Kinh nghiệm về kiểm toán nội bộ theo thông lệ quốc tế

PV.

TS. AJ Purcell, Trưởng ban kiếm toán nội bộ của Hội kế toán viên công chứng Australia (CPA Australia) đã có một số chia sẻ với phóng viên về kinh nghiệm kiểm toán nội bộ theo chuẩn quốc tế cũng như những thông lệ kiểm toán nội bộ trên thế giới, kinh nghiệm của Australia và những bài học có thể áp dụng cho Việt Nam.

Phóng viên: Xin ông cho biết mối quan hệ giữa kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ. Vai trò của kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp, đặc biệt ở các doanh nghiệp có vốn của nhà nước.

TS. AJ Purcell

TS. AJ Purcell

TS. AJ Purcell : Kiểm toán nội bộ là hoạt động thẩm định được xác lập trong một tổ chức như một dịch vụ cho tổ chức. Chức năng của nó bao gồm giám sát kiểm soát nội bộ.

Kiểm toán nội bộ là một hoạt động tư vấn và đảm bảo mang tính độc lập, khách quan được thiết kế nhằm tăng giá trị và cải thiện hoạt động của một tổ chức. Nó giúp một tổ chức hoàn thành các mục tiêu bằng cách đưa ra cách tiếp cận có hệ thống và kỷ luật để đánh giá và nâng cao hiệu quả của các quy trình quản lý rủi ro, kiểm soát và quản trị. 

Không có mối quan hệ trực tiếp nào giữa kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ khi  một hệ thống có thể tồn tại (và hoạt động hiệu quả) mà không có chức năng kiểm toán nội bộ. Kiểm toán nội bộ có thể được tạo ra bởi một tổ chức để cung cấp sự đảm bảo cho một loạt các yếu tố của hệ thống kiểm soát nội bộ.  Mối quan hệ được tạo ra bởi Hội đồng Quản trị và Ban điều hành để thực hiện quản trị tốt. 

Vai trò của kiểm toán nội bộ là những gì mà tổ chức xây dựng dựa theo mong muốn của họ vì đó không phải là vai trò được quy định chung chung, mặc dù một số ủy thác cụ thể có thể mô tả được hoạt động kiểm toán nội bộ cần thiết.

Ông có thể cho biết các mô hình tổ chức kiểm toán nội bộ phổ biến ở các doanh nghiệp . Để tổ chức kiểm toán nội bộ thực sự có hiệu quả, theo ông lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm vấn đề gì?

Các mô hình tổ chức kiểm toán nội bộ phổ biến tại doanh nghiệp là 1) hoàn toàn tự lực hoặc 2) tự lực một phần với hỗ trợ từ bên ngoài hoặc 3) thuê ngoài hoàn toàn. 

Trong một tổ chức, tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức, chức năng kiểm toán nội bộ có thể hoạt động từ trụ sở của một công ty mẹ nắm giữ toàn bộ hoạt động kinh doanh hoặc có thể được đặt trong một hoạt động kinh doanh cụ thể trong các công ty con thuộc tổ chức đó. Tất cả đều phụ thuộc vào quy mô và nhu cầu của tổ chức. Không có quy tắc cố định về việc tổ chức chức năng kiểm toán nội bộ. 

Liên quan đến việc "Làm thế nào để thực hiện kiểm toán nội bộ hiệu quả", các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên quan tâm đến tính độc lập và khách quan của chức năng kiểm toán nội bộ và do đó cơ cấu báo cáo của chức năng này. Phạm vi hoạt động của chức năng kiểm toán nội bộ cũng quan trọng vì sự hạn chế trong phạm vi hoạt động có thể làm giảm tính hiệu quả.

Kiểm toán nội bộ nên tập trung vào những vấn đề gì của doanh nghiệp? Kiểm toán nội bộ chủ yếu nên thực hiện kiểm tra, đánh giá và xác nhận hay chủ yếu là tư vấn cho ban quản lý.

Chức năng kiểm toán nội bộ sẽ luôn phải chịu một số hạn chế về ngân sách như một nguồn lực của tổ chức. Những vấn đề mà kiểm toán nội bộ cần tập trung hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của tổ chức trong việc phân bổ nguồn lực nội bộ đó và kỹ năng tổng thể. Các xu hướng hiện tại cho thấy chức năng kiểm toán nội bộ tập trung phần lớn vào rủi ro tuân thủ cũng như kiểm soát hệ thống tài chính truyền thống.

Rủi ro tuân thủ bao gồm rủi ro về chế tài xử phạt theo quy định pháp luật, tổn thất tài chính, vật chất hoặc thiệt hại uy tín mà có thể phát sinh do hậu quả của việc không tuân thủ các quy định, chính sách và thủ tục (nội quy chung) và các quy định quốc tế liên quan đến hành xử đúng mực (gọi chung là các quy định tuân thủ). Giả định rằng tổ chức đang áp dụng một số cách tiếp cận quản lý rủi ro phù hợp với khuôn khổ hiện hành.

