Kinh nghiệm chuyển đổi khu vực công trong thời đại số
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với cốt lõi là công nghệ thông tin và kết nối vạn vật qua internet. Từ ngày 27/5/2017 đến ngày 03/6/2017, Đoàn công tác cấp cao của Bộ Tài chính đã làm việc với một số tập đoàn, công ty hàng đầu về công nghệ thông tin tại Hoa Kỳ. Các buổi gặp gỡ trao đổi cho thấy những xu hướng, thách thức trong việc xây dựng chính phủ điện tử, giải pháp phục vụ chuyển đổi số trong quản lý tài chính quốc gia...
Cuộc cách mạng số đã dẫn đến xu hướng người dân đòi hỏi chính quyền các cấp các dịch vụ công thuận tiện hơn, đơn giản, nhanh chóng hơn. Các chính phủ, các tổ chức đang phải quản lý một lượng dữ liệu khổng lồ gia tăng nhanh. Việc có quá nhiều dữ liệu và việc phân tích dữ liệu sao cho hiệu quả, vấn đề lưu trữ, xử lý lượng dữ liệu khổng lồ đó ra sao đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các tổ chức, chính phủ.
Chuyển đổi số sẽ là xu hướng và yêu cầu bắt buộc không thể tránh khỏi đối với các tổ chức, chính phủ. Đoàn công tác cấp cao của Bộ Tài chính Việt Nam do Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng đoàn và các chuyên gia của Microsoft, Mỹ đã cùng thảo luận về 4 lĩnh vực trụ cột đồng thời cũng là các giải pháp trong chuyển đổi số như: (i) Tăng cường kết nối với người dân để tạo kết nối và sự tham gia của cộng đồng lớn hơn; (ii) Trao quyền cho nhân viên để thực thi công vụ hiệu quả hơn; (iii) Tối ưu hóa vận hành các dịnh vụ của tổ chức chính phủ nhằm đem lại khả năng cung cấp dịch vụ cho người dân nhanh hơn; và (iv) Chuyển đổi các dịch vụ công theo hướng số hóa, đơn giản hơn ít giấy tờ hơn.
Trao đổi, thảo luận về vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực Thuế, đoàn công tác của Bộ Tài chính và các chuyên gia công nghệ hàng đầu của Hòa Kỳ nhận định, các giải pháp cần tập trung thực hiện để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh hiện nay gồm:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của người nộp thuế và hành vi thông qua việc hỗ trợ để người nộp thuế dễ dàng đóng thuế, hoàn trả nhanh hơn, dễ dàng truy cập thông tin liên quan...
Thứ hai, tăng cường tính tuân thủ về thuế. Một trong những mục tiêu cao nhất của quản lý thuế là tăng tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế, thay vì đưa ra những hình thức xử phạt các đối tượng trốn và tránh thuế. Các giải pháp tăng cường tính tuân thủ thuế hướng tới vừa tăng doanh thu ngân sách trong khi cải thiện lòng tin và sự hài lòng của người nộp thuế thông qua sự minh bạch được cải thiện. Điều này sẽ tác động dẫn tới ít sự trốn tránh nộp thuế, khả năng thích ứng nhanh với mô hình kinh doanh mới, tính dự báo tốt hơn về tác động thuế.
Thứ ba, cải thiện hiệu quả và tính hiệu lực. Giải pháp này tập trung vào việc nâng cao năng lực cho nhân viên thuế, giảm thời gian hoạt động, giảm chi phí, những nổi trội trong điều hành ngân sách...
Việc nghiên cứu, tìm hiểu về khoa học công nghệ, hệ thống quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới có ý nghĩa quan trọng giúp điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Những nội dung được thảo luận, chia sẻ từ các công ty, các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới với Đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam rất có giá trị để nghiên cứu, áp dụng trong việc triển khai xây dựng kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tích hợp và đảm bảo an ninh an toàn thông tin của Bộ Tài chính Việt Nam.
Bên cạnh các giải pháp để xây dựng chính phủ thông minh trong thời đại số, những hệ thống giải pháp phục vụ chuyển đổi số trong quản lý tài chính quốc gia..., các giải pháp và xu hướng mới trong lĩnh vực an toàn bảo mật trong bối cảnh các cuộc tấn công an ninh mạng đang ra tăng nhanh chóng cũng đã được các chuyên gia công nghệ của Hoa Kỳ bàn thảo kỹ lưỡng với Đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam.
Với các nội dung đã được tìm hiểu qua chuyến công tác của Đoàn công tác Bộ Tài chính tại Hoa Kỳ cho thấy, với việc thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cốt lõi là Công nghệ thông tin và kết nối vạn vật qua internet (IoT), các công nghệ SMAC gồm công nghệ mạng xã hội (Society), công nghệ di động (Mobility), công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Analytics) và công nghệ điện toán đám mây (Cloud) nên được nghiên cứu và ứng dụng trong ngành Tài chính. Các công nghệ mới này có thể sẽ tạo ra những đột phá mới, đón đầu về công nghệ trong kỷ nguyên số, mang lại hiệu quả cao trong chỉ đạo điều hành và công tác quản lý của Ngành.