Quản trị tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

PV.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm. Trong đó, có một số điểm mới đáng chú ý về quản trị tài chính của doanh nghiệp (DN) bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, DN môi giới bảo hiểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quản trị tài chính như thế nào?

Theo quy định tại Thông tư số 50/2017/TT-BTC, kể từ ngày 1/7/2017, DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, DN môi giới bảo hiểm thực hiện việc quản trị tài chính theo quy định tại Điều 81 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, DN môi giới bảo hiểm tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về quản lý giám sát hoạt động tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ, cam kết của mình theo quy định pháp luật; Thực hiện công tác quản trị tài chính theo các nguyên tắc, chuẩn mực do Bộ Tài chính quy định; và Xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện quy chế tài chính, quy chế đầu tư, quy chế kiểm soát và kiểm toán nội bộ và các quy trình thủ tục tương ứng.

Ngoài ra, công tác quản trị tài chính cần thực hiện các quy định sau:

Thứ nhất, xây dựng các quy chế tự quản lý, giám sát bao gồm quy chế tài chính, quy chế đầu tư và các quy trình thủ tục tương ứng của DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, DN môi giới bảo hiểm, bảo đảm:

- Tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về tài chính đối với DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, DN môi giới bảo hiểm.

- Kiểm soát, hạn chế và phòng ngừa rủi ro về tài chính đối với DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, DN môi giới bảo hiểm; bảo đảm kỳ hạn giá trị tài sản đầu tư tương xứng với trách nhiệm bảo hiểm, các khoản nợ phải trả và đặc thù rủi ro của DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài;

- Xác định rõ trách nhiệm của người quản trị, điều hành DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, DN môi giới bảo hiểm và các nhân viên, đại lý có liên quan.

Thứ hai, tổ chức thực hiện các quy chế tự quản lý, giám sát và định kỳ, đột xuất kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy chế này trong nội bộ DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, DN môi giới bảo hiểm.

Thứ ba, các quy chế tự quản lý, giám sát; các báo cáo định kỳ và đột xuất giám sát việc thực hiện các quy chế này và các báo cáo xử lý các trường hợp vi phạm phải được lưu trữ đầy đủ bằng văn bản để phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra và quản lý giám sát DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, DN môi giới bảo hiểm.

Thứ tư, HĐQT (Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty), Tổng Giám đốc (Giám đốc) DN bảo hiểm, Giám đốc chi nhánh nước ngoài có trách nhiệm giải trình các vấn đề tài chính liên quan theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Các nhiệm vụ để đảm bảo an toàn tài chính DN

Theo Thông tư số 50/2017/TT-BTC, để đảm bảo an toàn tài chính DN, DN bảo hiểm nhân thọ, DN bảo hiểm sức khỏe phải sử dụng chuyên gia tính toán đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 31 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP để thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tính toán phí bảo hiểm và tham gia xây dựng quy tắc, điều khoản của các sản phẩm bảo hiểm; xác nhận phí bảo hiểm được xây dựng trên số liệu thống kê, đảm bảo tính khả thi về kinh tế, kỹ thuật của sản phẩm và khả năng thanh toán của DN bảo hiểm; hàng năm đánh giá chênh lệch giữa các giả định tính phí so với thực tế triển khai của từng sản phẩm.

- Tính toán việc trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

- Tham gia thực hiện việc tách quỹ và tính toán phân chia thặng dư hàng năm của quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm trên cơ sở công bằng, hợp lý và tuân thủ pháp luật. Cuối năm tài chính, chuyên gia tính toán lập báo cáo bằng văn bản về kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó có báo cáo riêng về tách quỹ chia lãi, đề xuất số lãi chia cho từng chủ hợp đồng để cấp có thẩm quyền của DN quyết định (quy định này chỉ áp dụng cho DN bảo hiểm nhân thọ).

- Định kỳ hàng tháng, đánh giá khả năng thanh toán của DN bảo hiểm nhân thọ, DN bảo hiểm sức khỏe và xác nhận vào báo cáo khả năng thanh toán gửi Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật.

- Định kỳ hàng quý và hàng năm, báo cáo bằng văn bản cho HĐQT (Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty), Tổng Giám đốc (Giám đốc) về thực trạng tình hình tài chính, dự báo tình hình tài chính tương lai của DN; tình hình hoạt động đầu tư của DN trong đó nêu các rủi ro phát sinh và đề xuất về tài sản đầu tư, thời hạn đầu tư của từng loại tài sản đảm bảo tương xứng giữa thời hạn của tài sản đầu tư với các trách nhiệm đã cam kết theo hợp đồng bảo hiểm.

- Báo cáo kịp thời bằng văn bản cho Tổng Giám đốc (Giám đốc), HĐQT (Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty) về mọi vấn đề bất thường có khả năng ảnh hưởng bất lợi tới tình hình tài chính của DN và đề xuất biện pháp khắc phục. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của DN bảo hiểm, chuyên gia tính toán phải báo cáo trực tiếp Bộ Tài chính.

- Đánh giá chương trình tái bảo hiểm và các hợp đồng tái bảo hiểm trước khi trình Tổng Giám đốc (Giám đốc), HĐQT (Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty) phê duyệt.

- Các nhiệm vụ khác để đảm bảo an toàn tài chính cho DN.

Đồng thời, định kỳ hàng năm, trong thời hạn chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, chuyên gia tính toán báo cáo Bộ Tài chính về các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ của mình theo Mẫu báo cáo số 13-NT (đối DN bảo hiểm nhân thọ), Mẫu báo cáo số 10-SK (đối với DN bảo hiểm sức khỏe) ban hành kèm theo Thông tư này.

Dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán

Thông tư số 50/2017/TT-BTC quy định, để đảm bảo an toàn tài chính DN, DN bảo hiểm phi nhân thọ, DN tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải sử dụng chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 32 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP để thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tính toán phí bảo hiểm và tham gia xây dựng quy tắc, điều khoản của các sản phẩm bảo hiểm, tái bảo hiểm, xác nhận phí bảo hiểm được xây dựng dựa trên số liệu thống kê, đảm bảo tính khả thi về kinh tế, kỹ thuật của sản phẩm và khả năng thanh toán của DN bảo hiểm phi nhân thọ, DN tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, hàng năm đánh giá chênh lệch giữa các giả định tính phí so với thực tế triển khai của từng sản phẩm.

- Tính toán việc trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

- Tham gia thực hiện tách nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm phù hợp với quy định pháp luật.

- Đánh giá tình hình chi bồi thường của DN bảo hiểm phi nhân thọ, DN tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.

- Định kỳ hàng quý tính toán khả năng thanh toán của DN bảo hiểm phi nhân thọ, DN tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài và xác nhận vào báo cáo khả năng thanh toán gửi Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật.

- Báo cáo kịp thời bằng văn bản cho Tổng Giám đốc (Giám đốc), HĐQT (Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty) về mọi vấn đề bất thường có khả năng ảnh hưởng bất lợi tới tình hình tài chính của DN bảo hiểm phi nhân thọ, DN tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của DN, chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán phải báo cáo trực tiếp Bộ Tài chính.

- Đánh giá chương trình tái bảo hiểm và các hợp đồng tái bảo hiểm trước khi trình Tổng Giám đốc (Giám đốc), HĐQT (Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty) phê duyệt.

- Các nhiệm vụ khác để đảm bảo an toàn tài chính cho DN.

Bên cạnh đó, định kỳ hàng năm, trong thời hạn chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán báo cáo Bộ Tài chính về các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ của mình theo Mẫu báo cáo số 13-PNT ban hành kèm theo Thông tư này.