Ông có thể giải thích rõ hơn tính độc lập của kiểm toán viên nội bộ và những biện pháp gì để  đảm bảo sự độc lập cho các kiểm toán viên?

Viện Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA) nhận xét rằng tính độc lập là sự tự do không bị các điều kiện đe dọa đến khả năng của hoạt động kiểm toán nội bộ trong việc thực hiện trách nhiệm kiểm toán nội bộ một cách không thiên vị. 

Để đạt được mức độ độc lập cần thiết nhằm thực hiện có hiệu quả các trách nhiệm của hoạt động kiểm toán nội bộ, kiểm toán trưởng có quyền tiếp cận trực tiếp và không hạn chế với quản lý cấp cao và hội đồng quản trị. Điều này có thể đạt được thông qua mối quan hệ báo cáo kép. Các mối đe dọa đối với tính độc lập phải được quản lý ở cấp độ mỗi kiểm toán viên và cấp độ của cả phòng ban và tổ chức.

IIA cũng cho rằng "Tính khách quan là một thái độ tinh thần không thiên vị, cho phép các kiểm toán viên nội bộ thực hiện cam kết theo cách mà họ tin tưởng vào công việc và không có sự thỏa hiệp về chất lượng. Tính khách quan yêu cầu các kiểm toán viên nội bộ không giao phán quyết của họ về vấn đề kiểm toán cho người khác. Các mối đe dọa đối với tính độc lập phải được quản lý ở cấp độ mỗi kiểm toán viên và cấp độ của cả phòng ban và tổ chức”. 

Vì vậy, điều kiện là những gì cần phải quản lý khi kiểm toán viên nội bộ thường là nhân viên của một tổ chức. Ngoài ra, khi chức năng kiểm toán nội bộ được thuê ngoài hoàn toàn, cần nhớ rằng chương trình công việc cần thực hiện, về bản chất là hình thức của các thủ tục đã được thỏa thuận. Tính độc lập và khách quan nên được quy định sẵn và không nên giả định.

Năng lực và phẩm chất cần phải có của kiểm toán viên nội bộ?

Năng lực và phẩm chất cần phải có của kiểm toán viên nội bộ được đề cập ngắn gọn trong tiêu chuẩn ISO 19011. Niềm tin vào quá trình kiểm toán và khả năng để đạt được mục tiêu phụ thuộc vào năng lực của những cá nhân có liên quan trong việc lập kế hoạch và tiến hành kiểm toán, bao gồm cả kiểm toán viên và quản lý nhóm kiểm toán. 

Thẩm quyền nên được đánh giá thông qua một quá trình xem xét hành vi cá nhân và khả năng áp dụng những kiến thức và kỹ năng đã đạt được qua quá trình đào tạo, kinh nghiệm làm việc, đào tạo kiểm toán viên và kinh nghiệm kiểm toán. Quá trình này cần tính đến nhu cầu của chương trình kiểm toán và các mục tiêu. 

Một số kiến thức và kỹ năng được mô tả trong ISO 19011 phổ biến với các kiểm toán viên của bất kỳ quy định hệ thống quản lý nào;  một số khác áp dụng riêng lẻ cho các quy định hệ thống quản lý cụ thể. Mỗi kiểm toán viên trong nhóm kiểm toán không cần thiết có cùng năng lực;  tuy nhiên, năng lực tổng thể của nhóm kiểm toán cần phải đủ để đạt được các mục tiêu kiểm toán. 

Nên nhớ rằng chức năng kiểm toán nội bộ không phải là lĩnh vực độc quyền của các kế toán viên. Chức năng kiểm toán nội bộ còn cần đến những kiến thức của các kỹ sư, nhà hóa học, các nhà khoa học và các chuyên gia về công nghệ thông tin.

Ở các quốc gia, nhà nước có quy định mang tính Luật pháp về kiểm toán nội bộ không? Tổ chức nào quy định và hướng dẫn về kiểm toán nội bộ?

Có một số yếu tố dẫn đến sự tồn tại bắt buộc của chức năng kiểm toán nội bộ.  Ví dụ trong khu vực kinh tế tư nhân, các sàn giao dịch chứng khoán lớn như NYSE hoặc ASX đều yêu cầu các công ty niêm yết phải có các chức năng kiểm toán nội bộ hiệu quả như một phần của cấu trúc quản trị. 

Ở khu vực kinh tế công, như ở Úc, chức năng kiểm toán nội bộ đã được uỷ nhiệm theo một số điều lệ hoặc quy định từ cuối những năm 1980, ví dụ như chỉ đạo thường trực của Bộ trưởng Bộ Tài chính ở Chính phủ bang Victoria. Tôi cho rằng dường như có sự sắp xếp tương tự ở hầu hết các quốc gia lớn trên thế giới.