Khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã có rất nhiều đóng góp trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu kinh tế quốc tế, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam cần tiếp tục thay đổi, để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiền đề giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng
Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực như Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU (1975); Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế-ISO (năm 1977); Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm CODEX (1989), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế-IEC (2002), Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN-ACCSQ (1995), Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn của APEC-SCSC (1998), Diễn đàn Tiêu chuẩn khu vực Thái Bình Dương - PASC (1989).
Năm 2006, với việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm cam kết thực thi Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (hiệp định WTO/TBT) và trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới, việc xây dựng TCVN trên cơ sở chấp nhận và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đã trở thành chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong kế hoạch xây dựng TCVN hằng năm (chiếm trên 90%).
Những nỗ lực này đã giúp hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hiện có khoảng 12.000 TCVN được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh, khoa học và công nghệ. Tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam lên mức tương đối cao, năm 2019 đạt 54% và dự kiến đến năm 2020 đạt 60%.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hiện có khoảng 12.000 tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh, khoa học và công nghệ.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đạt được các thành tựu trên là tiền đề rất quan trọng giúp các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, vượt qua được các rào cản kỹ thuật trong thương mại để hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ hơn với quốc tế và khu vực trong những năm vừa qua.
Yêu cầu xã hội hóa công tác tiêu chuẩn
Trong thời gian tới, với sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống tiêu chuẩn thế giới, để đảm bảo vị trí của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tại thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý và nhu cầu của DN, thì yêu cầu bắt buộc là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tiếp tục phải thay đổi.
Theo các chuyên gia phân tích, về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm thực thi hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết; tận dụng cơ hội phòng ngừa, giảm thiểu các thách thức do tranh chấp quốc tế, nhất là tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. Đồng thời, tăng cường tham gia vào hoạt động của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu, phát triển những mối quan hệ song phương với tổ chức tiêu chuẩn của nước ngoài khác...
Xã hội hóa công tác tiêu chuẩn là một trong các giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến nghị thời gian gần đây. Điều này xuất phát từ ý nghĩa là việc xây dựng tiêu chuẩn phải có sự tham gia, xây dựng đầy đủ của các bên liên quan mà trong đó họ có lợi ích trong việc ban hành tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa công tác tiêu chuẩn cũng sẽ giúp huy động nguồn lực về tài chính từ khu vực kinh tế tư nhân, chứ không phải như hiện nay, việc xây dựng tiêu chuẩn chủ yếu lấy từ ngân sách nhà nước (chiếm 95%).
Theo đó, khu vực tư nhân, DN được khuyến khích từ việc tham gia các hoạt động của các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; chủ động đề xuất xây dựng TCVN, tham gia mạnh mẽ vào quá trình xây dựng TCVN, xây dựng tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là nhận thức về vai trò của tiêu chuẩn hóa của nhiều DN còn hạn chế. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần dẫn dắt, xây dựng tiêu chuẩn, truyền thông cho DN, giúp họ thay đổi tư duy trong xây dựng tiêu chuẩn; xây dựng chứng nhận tiêu chuẩn cho DN; đổi mới công nghệ và thương mại hóa sản phẩm…
DN cần nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về tiêu chuẩn hóa nói chung và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực chuyên ngành của DN nói riêng cho tất cả cán bộ nhân viên đặc biệt là người đứng đầu. Khi đã có nhận thức và kiến thức cần thiết, DN cần hoạch định phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa của mình với sự tham gia của tất cả các bộ phận trong DN.