Kinh tế thế giới năm 2021 và kịch bản năm 2022


Năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, sức khoẻ và cuộc sống người dân. Thế giới đã phải thay đổi để thích nghi trước sự bùng phát của đại dịch. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế thế giới đã có sự phục hồi mạnh mẽ cho dù chưa thực sự vững chắc. Vắc xin phòng chống COVID-19 được sản xuất và đưa vào sử dụng; các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng hoặc bãi bỏ; các chính sách kích cầu được thiết kế và triển khai; chuỗi cung ứng được khôi phục đã thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những rủi ro và thách thức cho nền kinh tế thế giới phía trước vẫn còn rất lớn, đặt nền kinh tế thế giới trước sự bất định khó lường trong năm 2022.

Kinh tế thế giới phục hồi trong năm 2021

Đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, đầu tư của thế giới nói chung và nhiều nền kinh tế lớn, nhỏ nói riêng. Tăng trưởng kinh tế thế giới đã giảm từ 2,8% năm 2019 xuống mức âm 3,1% năm 2020. Tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm mạnh từ 2,3% năm 2019 xuống còn -3,4% năm 2020; tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm từ 1,5% năm 2019 xuống còn -6,3% năm 2020; và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm từ 6% năm 2019 xuống còn 2,3% năm 2020.

Bước sang năm 2021, nền kinh tế thế giới đã có bước phục hồi đáng kể. Điều này là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân, cụ thể:

Thứ nhất, nhiều tập đoàn dược phẩm đã sản xuất được vaccine phòng chống COVID-19 và phần lớn các quốc gia trên thế giới đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn ở các lứa tuổi khác nhau. Các quốc gia phát triển (Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…) có tỷ lệ người trưởng thành tiêm vaccine ở mức cao nên tác động của dịch bệnh COVID-19 đến sức khỏe và tâm lý người dân cũng bắt đầu suy giảm.

Thứ hai, tỷ lệ tiêm chủng gia tăng, tác động của dịch bệnh COVID-19 suy giảm, giúp nhiều quốc gia đã dỡ bỏ giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất-kinh doanh, tiêu dùng người dân dần quay trở lại trạng thái bình thường.

Thứ ba, sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ vào đầu năm 2020 và ảnh hưởng đến phương thức sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp và người dân đã thực hiện chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng từ tương tác trực tiếp sang tương tác gián tiếp. Thời gian đầu, chi phí chuyển đổi phát sinh và thay đổi phương thức tương tác còn gặp ít nhiều khó khăn, nhưng sau đó chi phí giảm dần và người dân quen dần với phương thức tương tác mới, dẫn đến các hoạt động trở lại bình thường.

Thứ tư, cú sốc COVID-19 tác động tiêu cực lên nền kinh tế, làm suy giảm đầu tư, sản xuất và tiêu dùng khiến Chính phủ nhiều nước (Mỹ, Trung Quốc…) đã thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như chính sách tiền tệ nới lỏng và tài khóa mở rộng vào năm 2020 và 2021, điều này góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi nền kinh tế từ năm 2021.

Với các lý do nêu trên, tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và của nhiều nền kinh tế nói riêng đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021. Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (tháng 10/2021), tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 5,9% năm 2021 và các nền kinh tế lớn cũng có sự tăng trưởng kinh tế ở mức cao vào năm 2021 như Mỹ (6%), EU (5%), Trung Quốc (8%).

