Kinh nghiệm vận dụng kiểm toán hợp tác xã từ một số nước
Kinh tế tập thể là thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, tỷ lệ đóng góp ước đạt 4% GDP của Việt Nam hiện nay, tuy nhiên, việc phát triển mô hình kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã nói riêng vẫn còn rất hạn chế so với mô hình doanh nghiệp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi nhấn mạnh, cần thiết phải đưa hoạt động kiểm toán vào mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã để nâng cao chất lượng, cải thiện hiệu quả hoạt động của loại hình này. Bài viết làm rõ vai trò của kiểm toán hợp tác xã và một số kinh nghiệm vận dụng kiểm toán hợp tác xã từ một số nước trên thế giới.
Kinh tế tập thể là thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, tỷ lệ đóng góp ước đạt 4% GDP của Việt Nam hiện nay, tuy nhiên, việc phát triển mô hình kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã nói riêng vẫn còn rất hạn chế so với mô hình doanh nghiệp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi nhấn mạnh, cần thiết phải đưa hoạt động kiểm toán vào mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã để nâng cao chất lượng, cải thiện hiệu quả hoạt động của loại hình này. Bài viết làm rõ vai trò của kiểm toán hợp tác xã và một số kinh nghiệm vận dụng kiểm toán hợp tác xã từ một số nước trên thế giới.
Mô hình kinh tế hợp tác xã
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012, hợp tác xã (HTX) là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, có ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX.
Theo Báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: Năm 2021, cả nước có 27.445 HTX, liên hiệp HTX; Năm 2022, cả nước đã thành lập mới được 2.187 HTX, đạt 109,35% chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có tổng cộng 29.021 HTX; trong đó, có 19.384 HTX nông nghiệp (chiếm 68,8%), 8.456 HTX phi nông nghiệp (chiếm 29,1%), có 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân (chiếm 4,1%). Các HTX thu hút khoảng 6,4 triệu thành viên, với 2,6 triệu lao động. Tổng vốn điều lệ của các HTX khoảng 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân khoảng 1,86 tỷ đồng/HTX. Tổng giá trị tài sản của các HTX khoảng 187,75 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng. Về Liên hiệp các HTX, cả nước hiện có 125 Liên hiệp HTX (có 17 Liên hiệp HTX được thành lập mới), trung bình có 6 HTX tham gia Liên hiệp HTX, tạo việc làm cho 39.750 lao động. Doanh thu bình quân của các Liên hiệp HTX là 258 tỷ đồng/năm, lãi bình quân 8,9 tỷ đồng/năm.
Kiểm toán hợp tác xã, sự cần thiết của kiểm toán hợp tác xã
Kiểm toán thể hiện sự kiểm tra, xác minh tính trung thực, hợp lý đối với hoạt động của cá nhân, tổ chức. Kinh tế tập thể, HTX là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân. Do đó, HTX cần thiết phải được kiểm toán, đó là điều kiện tiên quyết và quan trọng cho một sự hợp tác hiệu quả, thành công. Trong thời kỳ hội nhập, muốn hợp tác kinh doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước thì vấn đề minh bạch, tăng niềm tin với các đối tác là vấn đề cốt lõi. Vì vậy, để thực hiện được các mục tiêu trên thì điều cần thiết là HTX phải được kiểm toán.
Theo Zakić, Kovačević (2015), việc khôi phục niềm tin vào các HTX, vốn đã bị mất phần lớn trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai, không thể đạt được nếu không có một hệ thống kiểm toán HTX tiêu chuẩn và đáng tin cậy.
Cracogna và cộng sự (2013) cho rằng, kiểm toán HTX không chỉ là kiểm toán tài chính thuần túy mà còn xem xét một loạt các chỉ số ngoài hiệu quả kinh doanh. Một trong những nhiệm vụ chính của kiểm toán HTX là xác minh việc tuân thủ các giá trị và nguyên tắc HTX, cũng như luật pháp liên quan. Quá trình này đặc biệt nhấn mạnh vào việc thực hiện các mục tiêu đã xác định trước đó và đặc biệt là quản lý hợp tác và thực hiện các quyết định của đại hội đồng, ban chỉ đạo và ban giám sát. Đó là lý do tại sao kiểm toán HTX được coi là một cơ chế kiểm soát hiệu quả cho phép các thành viên HTX thực hiện quyền biểu quyết của mình.
