Chứng khoán phái sinh: Thanh khoản hợp đồng tương lai giảm mạnh

Theo Duy Thái/Thời báo Tài chính Việt Nam

Các hợp đồng tương lai vẫn giữ được sắc xanh khi thị trường chứng khoán phái sinh đóng cửa phiên cuối tuần. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường phái sinh giảm sâu, khi mất mốc 100 nghìn hợp đồng/phiên.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, các hợp đồng tương lai đóng cửa phiên cuối tuần vẫn duy trì được đà tăng điểm, song mức tăng vừa phải, tăng từ +1,2 điểm đến +9,5 điểm. Tăng điểm cũng là trạng thái của chỉ số cơ sở, tuy nhiên mức tăng cũng không lớn, đạt +5,3 điểm.

Chứng khoán phái sinh: Thanh khoản hợp đồng tương lai giảm mạnh - Ảnh 1

Nỗ lực của bên Long vào cuối phiên giúp hợp đồng tháng 11 VN30F2111 tăng thêm +5,3 điểm, đạt 1.535,1 điểm. Mức tăng này lớn hơn chỉ số cơ sở, qua đó nâng mức khoảng cách chênh lệch dương lên 3,34 điểm. Khoảng cách chênh lệch dương cũng là trạng thái của hợp đồng VN30F2112 so với chỉ số cơ sở. Trong khi đó, hai hợp đồng dài hạn vẫn ở trạng thái chênh lệch âm.

Chứng khoán phái sinh: Thanh khoản hợp đồng tương lai giảm mạnh - Ảnh 2

Thanh khoản thị trường chứng khoán phái sinh giảm sâu, về dưới mốc 100 nghìn hợp đồng. Nguyên nhân không quá rõ nét, nhưng nhiều khả năng là dòng tiền tìm kiếm cơ hội nhiều hơn trên thị trường cơ sở. Theo đó, tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ đạt 97.181 hợp đồng, trong đó chủ yếu là từ hợp đồng VN30F2111. Khối lượng hợp đồng mở đạt 33.475 hợp đồng.

Theo các chuyên gia của SSI Research, trong trường hợp VN30 chinh phục thành công kháng cự gần 1.535 điểm với thanh khoản tốt, các lệnh Long nên được ưu tiên để gia tăng lợi nhuận; còn nếu VN30 phá vỡ hỗ trợ 1.515 điểm với khối lượng lớn, bên Short sẽ có nhiều lợi thế hơn để giao dịch. Trên đồ thị của hợp đồng VN30F2111, kháng cự gần của hợp đồng là vùng 1.538 – 1.540 điểm, trong khi hỗ trợ gần là khu vực 1.535 – 1.530 điểm.

Chứng khoán phái sinh: Thanh khoản hợp đồng tương lai giảm mạnh - Ảnh 3

Trên thị trường chứng khoán cơ sở, VN30 tiếp tục giằng co rung lắc trong phiên giao dịch cuối tuần. Chỉ số đóng cửa trên tham chiếu, đạt 1.531,76 điểm (+0,23%) với động lực chính đến từ GAS khi đại diện của ngành Dầu khí tăng mạnh +4,5%. VN30 hình thành nến Doji, tiếp tục xây nền tích lũy đi cùng với sự thu hẹp của thanh khoản. Khối lượng giao dịch trong phiên giảm xuống mức 156,5 triệu đơn vị.

Chỉ số VN30 tăng 0,23% với khối lượng giao dịch giảm 9,3%, với việc không biến động quá nhiều về điểm số lẫn khối lượng giao dịch cho thấy trạng thái cân bằng của cung và cầu. Khả năng chỉ số VN30 vẫn sẽ tiếp tục đi lên hướng đến vùng đỉnh trước nằm tại 1.565 điểm./.