụng, góp phần phòng chống việc cho mượn thiết bị bảo mật, qua đó tăng cường an toàn, an ninh thông tin.
Điểm nhấn quan trọng của tiến trình hiện đại hóa hệ thống KBNN là triển khai thành công trên phạm vi toàn quốc hệ thống quản lý, kiểm soát chi đầu tư qua KBNN (hệ thống ĐTKB-GD), đáp ứng yêu cầu về chuẩn hóa dữ liệu và quản lý, kiểm soát chứng từ chi đầu tư qua KBNN theo phương thức điện tử, cung cấp kịp thời thông tin phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Dữ liệu báo cáo giải ngân vốn đầu tư công phát sinh hàng ngày được tổng hợp từ KBNN huyện, KBNN tỉnh và được đồng bộ lên KBNN Trung ương. Số liệu giải ngân vốn đầu tư công được khai thác một cách kịp thời, chủ động tại mọi thời điểm, là cơ sở quan trọng để đánh giá tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương một cách công khai, minh bạch, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và các cấp chính quyền địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Mô hình thanh toán điện tử liên ngân hàng tập trung và liên thông các hệ thống CNTT cũng đã được KBNN triển khai thành công. Đây là bước cải tiến lớn trong công cuộc hiện đại hóa của ngành Tài chính nói chung, hệ thống KBNN nói riêng.
Việc triển khai mô hình thanh toán điện tử liên ngân hàng tập trung đã góp phần hoàn thiện liên thông các hoạt động nghiệp vụ KBNN, mang lại nhiều lợi ích cho cả KBNN và đơn vị giao dịch: Tự động hóa tối đa các bước xử lý trên ứng dụng, rút ngắn thời gian kiểm soát các món chi ngân sách, góp phần đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn NSNN, nâng cao năng suất cũng như chất lượng lao động của công chức hệ thống KBNN...
Ngoài ra, KBNN đã mở rộng mở rộng phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại; Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí, thu phạt qua Cổng dịch vụ công Quốc gia; Triển khai thí điểm thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông theo ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách tại KBNN Hà Nội, KBNN TP. Hồ Chí Minh; Ban hành chuẩn kết nối thông tin dữ liệu và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị sử dụng ngân sách với hệ thống CNTT của KBNN...
Thực hiện nhiệm vụ CNTT và chuyển đổi số theo từng giai đoạn
Để kế thừa và phát triển tiếp các kết quả ứng dụng CNTT trong việc hiện đại hóa hệ thống KBNN đã đạt được, hoàn thành các mục tiêu đặt ra của Chiến lược phát triển KBNN tới năm 2030, KBNN đã đề ra tiến trình thực hiện các nhiệm vụ về CNTT và chuyển đổi số theo 2 giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn đến năm 2026; Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030.
Theo đó, KBNN cho biết, trong giai đoạn thứ nhất, toàn hệ thống KBNN sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: Định danh từng khoản thu NSNN; Hoàn thiện quy trình tổng hợp, lập và trình Báo cáo tài chính nhà nước (2022-2026); Hoàn thiện cơ chế, quy trình tổng hợp, lập và trình Báo cáo quyết toán NSNN; Số hóa công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN; Thực hiện chia sẻ và liên thông dữ liệu số trong toàn bộ quá trình quản lý chi NSNN...
Đối với giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, KBNN sẽ đổi mới cơ chế quản lý cam kết chi NSNN; Phân cấp kiểm soát chi NSNN theo mức độ rủi ro; Xây dựng cơ sở dữ liệu kế toán tổng hợp cho toàn bộ khu vực nhà nước trên cơ sở kết nối, thu thập dữ liệu từ các đơn vị kế toán nhà nước, cho phép kết xuất thông tin, báo cáo đa chiều theo từng cấp độ tổng hợp thông tin về NSNN và tài chính nhà nước; Xây dựng và từng bước triển khai đề án mô hình kho bạc 2 cấp; Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra và thanh tra chuyên ngành thông qua môi trường số và hệ thống CNTT...
“Trong công cuộc chuyển đổi số, cơ chế chính sách về nghiệp vụ cần phải đi trước để đảm bảo hành lang pháp lý cho quá trình xây dựng và triển khai; công nghệ dù có tiên tiến đến đâu nhưng không thể thay thế được chính sách và quy trình, công nghệ chỉ có thể là công cụ và nền tảng cho thực hiện chính sách và quy trình.
Vì vậy, các đơn vị chủ trì các đề án chính sách nghiệp vụ đã bắt tay vào lập kế hoạch chi tiết theo lộ trình từng tháng, quý, năm từ đó làm cơ sở cho KBNN xây dựng kế hoạch chi tiết việc xây dựng các ứng dụng CNTT, hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược đã đặt ra”, đại diện KBNN nhấn mạnh.