Kiểm toán HTX là công cụ kiểm soát, đánh giá tính hiệu quả hoạt động của tổ chức. HTX có điểm đặc thù là có tài sản chung không chia và có phiếu bầu như nhau. Do đó, cần thiết phải có kiểm toán bắt buộc để làm rõ, trong sạch tài chính. Kiểm toán với vai trò là bên thứ ba độc lập được đào tạo tham gia vào quá trình đánh giá tính trung thực và hợp lý của các thông tin tài chính công bố sẽ giúp cho tổ chức bảo đảm tính minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.
Ngoài vai trò kiểm soát, kiểm toán HTX còn có vai trò tư vấn. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt đối với những HTX có đông thành viên, bởi số lượng thành viên đông không thể trực tiếp tham gia quản lý HTX mà phải thông qua đại biểu. Trong những trường hợp như vậy, để duy trì bản chất dân chủ của HTX, hệ thống ra quyết định cần phải minh bạch, được kiểm soát bởi kiểm toán HTX (Nikolić, 2009).
Mục đích của kiểm toán HTX không chỉ là kiểm tra các kết quả đã đạt được trước đây mà còn giúp ban quản lý và các thành viên của HTX cải thiện quy trình ra quyết định và hiệu quả kinh doanh trong tương lai và thực hiện hoạt động kinh doanh của HTX theo các nguyên tắc đặc thù của HTX.
Các quốc gia trên thế giới đưa hoạt động kiểm toán vào ngay giai đoạn thành lập. Kiểm toán sẽ đưa ra định hướng cho các HTX, hướng dẫn cho các thành viên về cơ chế, chính sách hỗ trợ để làm sao khi HTX hoạt động sẽ có sự hiểu biết cơ chế, chính sách, các quy định pháp luật liên quan đến HTX.
Theo khảo sát, hiện nay, HTX rất khó khăn để tiếp cận các nguồn vốn từ Liên minh HTX. Do đó, khi được kiểm toán bởi kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề thì sức khoẻ tài chính của HTX được xác minh, là cơ hội giúp các HTX có thể vay được vốn cao hơn.
Loại hình kiểm toán hợp tác xã
Theo Cracogna và cộng sự, 2013, có 2 loại kiểm toán HTX gồm: Kiểm toán nội bộ và kiểm toán bên ngoài. Kiểm toán nội bộ được thực hiện bởi một hoặc một nhóm thành viên HTX, thường là thành viên của cơ quan quản lý nội bộ.
Ở một số quốc gia, các chuyên gia độc lập cũng có thể tham gia vào kiểm toán nội bộ HTX. Nhiệm vụ của họ là kiểm tra khía cạnh tài chính của hoạt động kinh doanh và báo cáo quản lý, trừ khi HTX phải chịu sự kiểm toán từ bên ngoài.
Theo Henry (2012), kiểm toán HTX bên ngoài là cấp độ cao hơn. Nó được thực hiện trong các khoảng thời gian đều đặn, thường được quy định trong luật và được thực hiện bởi chuyên gia bên ngoài từ liên minh HTX, công ty kiểm toán tư nhân, cơ quan chính phủ có liên quan hoặc tổ chức tương tự khác. Việc kiểm toán kịp thời và thường xuyên các hoạt động tài chính, quản lý và vị thế xã hội đối với hoạt động kinh doanh của HTX là điều kiện tiên quyết cho một hệ thống HTX thành công.
