Kiểm kê khí nhà kính giúp hoạch định chiến lược giảm phát thải bền vững
Kiểm kê khí nhà kính (KNK) là hoạt động quan trọng để xác định lượng phát thải KNK của các nguồn phát thải. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia và ký kết các cam kết quốc tế về giảm phát thải KNK. Trong đó, mục tiêu giảm phát thải KNK của Việt Nam đến năm 2030 là 27% so với kịch bản phát triển thông thường.
Khí CO2 là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiệu ứng nhà kính. Nhiều chuyên gia cảnh báo, nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm 1,5 đến 4,5 độ C trong khoảng nửa thế kỷ sau. Khi CO2 tăng gấp đôi thì nhiệt độ trái đất tăng 3 độ C và kéo theo một số tác động như: băng tan, mực nước biển dâng cao và hệ quả là toàn bộ hoạt động sống của con người bị ảnh hưởng, thiên tai như hạn hán, lũ lụt, động đất, sóng thần… thường xuyên xảy ra.
Do đó, giảm phát thải KNK đang là vấn đề mang tính cấp bách chung trên toàn cầu. Một trong những bước nền tảng được xác định để thực hiện lộ trình giảm phát thải bền vững chính là kiểm kê KNK. Đây là hoạt động quan trọng để xác định lượng phát thải KNK của các nguồn phát thải. Ví dụ, đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, kết quả của hoạt động kiểm kê KNK là cơ sở để xét phạm vi định mức phát thải KNK trên từng đơn vị sản phẩm.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng phát thải KNK tại các cơ sở sản xuất năm 2022 là 662,6 triệu tấn CO2 tương đương. Việc kiểm kê KNK tạo tiền đề cho việc phân bổ hạn ngạch phát thải KNK tại các cơ sở từ giai đoạn năm 2026 đến hết năm 2030 và các giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp xác định chiến lược giảm phát thải, chủ động tham gia vào thị trường trao đổi tín chỉ carbon, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường đối với các sản phẩm xuất khẩu…
Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp có tên trong danh mục bắt buộc thực hiện kiểm kê KNK bao gồm hơn 1.900 cơ sở thuộc các ngành Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường. Trong khi đó, theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-zôn, từ năm 2024 trở đi, các cơ sở này phải tổ chức thực hiện kiểm kê KNK cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê KNK cấp cơ sở định kỳ 02 năm 01 lần, gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025 để thẩm định.
Ông Ngô Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA) cho biết, việc thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính được xem là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp tự xác định số liệu phát thải của mình, từ đó làm cơ sở để nhà quản trị hoạch định chiến lược giảm phát thải bền vững. Vì vậy, ông Ngô Ngọc Khánh bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp sẽ nâng cao nhận thức về quy định pháp luật trong nước, quốc tế và chủ động kiểm kê phát thải sơ bộ tại doanh nghiệp mình.
Đánh giá tầm quan trọng của việc hiểu rõ các quy định pháp luật về kiểm kê KNK cũng như cách thức phân bổ hạn ngạch phát thải, ông Lương Quang Huy – Chuyên gia Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu rõ, Việt Nam đang tích cực triển khai một cách bài bản các cam kết kể từ Hội nghị COP28 với cam kết đến năm 2035 phải cắt giảm khí nhà kính về 0. Do đó, các bộ, ngành đã ban hành các quy định cũng như định mức phân bổ hạn ngạch phát thải cho từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường chỉ chú trọng vào việc phát triển kinh tế mà quên đi hạn mức phát thải cho phép, dẫn đến việc vi phạm và phải nộp phạt, gây ảnh hưởng đến doanh thu cũng như uy tín của doanh nghiệp. Vì vậy, hiểu cặn kẽ và nắm rõ các quy định sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các tổn thất cả về tài chính lẫn thương hiệu.
Hiện nay, công tác kiểm kê KNK hướng đến thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng mà Việt Nam đã cam kết được các bộ, ngành quan tâm triển khai nghiêm túc. Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030 của Bộ Xây dựng đã đưa ra các nhiệm vụ ưu tiên về kiểm kê KNK. Bộ cũng đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kiểm kê KNK và MRV giảm nhẹ phát thải KNK đối sản xuất vật liệu xây dựng, dự kiến sắp ban hành. Đồng thời, Bộ này cũng đang nghiên cứu xây dựng Kế hoạch thực hiện giảm phát thải KNK lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng, dự kiến ban hành trong năm 2024.
Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các hoạt động kiểm kê, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về KNK của ngành và cơ sở. Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methanol của ngành Giao thông vận tải...