Kiến nghị cắt giảm mạnh chi phí cho doanh nghiệp

Theo Công Trí/thoibaokinhdoanh.vn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh năm 2018 (Nghị quyết số 19-2018) với tham vọng đạt thứ hạng 50-60 về môi trường kinh doanh, so với mức 68/190 của năm 2017.

Doanh nghiệp sẽ hưởng lợi khi thời gian, thủ tục được rút ngắn, cùng với đó là chi phí tuân thủ giảm mạnh. Nguồn: Internet
Doanh nghiệp sẽ hưởng lợi khi thời gian, thủ tục được rút ngắn, cùng với đó là chi phí tuân thủ giảm mạnh. Nguồn: Internet

Nếu được chấp nhận, môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ có bước thay đổi rất lớn, khi “phiên bản” thứ năm của nghị quyết được ban hành đều đặn từ năm 2014 đến nay chạm tới các chỉ số còn thấp điểm và thấp hạng, như khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giải quyết phá sản doanh nghiệp... “Phiên bản” này còn chạm tới các nội dung về nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch và logistics để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đương nhiên, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi khi thời gian, thủ tục được rút ngắn, cùng với đó là chi phí tuân thủ giảm mạnh. 

Đây là mục tiêu không dễ thực hiện, bởi cho tới thời điểm này, những kết quả đạt được theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP tuy thực sự lớn, nhưng chưa đủ.

Đơn cử, nhiều cam kết cắt giảm chi phí thông qua việc rà soát để cắt giảm, sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh, cải cách quản lý và kiểm tra chuyên ngành như yêu cầu của Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP chưa thực hiện được.

Điều đáng nói là nhiều bộ quản lý chuyên ngành vẫn ít coi trọng nội dung này. Những đơn vị tích cực được nhắc tới vẫn là các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, VCCI, Bộ Công thương hay các địa phương Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, mới đây có thêm Thanh Hoá, Điện Biên, Thừa Thiên Huế…

Trong khi đó, còn khoảng 10 địa phương báo cáo chung chung, không bám sát Nghị quyết hoặc không đánh giá kết quả (như Nghệ An, Bình Phước, Kiên Giang, Nam Định, Đăk Nông, Bạc Liêu, Hòa Bình, Hưng Yên, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Cao Bằng, Quảng Bình). Đáng chú ý là Hưng Yên, Nam Định, Cao Bằng, Quảng Bình những năm qua không có sự quan tâm, cải thiện nào về xây dựng Chương trình Hành động cũng như báo cáo thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP.