Không phải cứ có tên trong hồ sơ Panama là thanh tra thuế

Theo vietnamnet.vn

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng Cục Thuế khẳng định sẽ thận trọng làm rõ việc trốn thuế hay không ở 189 cá nhân, tổ chức có tên trong hồ sơ Panama.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng Cục Thuế.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng Cục Thuế.

Việc 189 tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama vừa được công bố mới đây đã gây chấn động dư luận. Nhiều người đặt dấu hỏi, có hay không việc trốn thuế, rửa tiền.

Nhằm làm rõ vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính xung quanh sự kiện nóng này.

Phóng viên: Thưa ông, vừa qua, sau khi hồ sơ Panama bắt đầu công bố, nhiều người dân ngạc nhiên khi thấy xuất hiện những tên tuổi nổi tiếng trong giới doanh nhân Việt Nam như ông Jonathan Hạnh Nguyễn, bà Phương Thảo hãng VietJet Air... Các doanh nhân đều lên tiếng nói rằng việc đó là điều bình thường, hợp pháp. Cá nhân ông nhận định như thế nào về điều này?

Ông Nguyễn Văn Phụng:Phải nói rằng, hồ sơ này do Tổ chức các nhà báo điều tra quốc tế công bố đã gây ra sự chấn động dư luận trên toàn cầu. Ở một số nước, đã có một số nhân vật cao cấp xuất hiện tên trong hồ sơ và đã bị pháp luật của nước họ kết luận rằng, những nhân vật này có thiếu sót về việc chấp hành pháp luật thuế, có sự gian lận thuế.

Chúng ta cũng có thông tin nhưng chúng ta phải có đầy đủ căn cứ mới biết được rằng, họ có liên quan hay không liên quan. Trong quá trình giao dịch kinh doanh bình thường hiện nay, tôi cho rằng, các cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama là việc bình thường.

Vụ "hồ sơ Panama" có nhắc nhiều đến "thiên đường thuế". Trong xu hướng kinh doanh toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều giao dịch xuyên quốc gia với mạng lưới kinh doanh chằng chịt ở nhiều nơi trên thế giới. Vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, có hoạt động ở các "thiên đường thuế" thì sẽ có ảnh hưởng thế nào đến ngân sách Việt Nam?

Một doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại quốc gia "thiên đường thuế" và nếu họ chỉ hoạt động ở trong "thiên đường thuế" đó thì không ảnh hưởng gì tới chúng ta cả.

Nhưng nếu như họ thành lập công ty ở đó trong khi có hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ta thì chúng ta sẽ phải xem xét thêm. Đó là việc họ chuyển tiền từ Việt Nam về "thiên đường thuế" đó đã được thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam hay chưa. Muốn kết luận được thì phải có những xem xét cụ thể.

Gần đây, nhiều người nghĩ rằng, cứ có tên trong hồ sơ Panama là có vấn đề, với dấu hỏi, liệu những luồng tiền chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài có phải là tiền "sạch" hay không, đã thực hiện đủ nghĩa vụ thuế chưa. Dưới góc độ của nhà quản lý thuế, ông phân tích điều này thế nào?

Không phải cứ người nào có tên trong đó thì đều trốn thuế cả. Pháp luật cho phép người ta thực hiện các giao dịch kinh doanh. Giống như các bạn, chúng ta đi ra nước ngoài và tiêu tiền bằng thẻ tín dụng, nếu đối tác của chúng ta lại là những tổ chức, cá nhân có tên trong hồ sơ Panama thì đương nhiên, giao dịch đó sẽ được ghi lại thôi. Trong khi đó, hiện chúng ta chưa biết trong hồ sơ kia, các giao dịch đó được ghi như thế nào?

Mặc dù thời điểm hiện nay, dư luận đặt nhiều kỳ vọng đối với cơ quan quản lý trong việc làm rõ vấn đề, nhưng chúng tôi phải thực hiện hết sức chặt chẽ.

Cơ quan thuế trước tiên sẽ phải thu thập được thông tin doanh nghiệp từ danh sách đó rồi tìm hiểu sâu thêm và việc thu thập này cũng đã được chúng tôi triển khai ngay từ tháng 2.

