Hơn 100.000 tỷ đồng dành cho đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

PV.

Đến nay, đã có 8 ngân hàng thương mại đã đăng ký số vốn hơn 100.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp, nông thôn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đó là thông tin được công bố tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp tổ chức vào sáng 4/7/2017 tại Hà Nội.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế và là nhân tố thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững theo chủ trương của Chính phủ. NHNN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có chính sách cho vay khuyến khích phát triển công nghệ cao.

Tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2017, Chính phủ giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại Nhà nước, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 24/4/2017, NHNN đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Theo NHNN, tính đến nay, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đạt gần 32.339 tỷ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ (3.957 khách hàng cá nhân, 168 doanh nghiệp), trong đó cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 27.737 tỷ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ; riêng dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.602 tỷ đồng, không phát sinh nợ xấu.
Trong đó, một số ngân hàng có kết quả cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nổi bật như tại Ngân hàng TMCP Bắc Á đầu tư vào một số dự án lớn thuộc lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, chế biến gỗ, trồng rau và hoa trong nhà kính, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao, rau củ quả chất lượng cao và lúa chất lượng cao như dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung tại xã Nghĩa Đàn, Nghệ An; Ngân hàng TMCP Ngoại thương đầu tư vào các dự án sản xuất trứng sạch, lợn giống và chăn nuôi lợn, thức ăn chăn nuôi.
Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Tại Hội thảo, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) khẳng định, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trong thời gian gần đây đã được cải thiện rõ rệt. Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến cuối tháng 5/2017 đạt 1.148.070 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2016 (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế 7,06%), chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn bày tỏ, việc Chính phủ cam kết có một gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ và việc 8 ngân hàng thương mại đồng tình ủng hộ chủ trương của Chính phủ, dành gói tín dụng để cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với các chương trình cho vay khác đã mang đến nhiều hy vọng cho doanh nghiệp cũng như người dân làm nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, đây là chương trình không có sự hỗ trợ của Nhà nước nên việc cho vay phải đảm bảo đúng các quy định về tín dụng thương mại.