Kiểm toán giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp và đảm bảo các yếu tố bền vững
Các nhà đầu tư, hội đồng quản trị, nhân viên, khách hàng và toàn xã hội nói chung đều có mối quan tâm sâu sắc đến tính bền vững của doanh nghiệp (DN) cũng như các hoạt động kinh doanh có đạo đức.
Do đó, đảm bảo các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang trở thành trọng tâm của các tổ chức và hoạt động kiểm toán cũng phải sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này.
Hiểu về nhu cầu công bố thông tin ESG
Thách thức đối với các kiểm toán viên là làm thế nào để đo lường ESG trong DN, khi mà nó có thể bao gồm mọi thứ, từ biến đổi khí hậu, tiêu chuẩn công bằng lao động đến sự đa dạng của lực lượng lao động và nhiều hơn thế nữa. Trong khi đó, các tổ chức đều chưa có bộ tiêu chuẩn chung để đo lường rủi ro ESG và phát triển các kế hoạch cải tiến.
Vậy, vấn đề đặt ra là các đoàn kiểm toán sẽ tiến hành như thế nào? Theo nghiên cứu của Galvanize trong Ấn bản “Làm thế nào hội đồng quản trị có thể thúc đẩy cải tiến ESG”, trước tiên, kiểm toán viên phải hiểu về nhu cầu công bố thông tin ESG. Các cơ quan quản lý có thể yêu cầu DN công bố thông tin ESG nhiều hơn, nhưng áp lực thực sự lại có thể đến từ các bên liên quan khác của DN.
Trong thời đại phương tiện truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, người tiêu dùng, nhân viên và các tổ chức phi chính phủ đều có thể nhanh chóng đánh giá cao danh tiếng của một DN thông qua các chỉ tiêu ESG được công bố. Vì vậy, mong muốn tiếp cận báo cáo ESG sẽ đến từ nhiều đối tượng khác nhau và họ có nhiều cách hiểu riêng về ESG.
Để đáp ứng được yêu cầu này, DN phải trình bày một bộ các mục tiêu ESG rõ ràng, có thể thực hiện được và công bố bằng bằng chứng rằng quy trình kinh doanh của mình đang hoạt động để đạt được các mục tiêu đó.
Xem xét các khuôn khổ ESG có sẵn
Mặc dù chưa có một bộ tiêu chuẩn thống nhất nhưng có rất nhiều khuôn khổ và tiêu chuẩn riêng cho ESG. Vì vậy, nếu lãnh đạo DN và nhóm kiểm toán muốn đánh giá tình hình ESG của mình và lên kế hoạch cải tiến ESG, sẽ có một số lựa chọn cần lưu tâm như:
Hội đồng chuẩn mực kế toán bền vững (SASB) - tổ chức xuất bản các tiêu chuẩn bền vững cho 11 ngành công nghiệp chính và hàng chục phân ngành, tập trung vào các hạng mục quan trọng về mặt tài chính đối với các DN.
Hướng dẫn về hành vi kinh doanh có trách nhiệm do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) phát hành, cung cấp những giải thích đơn giản và khuyến nghị giúp DN tránh hoặc giải quyết các tác động tiêu cực liên quan đến người lao động, nhân quyền, môi trường, hối lộ, người tiêu dùng và quản trị DN. Hướng dẫn này cũng bao gồm các giải thích bổ sung, các mẹo và các ví dụ minh họa.
Ban tiêu chuẩn bền vững toàn cầu (GRI) cung cấp các tiêu chuẩn chung cho các tổ chức lớn/nhỏ, tư nhân/công cộng để báo cáo về các tác động bền vững của họ một cách nhất quán và đáng tin cậy. Các tiêu chuẩn này giúp tổ chức hiểu và tiết lộ các thông tin theo cách đáp ứng nhu cầu của nhiều bên liên quan, bao gồm các nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách, thị trường vốn và xã hội dân sự...
Tất cả các tổ chức và ấn phẩm trên đề cập đến các vấn đề rộng lớn như nhau, bao gồm biến đổi khí hậu, hủy hoại môi trường, tiêu chuẩn lao động công bằng, trả công bằng giữa các giới tính và chủng tộc... Các nhóm kiểm toán có thể sử dụng chúng như một lộ trình về các vấn đề mà nhà đầu tư có thể hỏi về hiệu quả hoạt động của DN và dự đoán bằng chứng mà các bên liên quan sẽ muốn thấy.
Sử dụng công nghệ như một trợ thủ đắc lực
Mỗi tổ chức sẽ có hàng loạt nhà cung cấp nằm rải rác trên nhiều đơn vị hoạt động và lĩnh vực kinh doanh. Đây là thách thức mà một quy trình kiểm toán thủ công không thể đáp ứng được.
Công nghệ sẽ trở thành công cụ thiết yếu hỗ trợ kiểm toán trong việc xem xét và đánh giá ESG, nhất là khi kiểm toán viên phải phân tích hàng trăm hợp đồng với nhà cung cấp để đảm bảo rằng các điều khoản ESG thích hợp đã được đưa vào.
Để đảm bảo sự tin cậy cho ban quản lý và hội đồng quản trị, giải pháp công nghệ sẽ phải đáp ứng các khả năng sau: Một kho dữ liệu duy nhất; các công cụ để giao tiếp hiệu quả giữa các vị trí và khu vực kinh doanh khác nhau; phân tích dữ liệu về hiệu suất ESG; báo cáo linh hoạt để kiểm toán viên có thể thảo luận về rủi ro và biện pháp khắc phục với lãnh đạo DN.
Thực tế, kiểm toán các vấn đề ESG không phải là một phát minh mới. Các bước thông thường trong hoạt động kiểm toán như: phân tích lỗ hổng, khắc phục, kế hoạch hành động, công cụ để theo dõi tiến độ ESG... vẫn được áp dụng.
Với việc áp dụng công nghệ phù hợp, các nhóm kiểm toán có thể đưa ra ý kiến chính xác từ những dữ liệu tin cậy. Khi lãnh đạo DN thấy rằng các vấn đề ESG cần được chú trọng hơn và họ có thể trình bày tốt hơn với các bên liên quan về ESG, đó chính là lúc các nhóm kiểm toán có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho tổ chức./.