Sau đó, chúng tôi sẽ xem quốc tế công bố thông tin gì rồi từ đó đối chiếu với dữ liệu của chúng tôi xem các tổ chức, cá nhân này có liên quan gì với hồ sơ thuế của chúng tôi hay không. Bước tiếp theo, chúng tôi phải làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, với cơ quan phụ trách chuyển tiền như ngân hàng, thậm chí cơ quan phòng chống tham nhũng... rồi dựa trên cơ sở chia sẻ thông tin đó, mới có thể đưa ra được kết luận chính xác vấn đề.

Theo chính sách pháp luật Việt Nam, cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác làm thế nào để kiểm soát khả năng chống rửa tiền ở trường hợp này?

Chúng ta cũng có những quy định pháp luật về việc chống rửa tiền. Cụ thể như, Việt Nam có Pháp lệnh Ngoại hối với quy định rằng, mỗi tổ chức, cá nhân khi chuyển tiền ra nước ngoài, thực hiện các giao dịch thì đều phải công bố công khai nguồn gốc luồng tiền, rồi phải xin phép... Sau khi cơ quan Nhà nước cho phép thì cá nhân, tổ chức đó mới được phép thực hiện các giao dịch đó.

Đương nhiên, khi người ta chuyển tiền như vậy, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc công khai thông tin, lý do mình chuyển tiền.

Với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mỗi khi cần chuyển tiền về nước, họ đều phải xuất trình với cơ quan thuế, cơ quan cấp quyền chuyển ngoại tệ về việc họ đã hoàn thành nghĩa vụ thuế hay chưa?

Còn với các giao dịch chuyển tiền để mua bán hàng hoá, họ không phải xin phép, nhưng họ phải tuân thủ Luật Thương mại, Luật Xuất nhập khẩu, theo các Hợp đồng kinh tế, giữa họ và đối tác quy định như thế nào, xem trách nhiệm của họ ra sao trong việc thực hiện Pháp lệnh.

Chúng ta cần hiểu, mỗi một thương vụ chuyển tiền ra nước ngoài đều phải dựa theo các quy định pháp luật. Nếu ai cố tình làm trái, sẽ phải có bằng chứng, thông tin, chỉ ra sai phạm ở đâu thì mới xử lý được.

Liệu Tổng cục Thuế có mở ngay cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 189 tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ này không?

Chức năng thanh tra, kiểm tra là chức năng thường nhật của cơ quan thuế được pháp luật quy định. Tuy nhiên, việc này phải đảm bảo tôn trọng quy trình chặt chẽ, không phải cứ thích mà vào được. Chúng tôi cũng phải phân tích các cơ sở dữ liệu, rồi xem doanh nghiệp đó có rủi ro không, rủi ro ở chỗ nào, trên cơ sở đó, mới đưa họ vào danh sách kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trình lên rồi ra quyết định thanh tra, kiểm tra.

Tóm lại, không phải cứ có tên trong hồ sơ Panama là cơ quan thuế có thể vào bất cứ lúc nào cũng được. Không bao giờ chúng tôi làm được thế cả.

Theo ông, để xác minh được băn khoăn mà dư luận đang đặt ra, có hay không việc vi phạm pháp luật của các tổ chức cá nhân có tên trong hồ sơ Panama, các cơ quan chức năng cần làm gì lúc này?

Gần đây, có nhiều cơ quan lên tiếng như Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, Thanh tra Chính phủ, Cục Phòng chống rửa tiền... Tôi cho rằng, hơn lúc nào hết, đây là lúc chúng ta cần phải chia sẻ dữ liệu, tăng cường quan hệ các cơ quan liên quan để có được những thông tin chính xác.

Những thông tin chính xác đó sẽ giải quyết được vấn đề, nếu những tổ chức cá nhân mặc dù có tên trong hồ sơ Panama nhưng thực chất, họ làm ăn minh bạch, đàng hoàng thì mình phải nói rõ họ minh bạch, đàng hoàng, để các doanh nghiệp còn yên tâm. Ngược lại, anh nào có tên trong hồ sơ mà vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Chúng ta không thể cào bằng tất cả các tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ này đều là "đen" cả. Chúng ta cần tỉnh táo, thận trọng trong vấn đề này.