Tỉnh Bến Tre:
Kinh tế nông nghiệp từng bước phục hồi, phát triển
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre việc thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh với 7 nhiệm vụ trọng tâm, tình hình phục hồi và phát triển kinh tế sau hơn 1 tháng vừa qua là rất tốt, tuy còn những khó khăn, vướng mắc nhất định.
Trồng trọt, chăn nuôi
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre thời gian qua, sản xuất nông nghiệp (NN) có dấu hiệu phục hồi và phát triển nhanh. Vụ lúa Thu Đông năm 2021 đã xuống giống khoảng 10.559ha, đạt 100% kế hoạch.
Phần lớn diện tích lúa đang trong giai đoạn mạ, thời tiết thuận lợi nên cây lúa phát triển tốt. Riêng vụ lúa Mùa năm 2022 thuộc vùng tôm - lúa, các huyện có canh tác đã xuống giống khoảng 5.027ha, đạt 100,54% kế hoạch, phần lớn diện tích đang giai đoạn đẻ nhánh, lúa phát triển tốt.
Cây dừa có tổng diện tích khoảng 74.857ha, tăng 1,17% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước 53,21 triệu trái, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Hiện có khoảng 635,35ha dừa bị sâu đầu đen gây hại, tăng 9,8ha so với tháng trước; 4.630ha nhiễm bọ dừa, giảm 34ha. Ngành NN tích cực triển khai các biện pháp để xử lý sâu gây hại, nhất là sâu đầu đen.
Cây ăn trái có khoảng 26.460ha, sản lượng thu hoạch trong tháng đạt 21.802 tấn, tăng 3,75% so với cùng kỳ, tăng chủ yếu ở nhóm cây xoài, sầu riêng, mít, chanh, bưởi. Nuôi bò tiếp tục phát triển do giá cả ổn định, tổng đàn hiện có 236.015 con, tăng 3,69% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 2.246 tấn, tăng 3,5%, lũy kế 10 tháng đạt 23.853 tấn, tăng 13,34% so với cùng kỳ.
Nuôi thủy sản tương đối ổn định, diện tích nuôi trong tháng 10-2021 ước 495ha, giảm 73,7% so với cùng kỳ, lũy kế 10 tháng đạt 45.998ha, tăng 1,82% so với cùng kỳ, đạt 97,87% kế hoạch; sản lượng thu hoạch 30.928 tấn, tăng 1,34% so với cùng kỳ, lũy kế 10 tháng 221.400 tấn. Trong đó, nuôi tôm biển trong tháng ước đạt 175ha, giảm 82,4%, lũy kế 35.313ha, tăng 1,89%; sản lượng thu hoạch ước 9.625 tấn, lũy kế 60.305 tấn, tăng 10,48% so với cùng kỳ.
Sản xuất hoa kiểng
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh, huyện đã triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, chủ yếu là phát triển NN. Trong đó, lượng cây giống trong năm sản xuất khoảng trên 20 triệu cây, nhưng do tình hình dịch COVID-19 nên lượng tiêu thụ có giảm đáng kể, hiện nay còn khoảng 4 triệu cây giống. Đây cũng là khó khăn của huyện.
Riêng về cây ăn trái, do đã phục hồi sau hạn mặn năm 2020 nên sản lượng khá cao, đến thời điểm này đạt 94.500 tấn các loại, nếu so với cùng kỳ tăng 4%. Về tiêu thụ sản lượng trái cây, nếu như trong thời điểm tập trung phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn, giá cả có xuống thấp, thì hiện nay thị trường đã trở lại bình thường, giá cả một số mặt hàng trái cây có tăng cao, như sầu riêng, bưởi da xanh.
“Sản xuất hoa kiểng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Năm 2021, huyện sản xuất trung bình khoảng 8 triệu hoa kiểng các loại. Năm nay do tình hình dịch bệnh, đánh giá của huyện là sẽ có khả năng giảm sản lượng tiêu thụ. Do vậy, huyện đã chủ động khuyến cáo bà con giảm sản lượng để không xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu. Trong đó đặc biệt chú trọng đến các loại hoa nở. Dự kiến năm nay huyện sản xuất trên dưới 6 triệu hoa kiểng”, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh cho biết thêm.
Hiện huyện Chợ Lách tập trung công tác phòng chống dịch cùng với công tác phòng chống tiên tai, hạn mặn. Đang triển khai thi công các công trình cống đập, đã giải ngân vốn hơn 80% khối lượng. Huyện cũng đã kiến nghị với tỉnh tiếp tục hỗ trợ huyện với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm để đảm bảo công tác phòng chống hạn mặn hiệu quả.
Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Lê Văn Nhân cho biết, tình hình dịch bệnh đã tác động đến sản xuất, đời sống của người dân nhưng hiện nay đã cơ bản phục hồi. Trong công tác phòng chống hạn mặn, thực hiện theo kế hoạch của tỉnh cũng như dự báo của Đài Khí tượng khu vực phía Nam và dự báo của ngành NN, đến thời điểm này, huyện cũng đã hoàn chỉnh kế hoạch phòng chống hạn mặn mùa khô 2021-2021 với 2 kịch bản. Trong đó có 1 kịch bản năm 2015-2016 và 1 kịch bản năm 2019-2020.
Kết nối tiêu thụ nông sản
Tại huyện Mỏ Cày Bắc, tác động của dịch COVID-19, tình hình chăn nuôi heo gặp nhiều khó khăn do giá cả xuống quá thấp. Hiện nay giá heo dần tăng lên, làm người nuôi yên tâm hơn. Vừa qua, trên địa bàn huyện xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi ở xã Phước Mỹ Trung, ngành chức năng đã tiến hành xử lý đúng quy định.
Đối với cây dừa bị sâu đầu đen gây hại, huyện tổ chức khoanh vùng và bước đầu xử lý được. Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc Phạm Thanh Truyền cho biết: Hiện khó khăn của huyện là tiêu thụ cây giống, hoa kiểng trong mùa Tết này. Do đó, huyện cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo hỗ trợ quyết liệt hơn.
Theo Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Võ Văn Út, thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, huyện đã tổ chức triển khai bước đầu đạt kết quả khả quan. Lĩnh vực sản xuất NN, huyện đã triển khai phương án hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ sản phẩm, liên kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp hỗ trợ đầu ra cho nông dân, không để ứ đọng hàng nông sản kéo dài. Về chăn nuôi, việc tái đàn nuôi heo trong các hộ dân rất thuận lợi. Huyện tập trung công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn.
Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho biết: Huyện đã tổ chức triển khai đúng tinh thần kế hoạch, thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế trên địa bàn. Đồng thời, thành lập các tiểu ban phục hồi để tháo gỡ các khó khăn cho người dân. Các dịch vụ thu mua hàng nông, thủy sản được tổ chức lại khá tốt, không còn tình trạng ứ đọng kéo dài như thời gian qua. Huyện cũng đang triển khai kế hoạch nuôi 1.500ha tôm công nghệ cao; đã thả nuôi 180ha, đa số các hộ nuôi đạt kết quả rất cao.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức: “Ngành nông nghiệp đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người dân. Thực hiện tốt bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, nhất là các mặt hàng nông sản thiết yếu. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng. Tăng cường xúc tiến thương mại, thương mại điện tử để tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông thủy sản. Chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa bão và thông tin kịp thời tình hình thời tiết cho người dân để chủ động sản xuất. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản, ưu tiên xử lý sâu đầu đen hại dừa, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, nhằm quyết tâm bảo vệ thành quả sản xuất trong hơn 2 tháng còn lại của năm 2021”.