Kinh nghiệm quốc tế về huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh
Thế giới đang diễn ra nhiều thay đổi quan trọng, đòi hỏi các quốc gia phải đổi mới mô hình tăng trưởng để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững, trong đó tăng trưởng xanh ngày càng trở thành một xu hướng tất yếu. Trên thực tế, nhiều quốc gia coi tăng trưởng xanh thực sự là ưu tiên chiến lược.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời bảo đảm rằng các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững, tạo ra các cơ hội kinh tế mới.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tăng trưởng xanh là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa ô nhiễm và các tác động môi trường, có khả năng thích ứng trước các hiểm họa thiên nhiên, vai trò của quản lý môi trường, vốn tự nhiên trong việc phòng ngừa thiên tai...
Để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, một số nước đã tiến hành huy động nguồn lực tài chính từ các nguồn tài trợ khác nhau như: các quỹ tài trợ quốc tế, nguồn tài chính công trong nước và khu vực tư nhân.
Mỹ là một trong những nước tiếp cận sớm để thực hiện chính sách tăng trưởng xanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Chính phủ Mỹ đã thực hiện các chính sách mới nhằm phát triển nền kinh tế thông qua phát triển năng lượng, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và thực hiện chính sách tái tạo năng lượng. Trong chiến lược tiết kiệm năng lượng, Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện, đến năm 2030 nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15%.
Nhằm đạt được các mục tiêu này, Chính phủ Mỹ đã thành lập Cơ quan Triển khai năng lượng sạch (CEDA) thuộc Bộ Năng lượng có chức năng như một “ngân hàng xanh” để huy động và giải ngân vốn đầu tư cho các chương trình năng lượng sạch. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải như yêu cầu các công ty sản xuất ô tô chuyển sang các mẫu xe kết hợp sử dụng cả điện và xăng dầu, cùng với việc cải tiến các động cơ để tiết kiệm nhiên liệu.
Tại Vương quốc Anh, Chính phủ đóng vai trò tích cực trong việc thiết lập các thị trường tài chính xanh. Cam kết triển khai hệ thống tài chính xanh được đưa vào trong chiến lược phát triển chung của nền kinh tế. Chính phủ trực tiếp tham gia vào quá trình huy động nguồn vốn xanh. Cụ thể:
- Xây dựng một khung khổ chính sách phát triển hệ thống tài chính xanh đơn giản, ổn định và dễ áp dụng cũng như thường xuyên thực hiện các rà soát, đánh giá và điều chỉnh kịp thời.
- Trực tiếp đầu tư vốn mồi cho khu vực kinh tế xanh để thúc đẩy việc triển khai trong thực tế thông qua xây dựng cơ chế tài trợ trực tiếp cho các dự án đầu tư xanh, và thực hiện bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh cũng như tham gia tài trợ cho các quỹ bảo vệ môi trường.
- Thành lập ngân hàng đầu tư xanh để hỗ trợ đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xanh mà thị trường không thể tài trợ.
Đan Mạch với mục tiêu tham vọng trở thành “quốc gia xanh nhất” tại châu Âu và trên thế giới. Theo Chiến lược năng lượng đến 2035, Đan Mạch sẽ hoàn toàn từ bỏ sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong ngành công nghiệp năng lượng. Tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiêu liệu tái tạo. Để hiện thực hóa tham vọng của mình, Đan Mạch đã thông qua mức thuế đặc biệt với việc xử lý chất thải, bao gồm cả mức phí xử lý chất thải xây dựng. Đồng thời, chi tiêu công cho các sản phẩm hàng hóa do nhà nước điều chỉnh nhằm giảm thiểu lượng rác sinh hoạt và việc sản xuất quá nhiều bao bì hàng hóa.
Tại Trung Quốc, Chính phủ nước này đề ra các mục tiêu cụ thể cắt giảm phát thải carbon. Trung Quốc thiết lập thêm năng lực sản xuất điện không dùng nhiên liệu hóa thạch. Nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, cắt giảm phát thải carbon, Trung Quốc đã huy động nguồn lực tài chính chủ yếu là từ nguồn tài chính công. Thông qua chương trình “1000 doanh nghiệp”, Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào việc cải thiện hiệu quả năng lượng.
Ngoài ra, Trung Quốc có nguồn từ ngân sách nhà nước để thưởng cho các doanh nghiệp tiến hành cải tạo kỹ thuật theo hướng tiết kiệm năng lượng; Hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; Thành lập Quỹ chuyên biệt cho việc xử lý chất thải gây ô nhiễm.
Tại Hàn Quốc, theo Kế hoạch 5 năm về tăng trưởng xanh với tổng ngân sách dành cho tăng trưởng xanh của Hàn Quốc trong 5 năm tương đương 2% GDP mỗi năm. Chính phủ Hàn Quốc cũng tăng cường chi đầu tư và phát triển xanh. Trong đó, tập trung vào các công nghệ xanh cơ bản, như: pin, hạt nhân, lưu trữ carbon, lưới điện thông minh, pin năng lượng mặt trời… Kế hoạch này nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của “chiến lược tăng trưởng xanh” của Hàn Quốc.
Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, các nước đều cần nhiều nguồn lực để đạt được các cam kết về khí hậu, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững quốc gia. Do đó, việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.