Ở một số quốc gia, kiểm toán bên ngoài là hình thức kiểm soát duy nhất mà HTX phải thực hiện và nó thường góp phần tạo nên một hệ thống kiểm soát công việc tốt. Ở các quốc gia khác, việc kiểm toán HTX là tự nguyện và nội bộ, có nghĩa là nó được thực hiện bởi một thành viên của ban quản lý HTX và các phát hiện của cuộc kiểm toán đó có tính chất tư vấn.
Hiện nay, ở Việt Nam, các doanh nghiệp đã áp dụng thuận lợi các loại hình kiểm toán bên trong (kiểm toán nội bộ) và kiểm toán bên ngoài (kiểm toán độc lập, kiểm toán nhà nước). Tuy nhiên, đối với mô hình kinh tế tập thể, HTX thì hoạt động kiểm toán chưa được quy định riêng và cụ thể.
Luật HTX 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ tuy đã quy định chi tiết một số điều của Luật HTX nhưng cũng chưa có quy định cụ thể về hoạt động kiểm toán, mà mới chỉ dừng lại ở mức “khuyến khích HTX thực hiện kiểm toán nội bộ” (Điều 22 Nghị định số 193/2013). Chính vì vậy, hiện nay, các HTX chỉ thực hiện kiểm toán theo yêu cầu khi tái cấu trúc, tham gia các dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh. Thực chất mô hình kinh tế HTX cũng là một tổ chức kinh tế hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề và có tư cách pháp nhân. Do đó, việc áp dụng các loại hình kiểm toán như mô hình doanh nghiệp là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, HTX ở Việt Nam hiện nay có nhiều quy mô: lớn, vừa, nhỏ, hơn nữa hoạt động kiểm toán mô hình HTX cũng ở giai đoạn mới tiếp cận. Do đó, việc quy định tất cả HTX áp dụng một loại hình kiểm toán là không phù hợp mà cần đưa ra các quy định kiểm toán theo quy mô, vận dụng linh hoạt loại hình kiểm toán để đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm. Những HTX có quy mô lớn thì cần có báo cáo kiểm toán độc lập hằng năm. Đối với HTX có quy mô nhỏ và siêu nhỏ không đủ nhân, vật lực để thực hiện hoạt đông kiểm toán thì cần phải có sự hỗ trợ của liên đoàn HTX trong tổ chức vận dụng hoạt động kiểm toán nội bộ.
Kinh nghiệm vận dụng kiểm toán hợp tác xã ở một số nước trên thế giới
Tại Áo:
Kiểm toán HTX được đưa vào tất cả các giai đoạn của đời sống HTX, từ thủ tục đăng ký HTX như một hình thức kiểm toán ban đầu. Sau khi đăng ký, kiểm toán HTX được thực hiện ít nhất hai năm tài chính một lần. Chỉ những Hiệp hội và cá nhân đã đăng ký và được cấp phép mới có thể đóng vai trò là kiểm toán viên HTX.
Tại Đức:
Cơ quan chức năng thực hiện hoạt động kiểm toán HTX tại Đức là Liên đoàn HTX Đức. Các HTX chịu sự kiểm toán bắt buộc theo quy định. Hoạt động kiểm toán HTX được quy định cụ thể, rõ ràng trong Luật HTX (như đối tượng kiểm toán, đơn vị kiểm toán, quy trình kiểm toán, cơ quan kiểm tra, giám sát). Hoạt động kiểm toán HTX tại Đức được thực hiện hằng năm trên diện rộng, thường xuyên và liên tục. Các hoạt động kiểm toán ở Đức là kiểm toán tính hợp thức của hoạt động điều hành kinh doanh, kiểm tra tính tuân thủ pháp luật và tính hợp thức của hoạt động kinh doanh, kiểm tra tình hình thực tế và kết quả kiểm toán…
Qua đó, kiểm toán giúp tăng tính minh bạch trong các hoạt động HTX, tạo niềm tin và tín nhiệm trong thành viên HTX cũng như các đối tác, khách hàng, có lợi trong việc ký kết hoặc thỏa thuận hợp tác làm ăn với đối tác. Ở Đức, kiểm toán viên HTX cũng được đào tạo bài bản và cấp phép hoạt động bởi Liên đoàn HTX.