Rủi ro và thách thức cho nền kinh tế thế giới trong năm 2022

Mặc dù nền kinh tế thế giới trong năm 2021 đã phục hồi so với năm 2020 do việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, vaccine phòng chống COVID-19 đã nhanh chóng được đưa vào sử dụng, các gói kích cầu nền kinh tế được triển khai, chuỗi cung ứng đã được khôi phục… Tuy nhiên, nhiều rủi ro vẫn hiện hữu có thể đe doạ sự phục hồi nền kinh tế thế giới. Cụ thể:

Thứ nhất, rủi ro lạm phát đang ngày một lớn dần. Năm 2021, do nền kinh tế thế giới có sự khởi sắc và các gói kích thích nền kinh tế lớn được triển khai, giá nguyên nhiên vật liệu thế giới nói chung và giá dầu nói riêng có xu hướng tăng, đẩy lạm phát nhiều nước gia tăng. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng ở mức cao. CPI của Mỹ tháng 10/2021 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất trong hơn 30 năm qua (kể từ năm 1990). Tương tự, lạm phát tháng 11/2021 của 19 nước sử dụng đồng Euro đạt 4,9%, là mức cao nhất kể từ năm 1997 (Hà Thu, 2021). Lạm phát của Trung Quốc cũng có sự gia tăng mạnh mẽ trong năm 2021. Như vậy, nỗi lo lạm phát đang lớn dần trong nền kinh tế thế giới, đe doạ sự ổn định và phục hồi tăng trưởng năm 2022.

Thứ hai, các biện pháp phòng vệ thương mại thế giới đang có xu hướng gia tăng. Đứng trước tác động của đại dịch COVID-19, nhiều nước đã thực hiện gói kích thích nền kinh tế nhằm hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp, người dân vượt qua những khó khăn của đại dịch. Tuy nhiên, để gói kích cầu đem lại lợi ích lớn nhất cho nền kinh tế nội địa, tránh sự “rò rỉ” của gói kích cầu, các nước thường đề ra các quy định hay các biện pháp phòng vệ thương mại. Trên thực tế, đến hết quý II/2021, đã có 207 vụ việc phòng vệ thương mại do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019. Trong đó, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên (Thu Hoà, 2021). Có thể thấy, xu hướng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại có nhiều yếu tố ảnh hưởng, nhưng trong bối cảnh các quốc gia thực hiện gói kích cầu, động lực gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ càng mạnh mẽ hơn.

Thứ ba, bong bóng tài sản trên phạm vi toàn cầu có xu hướng phình to, đe doạ đến nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế toàn cầu. Vào các tháng đầu năm 2021, cho dù nền kinh tế thế giới đang chống chọi với sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, bong bóng nhiều loại tài sản vẫn hình thành và phình to. Giá nguyên liệu, bitcoin, cổ phiếu đều có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Điều này đặc biệt nguy hại hơn nữa khi các quốc gia đều đưa ra gói kích thích nền kinh tế nhưng sức hấp thụ dòng tiền vào hoạt động sản xuất thực yếu sẽ làm dòng tiền chảy vào nền kinh tế “ảo”, tạo nên bong bóng tài sản. Sự hình thành và phình to của bong bóng tài sản thường kết thúc bằng việc vỡ bong bóng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Thứ tư, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh và mạnh sang nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù có những đánh giá khá lạc quan rằng, vaccine phòng chống COVID-19 hiện nay vẫn hiệu quả đối với biến thể mới và biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh nhưng tác động không quá nghiêm trọng đối với người mắc; tuy nhiên, điều này dẫn đến những cảnh báo khác như: các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể vẫn tiếp tục được sản sinh và đe doạ đến sức khoẻ thể chất, tinh thần của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đầu tư của nền kinh tế toàn cầu...

Các kịch bản kinh tế thế giới năm 2022

Những thách thức và rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế thế giới năm 2022 cho thấy sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu vẫn rất bấp bênh. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (tháng 10/2021), tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 sẽ đạt 4,9%; các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng có tốc độ tăng trưởng ở mức dương (Mỹ: 5,2%; khu vực đồng Euro: 4,3%; Trung Quốc: 5,6%; Nhật Bản: 3,2%).

