Kinh nghiệm áp dụng Lean hiệu quả nhìn từ thành công của ngành cơ khí
Áp dụng thành công Lean giúp doanh nghiệp cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng. Có nhiều kinh nghiệm thực tiễn áp dụng thành công Lean nhìn từ ngành sản xuất cơ khí chế tạo.
Sản xuất tinh gọn hay sản xuất tiết kiệm (Lean) là một trong những phương pháp quản trị hiện đại nhằm tinh gọn hóa sản xuất, giảm thiểu lãng phí trong doanh nghiệp, gia tăng hiệu quả kinh doanh, nhờ đó giúp các tổ chức, doanh nghiệp cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất cơ khí chế tạo đã áp dụng thành công mô hình sản xuất tinh gọn Lean, rút ra nhiều bài học thực tiễn có giá trị.
Nhìn chung, hệ thống quản lý sản xuất của doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam tồn tại nhiều hạn chế và lãng phí. Mô hình sản xuất tinh gọn sẽ giúp giảm thiểu các lãng phí này một cách hiệu quả nhất và liên tục được cải tiến, thực hiện nhằm dần loại bỏ hoàn toàn các lãng phí.
Một số hoạt động cơ bản nhằm thay đổi quan điểm của người lao động về sản xuất tinh gọn như: Tổ chức các buổi đào tạo, thảo luận và thực hành trong sản xuất; đưa ra các hình ảnh, clip ví dụ thành công từ các doanh nghiệp khác.
Khuyến khích người lao động tham gia vào quá trình cải tiến, bao gồm phát hiện vấn đề, đưa ra các cải tiến để khắc phục và cùng với người lao động thực hiện những cải tiến đó.
Trực tiếp làm rõ, phân tích các vấn đề tồn tại, các lãng phí từ hệ thống sản xuất cùng người lao động; giúp người lao động nhận thấy nếu có thay đổi, cải tiền thì sẽ giúp người lao động thực hiện công việc dễ dàng và hiệu quả hơn.
Giúp người lao động hiểu rằng việc áp dụng Lean sẽ giúp công ty nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại lợi ích và giá trị gia tăng cho công ty, đồng nghĩa với lợi ích của người lao động. Qua đó tạo thêm các công việc cho công ty và không một ai sẽ mất việc vì những cải tiến trong nhà máy.
Hệ thống sản xuất tinh gọn Lean có nhiều công cụ, để lựa chọn được công cụ nào là phù hợp với từng công ty cụ thể cần dựa trên một số đặc điểm sau: Quy mô và đặc điểm, hiện trạng hoạt động, sản xuất của từng công ty.
Nghiên cứu, phân loại những lãng phí và cơ hội cần cải tiến từ đó có thể chọn lựa được các công cụ thích hợp để giải quyết. Cùng với lãnh đạo doanh nghiệp, quản lý cấp trung cần tham gia bàn bạc, thảo luận và đưa ra các phương án cải tiến.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong giai đoạn đầu không nên chọn lựa nhiều công cụ đưa vào áp dụng vì sẽ tạo cảm giác quá tải cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, tránh áp dụng những công cụ cần nhiều chi phí như thay đổi lại mặt bằng xưởng, bảo trì ngăn ngừa...
Nên bắt đầu áp dụng Lean với quy mô nhỏ, trước khi áp dụng cho toàn bộ hoạt động sản xuất của công ty.
Khi triển khai dự án, cần đào tạo sâu về Lean và các công cụ cải tiến cho các cấp quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo, thay đổi nhận thức cho công nhân về quản lý sản xuất tinh gọn. Thông qua đào tạo, huấn luyện, thuyết phục người lao động nhận thức về lợi ích khi áp dụng sản xuất Lean.
Đặc thù của cải tiến, đặc biệt là trong ngành cơ khí chế tạo, là không chỉ giải quyết một lần mà vấn đề lãng phí sẽ bị loại bỏ tận gốc, mà cần thực hiện hoạt động cải tiến liên tục, nhằm dần loại bỏ triệt để vấn đề lãng phí.