Kinh tế năm 2017: Nhiều “cửa ra” nhưng cần thận trọng!
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - dư địa phát triển tích cực của kinh tế năm 2016 sẽ tiếp tục được phát huy trong năm 2017. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần nắm vững môi trường vĩ mô để hoạch định chiến lược kinh doanh, xác định khả năng mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất và tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động…
Những điểm nhấn kinh tế năm 2016
Về điểm nhấn kinh tế quan trọng nhất trong năm 2016, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, khẳng định, đó là, lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, Đảng ta đã chính thức công nhận kinh tế tư nhân là động lực.
Phân tích sâu hơn, ông Dũng cho rằng, đây là sự chuẩn bị quan trọng về mặt tâm thế, dự kiến chính sách, cách thức đối xử và là sự thay đổi phương thức tư duy kinh tế của Đảng để nhìn nhận rõ động lực chủ sở hữu trong kinh tế đất nước.
Điểm nhấn thứ hai, theo ông Dũng, dù sau tháng 7/2016, bộ máy Chính phủ mới hình thành, nhưng thông điệp và hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện nhất quán quan điểm phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân.
Hệ quả thiết thực nhất là môi trường kinh doanh được cải thiện rõ nét không chỉ qua việc Ngân hàng Thế giới đã đánh giá môi trường kinh doanh của nước ta tăng 9 bậc (82/190 nước) mà cụ thể hơn thông qua việc cải cách hành chính, giảm chi phí thời gian, nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh.
Và, từ quan điểm nhất quán đó, năm 2016, trước sức ép rất lớn từ việc đồng USD tăng giá; áp lực tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao; những tin đồn về việc Việt Nam sẽ đổi tiền... đến những biến động kinh tế, chính trị trong khu vực và trên thế giới, song, Chính phủ đã linh hoạt, hiệu quả trong điều hành kinh tế, đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định.
Một trong những điểm nhấn quan trọng nữa, theo ông Dũng, là phong trào khởi nghiệp được Chính phủ thật sự quan tâm thông qua việc xây dựng môi trường, giúp hình thành “hệ sinh thái” khởi nghiệp.
Về những động lực cho phát triển kinh tế năm 2017, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, những tác động tích cực trong kinh tế năm 2016 sẽ tiếp tục được phát huy trong năm nay. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và vẫn sẽ là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài với đánh giá nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng cao. Cùng với đó, thu nhập trung bình của người dân tăng trưởng mạnh; giá trị gia tăng trong xuất khẩu ngày càng nâng cao... cũng sẽ là những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2017.
Hướng đi nào cho doanh nghiệp trong năm 2017
Để có thể tận dụng được cơ hội phát triển trong năm 2017, TS. Nguyễn Sĩ Dũng lưu ý, doanh nghiệp cần nắm vững môi trường vĩ mô để hoạch định chiến lược của mình; xác định khả năng mở rộng thị trường trước, mở rộng sản xuất sau; tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; tìm cách tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động…
Chi tiết hơn, ông Nguyễn Sĩ Dũng lý giải, Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao ở tất cả các địa phương trên cả nước.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu trình Thủ tướng các đề án về Quỹ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bảo hiểm nông nghiệp. Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành một gói tín dụng khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu, TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, khai thác thị trường ngách và ứng dụng khoa học công nghệ trên nền Internet sẽ là xu hướng tất yếu trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Gợi mở rõ hơn, ông Kiên đặt câu hỏi: “Tại sao các nước phát triển như Hoa Kỳ, các nước châu Âu vẫn luôn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và luôn có xuất siêu” và lý giải: “Những mặt hàng xuất khẩu của chúng ta vào các quốc gia này là những mặt hàng các quốc gia nhập khẩu không có thế mạnh”. Do đó, việc lựa chọn mặt hàng xuất khẩu phù hợp và tìm kiếm thị trường ngách là con đường ngắn nhất đảm bảo thành công của doanh nghiệp Việt trong năm nay.
Về xu hướng mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, TS. Kiên cho rằng, nó sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện trên các khía cạnh chủ yếu của nền kinh tế mỗi quốc gia, từ cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động… Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này.
Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng, các doanh nghiệp Việt cũng cần lưu ý, trong khi tiềm lực tài chính, nhân lực chưa đủ mạnh thì trước hết vẫn nên lựa chọn đầu tư vào những lĩnh vực mà máy móc, thiết bị, công nghệ... không thể thay thế con người. “Nhưng đó phải là những con người được đào tạo” - ông Kiên nói.