Kinh tế thế giới năm 2021 và kịch bản năm 2022 - Ảnh 1

Dự báo của IMF về triển vọng kinh tế thế giới năm 2022 là tương đối lạc quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể diễn ra theo nhiều cách thức, kịch bản khác nhau. Từ kết quả phân tích, đánh giá về triển vọng kinh tế thế giới 2022, tác giả đưa ra các kịch bản kinh tế thế giới 2022 như sau:

Kịch bản 1: Nếu các gói kích thích kinh tế của các nước được triển khai, các biện pháp phòng vệ thương mại giảm thiểu, biến thể mới của virus SARS-nCoV-2 không trở nên nguy hại đối với nền kinh tế thì khả năng sự phục hồi nền kinh tế thế giới theo hình chữ V là rất cao. Có nghĩa là, triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tương sáng và tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, với kịch bản tăng trưởng này, rủi ro lạm phát và bong bóng tài sản vẫn sẽ hiện hữu, đe doạ đến ổn định kinh tế vĩ mô và sự phục hồi vững chắc nền kinh tế thế giới.

Kịch bản 2: Các gói kích thích kinh tế của các nước được triển khai nhưng đồng thời các vấn đề tiềm ẩn lạm phát, bong bóng tài sản...) như đã nêu trên bùng nổ, khi đó quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới sẽ đi theo hình chữ U, thậm chí là chữ L. Nói cách khác, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ rất chật vật, khó khăn và đầy thách thức. Quá trình này có thể sẽ kéo dài nếu các vấn đề và rủi ro tiềm ẩn không được xử lý.

Kết luận

Sau 2 năm chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 được đánh giá ở mức cao hơn rất nhiều so với năm 2020. Tuy nhiên, những rủi ro và thách thức tiềm ẩn vẫn còn rất lớn ở phía trước. Rủi ro lạm phát gia tăng, các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều hơn, bong bóng tài sản phình to và biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng đang diễn biến khó lường. Nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi bền vững. Tuy nhiên, nếu các vấn đề tiềm ẩn nêu trên bùng phát, quá trình phục hồi nền kinh tế toàn cầu có thể theo mẫu hình chữ U, thậm chí chữ L, có nghĩa giai đoạn khó khăn nền kinh tế toàn cầu sẽ bị kéo dài hơn.

Kinh tế thế giới năm 2021 và kịch bản năm 2022 - Ảnh 2

Liên hệ đến nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng gần giống với mẫu hình tăng trưởng kinh tế của thế giới nói chung, có nghĩa là tăng trưởng giảm mạnh vào năm 2020. Tuy nhiên, khác với mẫu hình tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục giảm hơn vào năm 2021 do làn sóng Covid-19 thứ 3 và thứ 4 đã tác động tiêu cực đến sự phục hồi của nền kinh tế.

Năm 2022, rủi ro dịch bệnh Covid-19 có thể không còn nguy hiểm như năm 2021 khi mà nền kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng đã có những điều chỉnh thích ứng. Bên cạnh đó, việc đưa vaccine phòng ngừa Covid-19 vào tiêm phòng mở rộng, các nghiên cứu vaccine đang có tiến triển tích cực và những giải pháp giúp phục hồi nền kinh tế đang dần có hiệu quả sẽ giúp nền kinh tế phục hồi so với năm trước.

Tựu chung, thế giới bước vào năm 2022 sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức nhưng bên cạnh đó cũng nhiều cơ hội tiềm năng khi các quốc gia cùng hợp tác để chia sẻ và phân phối vaccine, cùng phối hợp để thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa và cùng mở cửa nền kinh tế thay vì bảo hộ qua các hàng rào kỹ thuật. Tốc độ phục hồi kinh tế là khác nhau giữa các nền kinh tế trên thế giới. Quốc gia nào có các biện pháp chống lại sự lây lan và sức tàn phá của dịch bệnh, có các chính sách giúp nền kinh tế phục hồi hiệu quả, nền kinh tế của quốc gia đó sẽ có sức bật mạnh mẽ.

(*) ThS. Trần Thị Mai Thành - Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam/Bài đăng trên Tap chí Tài chính Kỳ 1+2 - Tháng 01/2022