Kinh doanh ẩm thực và đồ uống: Hấp lực với nhà đầu tư
Lĩnh vực kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) tại Việt Nam vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn khi các doanh nghiệp kinh doanh hiện hữu khẳng định tiếp tục mở thêm cửa hàng mới trong năm 2018.
Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam - cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2018 Starbucks có thể mở từ 10-15 cửa hàng tại Việt Nam, tùy theo tình hình kinh doanh. Theo đó, ngoài TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Starbucks sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Đà Nẵng vào ngày 3/2 tới.
“Đà Nẵng là thành phố lớn thứ ba Việt Nam nơi có rất nhiều tiềm năng kinh doanh và những cơ hội mở. Chúng tôi đã được hỏi rất nhiều lần rằng khi nào thì Starbucks sẽ mang dấu ấn đặc trưng của mình ra ngoài TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, và bây giờ chính là thời điểm. Không chỉ khởi đầu bằng việc khai trương cửa hàng đầu tiên tại Đà Nẵng mà tôi tin năm 2018 sẽ là một năm quan trọng của Starbucks Việt Nam. Sẽ tiếp tục có những kế hoạch thú vị được triển khai trong năm nay”, bà Patricia Marques chia sẻ.
Được biết, sau 5 năm hoạt động tại Việt Nam, đến nay Starbucks đã có 34 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng. Công ty cũng rất nỗ lực trong việc đưa cà phê thượng hạng Việt Nam tới các đối tác khách hàng của mình trên thế giới khi đưa vào kinh doanh cà phê cao cấp Starbucks Reserve® Vietnam Da Lat. Đây là sản phẩm được ưa chuộng bởi các cộng sự và khách hàng của Starbucks và thích hợp với nhiều phương pháp pha khác nhau.
Ngoài Starbucks, Jollibee Việt Nam - chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn thứ ba tại Việt Nam cũng đang tiếp tục mở thêm loạt cửa hàng mới tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Lâm Hồng Nguyên, Tổng giám đốc Jollibee Việt Nam - cho biết, để thể hiện chiến lược tiếp tục nâng thêm thị phần ở Việt Nam, giữa tháng 1 vừa qua chúng tôi đã chọn Cần Thơ là điểm đến đầu tiên khi mở rộng về đồng bằng sông Cửu Long vì đây là địa bàn có nền kinh tế phát triển nhanh, văn hóa của người dân phù hợp với Jollibee. Sau Cần Thơ, chúng tôi sẽ mở thêm cửa hàng tại các thành phố khác trong vùng, kể cả các vùng sâu.
Cũng theo ông Lâm Hồng Nguyên, ngay trong năm 2018, Jollibee đã có kế hoạch đầu tư thêm 1 nhà máy với công suất 300.000 tấn/năm nhằm cung ứng các sản phẩm chủ lực gồm mỳ, gà... với chất lượng đảm bảo an toàn cao nhất cho các chuỗi cửa hàng đang hiện hữu. Sở dĩ nhà máy được xây dựng vì trong tương lai, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là một trong những thị trường quan trọng bậc nhất với doanh nghiệp này, ngay cả khi Jollibee vươn xa hơn ra những thị trường khác trên thế giới.
Tương tự, bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nhật Thái Restaurant (đơn vị kinh doanh chuỗi nhà hàng lẩu Thái Coca Restaurant) - cho hay: Việt Nam vẫn đang là thị trường đầu tư “màu mỡ” cho các đơn vị kinh doanh F&B. Do đó, mục tiêu đến năm 2022, chuỗi nhà hàng lẩu Thái Coca Restaurant sẽ nhân đôi địa điểm, nâng số lượng chi nhánh đạt con số 10 (hiện tại thương hiệu này có 5 cửa hàng trong đó 4 cửa hàng đặt tại TP. Hồ Chí Minh và 1 cửa hàng tại Hà Nội). Mục tiêu này cũng sẽ nâng tầm Việt Nam lên vị trí thị trường lớn thứ 2 của Tập đoàn Coca, chỉ sau Nhật Bản.