Tại Pháp:
Các HTX tại Pháp phải nộp kiểm toán tài chính hàng năm giống như các loại hình tổ chức khác. Giống ở Áo, kiểm toán được đưa vào từ những bước đầu thành lập HTX. Kiểm toán được thực hiện bởi các kiểm toán viên HTX. Tất cả các kiểm toán viên phải có giấy phép, được cấp trong thời hạn 5 năm.
Tại Ba Lan:
Các HTX ở Ba Lan thực hiện kiểm toán HTX nội bộ và bên ngoài. Kiểm toán nội bộ do Hội đồng kiểm soát nội bộ của HTX thực hiện gồm ít nhất 3 thành viên do Đại hội đồng bầu ra. Trách nhiệm của cơ quan này liên quan đến kiểm toán HTX là kiểm tra các báo cáo định kỳ và báo cáo tài chính, thực hiện đánh giá định kỳ về hiệu quả hoạt động của HTX, chú trọng đến quyền của thành viên và thực hiện các chức năng kiểm soát. Kiểm toán HTX bên ngoài là bắt buộc và được tiến hành ba năm một lần. Bên cạnh vai trò kiểm soát, kiểm toán độc lập còn có chức năng hỗ trợ, tư vấn cho HTX. Kiểm toán HTX tại Ba Lan có thể được thực hiện bởi liên hiệp HTX hoặc bởi Hội đồng HTX Quốc gia.
Như vậy, có thể thấy, thành công trong hoạt động kiểm toán HTX tại các quốc gia xoay quanh vấn đề chung là hệ thống pháp lý được quy định cụ thể và mang tính đặc thù cho từng loại hình HTX. Ở mỗi quốc gia đều có thành lập tổ chức kiểm toán HTX. Hoạt động kiểm toán HTX được quy định bắt buộc và được thực hiện bởi đội ngũ kiểm toán viên được đào tạo và cấp phép hoạt động. Công tác kiểm toán được áp dụng ngay ở giai đoạn thành lập HTX và triển khai định kỳ trên diện rộng để phát hiện và cải thiện yếu kém.
Kết luận
Để thực hiện thành công kiểm toán HTX thì trước hết phải hoàn thiện khung pháp lý riêng về kiểm toán cho khu vực HTX, trong đó, sẽ quy định cụ thể về phạm vi kiểm toán, tần suất, hình thức, chủ thể và giá trị kiểm toán. Chẳng hạn như: Đối với các HTX quy mô lớn sẽ áp dụng kiểm toán một năm/lần, HTX quy mô vừa sẽ áp dụng 2-3 năm kiểm toán một lần và với HTX nhỏ và siêu nhỏ có thể thực hiện hoạt động kiểm toán nội bộ theo hướng dẫn.
Để hỗ trợ và quản lý hoạt động kiểm toán HTX thì Liên minh HTX Việt Nam cần thành lập trung tâm kiểm toán, đào tạo các kiểm toán viên có chuyên môn về các hoạt động của HTX như nông nghiệp, thủ công nghiệp, tín dụng… Ngoài ra, vấn đề nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kiểm toán trong hoạt động phát triển HTX cần được Liên minh HTX đề cập, từ đó, hoạt động kiểm toán được triển khai trên diện rộng, áp dụng đồng bộ thống nhất nhằm tăng tính hiệu quả trong hoạt động của các HTX cũng như gia tăng tính kết nối, hợp tác, mở rộng quy mô.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13;
- Nghị định số 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn luật Hợp tác xã;
- Cracogna, D., Fici, A., Henrÿ, H., eds. (2013), International Handbook of Cooper- ative Law, Springer & Еuricse, New York, USA;
- Nikolić, M. (2009), Evolution of cooperative legislation in Europe. Serbian Asso- ciation of Agricultural Economists, Belgrade, Serbia;
- Zakić, V., Kovačević, V. (2015), Significance of cooperative audit for the coopera- tive sector in Serbia. Revizor 18(72), 79-89.