Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên:
Kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực
(Tài chính) Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015 tổ chức chiều 2/3/2015, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, tình hình kinh tế tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2015 ổn định, tiếp tục chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực.
Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm nhưng các ngành chức năng đều nhận định không hề có tín hiệu giảm phát… Cân đối xuất nhập khẩu, thu - chi ngân sách nhà nước vẫn bảo đảm, dù giá dầu giảm nhưng tăng trưởng kinh tế đã bù lại.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, CPI tháng 2/2015 giảm 0,05% so với tháng trước. Trước đó, trong tháng 1, CPI cũng giảm 0,2% so với tháng 12/2014 và tăng 0,94% so với tháng 1/2014.
Người phát ngôn Chính phủ cho rằng, giá xăng dầu giảm liên tục là nguyên nhân chính khiến CPI tháng 2 giảm 0,05%, thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, trong đó chỉ có 3/11 nhóm hàng tăng giá, riêng nhóm hàng giao thông giảm giá tới 4,41% so với tháng trước sau đợt hạ giá xăng ngày 21/1 đã kéo CPI cả nước giảm.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 542,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 10,7%, cao hơn mức tăng 6,2% của cùng kỳ năm 2014.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, mặc dù CPI giảm nhưng sức mua của nền kinh tế tiếp tục tăng. Bởi tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm ước tăng 11,4%, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 10,7% cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (6,2%). Các ngành kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2/2015 tăng 7% so với cùng kỳ và tính chung 2 tháng đầu năm 2015 tăng 12% so với cùng kỳ tăng 5,4%.
Về thu – chi NSNN, tính chung 2 tháng đầu năm, tổng thu NSNN ước đạt gần 151,9 nghìn tỷ đồng, bằng 16,7% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2014; tổng chi NSNN ước đạt 172,2 nghìn tỷ đồng, bằng 15% dự toán, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Về xuất nhập khẩu, tính chung 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 23,01 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2014; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 23,07 tỷ USD, tăng 16,3%; nhập siêu khoảng 61 triệu USD, bằng 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về phương hướng trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Tại phiên họp Chính phủ lần này, Chính phủ có bàn về Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2014 để tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, giá cả bảo đảm, điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định, hài hòa…
Bảo đảm an toàn nợ công
Trả lời câu hỏi về việc tăng đầu tư công gắn với quản lý sử dụng kém hiệu quả là nguyên nhân làm cho nợ Chính phủ tăng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, trong điều kiện thu NSNN chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu cho đầu tư phát triển, việc vay nợ để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là cần thiết. Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình hình và giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công và bảo đảm an toàn nợ công.
Thời gian qua, đầu tư công đã góp phần quan trọng trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm an toàn nợ công. Hệ thống pháp luật về đầu tư công ngày càng được hoàn thiện theo hướng tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư công và kiểm soát chặt chẽ nợ xây dựng cơ bản.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Tích cực triển khai thực hiện Luật Đầu tư công gắn với kế hoạch đầu tư trung hạn; tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương; tăng cường theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra chương trình, dự án đầu tư công, nâng cao vai trò của giám sát cộng đồng, khắc phục tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời cơ cấu lại các khoản nợ vay; tăng cường huy động các nguồn vốn với lãi suất thấp hơn và thời hạn dài hơn để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội./