Kinh tế vĩ mô đạt kết quả kép
(Tài chính) Kinh tế vĩ mô ổn định, chuyển vị thế từ nhập siêu sang xuất siêu, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cao hơn… được coi là kết quả kép trong 6 tháng đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm, sự ổn định và cải thiện của kinh tế vĩ mô được nhận diện thông qua một số chỉ tiêu, dưới các góc độ khác nhau.
Thứ nhất, quan hệ giữa cung và cầu (thông qua quan hệ giữa sản xuất, tích lũy-đầu tư và tiêu dùng cuối cùng) được cải thiện.
Những năm từ 2011 trở về trước, tích lũy, đầu tư và tiêu dùng cuối cùng vượt xa so với sản xuất và GDP (có năm vượt trên 10% GDP); tỷ lệ đầu tư vượt xa so với tỷ lệ tích lũy (có năm trên 10% GDP). Đây là điều không tốt cho nền kinh tế do mất cân đối cung/cầu (cầu vượt xa cung); tích lũy (để dành) thấp hơn đầu tư nên phải đi vay, làm nợ công tăng nhanh; nhập siêu lớn; lạm phát cao và lặp đi lặp lại.
Từ năm 2012 đến nay, tốc độ tăng tích lũy, đầu tư, tiêu dùng cuối cùng thấp hơn tốc độ tăng GDP. Tỷ lệ tổng tích lũy và tiêu dùng cuối cùng thấp hơn trước. Đây là sự cải thiện quan trọng do giảm được mất cân đối cung/cầu; không gây áp lực cao về công nợ; không gây ra áp lực nhập siêu, thậm chí đã xuất siêu và quan trọng nhất là sự chuyển đổi tư duy theo chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ tăng trưởng theo số lượng sang chất lượng, tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP chỉ đạt 30,1%, thấp hơn tỷ lệ 30,4% của năm 2013. Tốc độ tăng thương mại bán lẻ đã loại trừ yếu tố giá thấp chưa bằng một nửa tốc độ tăng bình quân năm của thời kỳ 2006-2010. Đây là sự cải thiện quan trọng có tầm quan trọng hàng đầu.
MỘT SỐ CHỈ TIÊU LIÊN QUAN ĐẾN KINH TẾ VĨ MÔ 6 THÁNG (Đơn vị: %)
Chỉ tiêu |
Số liệu |
1. Tăng trưởng GDP |
5,18 |
2. Vốn đầu tư/GDP |
30,1 |
3. Tăng trưởng FDI thực hiện |
0,9 |
4. Tăng trưởng xuất khẩu |
14,9 |
5. Tăng trưởng nhập khẩu |
11,0 |
6. Tăng trưởng khách quốc tế |
21,1 |
7. Tăng trưởng thương mại bán lẻ (đã loại giá) |
5,7 |
8. Thu ngân sách/dự toán năm (đến 15/6) |
48,2 |
9. Chi ngân sách/dự toán năm (đến 15/6) |
44,6 |
10. CPI bình quân 6 tháng |
4,77 |
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê
Thứ hai, sự cải thiện của quan hệ cân đối có tầm quan trọng hàng đầu này đã góp phần cải thiện vị thế của Việt Nam trong quan hệ buôn bán với nước ngoài: Từ năm 2012 đã chuyển sang vị thế xuất siêu; 6 tháng đầu năm 2013 nhập siêu 0,55 tỷ USD, thì 6 tháng đầu năm 2014 xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Cán cân thương mại thặng dư, cộng với lượng ngoại tệ vào Việt Nam đạt khá (FDI giải ngân 5,75 tỷ USD, tăng 0,9%, ODA, kiều hối, chi tiêu của khách quốc tế tăng…), nên cán cân thanh toán quốc tế thặng dư lớn, đưa dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục mới (trên 35 tỷ USD), vừa làm tăng sức mạnh tài chính, tăng tính thanh khoản của quốc gia, ổn định tỷ giá (tỷ giá sau 6 tháng chỉ tăng 0,57% và bình quân 6 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 0,73%). Điều này đã góp phần kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.
Thứ ba, do tỷ lệ so với dự toán năm và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của tổng thu ngân sách Nhà nước cao hơn của tổng chi ngân sách Nhà nước, nên tỷ lệ bội chi so với dự toán năm hiện thấp hơn tỷ lệ của tổng thu và tỷ lệ của tổng chi.
Thứ tư, mặt bằng lãi suất đã trở về với mức trước khủng hoảng, tốc độ tăng huy động cao hơn nhiều so với tốc độ tăng dư nợ tín dụng, góp phần cải thiện tính thanh khoản-một nội dung có tầm quan trọng hàng đầu đối với tính an toàn của từng tổ chức tín dụng và tính an toàn hệ thống.
Bên cạnh những kết quả tích cực, về kinh tế vĩ mô cũng có một số vấn đề đặt ra.
Đó là các quan hệ kinh tế vĩ mô được cân đối còn ở mức thấp; sự ổn định và cải thiện kinh tế vĩ mô mới bước đầu, chưa thật bền vững. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất để tăng trưởng bền vững, để cải hiện cán cân thương mại, để kiềm chế lạm phát… là hiệu quả và sức cạnh tranh, là chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động, trên cơ sở khoa học-công nghệ là động lực, giáo dục, đào tạo là chìa khóa.