Lợi nhuận suy giảm, điều gì đang xảy ra với các "ông trùm" ngành đồ uống?

Theo Thanh Long/vietnamfinance.vn

Ba "ông trùm" ngành đồ uống Việt có niêm yết trên sàn chứng khoán là Sabeco, Habeco và Vinamilk đều suy giảm lợi nhuận trong quý III/2018...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Kết quả kinh doanh quý III/2018 của các "ông trùm" ngành đồ uống Việt có niêm yết trên sàn chứng khoán (Sabeco, Habeco, Vinamilk) đều có một điểm chung: lợi nhuận giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm lợi nhuận ở mỗi công ty mỗi khác.

Quý III/2018, "ông trùm" ngành bia Sabeco ghi nhận doanh thu thuần 8.562 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây không phải mức tăng tồi trong bối cảnh dư địa tăng thị phần có phần hạn hẹp, phần vì Sabeco đang dẫn đầu thị trường bia Việt, phần vì tăng trưởng bình quân ngành bia không cao.

Điểm đáng chú ý là, giá vốn hàng bán quý III của Sabeco tăng tới 13,1%, khiến lợi nhuận gộp giảm 12,5% xuống còn 1.859 tỷ đồng.

"Giá vốn hàng bán tăng do chi phí nguyên vật liệu tăng bởi giá malt, lon nhôm tăng", đại diện Sabeco lý giải.

Khá "may" cho Sabeco là quý vừa qua, công ty này ghi nhận doanh thu tài chính tăng 29% lên 173 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 6,8% xuống 663 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 6,7% xuống 182 tỷ đồng, phần nào bù đắp mức suy giảm khá mạnh của lợi nhuận gộp.

Kết thúc quý III, lợi nhuận trước thuế của Sabeco ở mức 1.275 tỷ đồng, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng suy giảm lợi nhuận nhưng đối thủ của Sabeco là Habeco trong tình thế "bi đát" hơn. Quý vừa qua, doanh thu thuần của công ty này giảm tới 18% xuống còn 2.440 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 23% xuống còn 613 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, Habeco liên tục mất thị phần vào tay các đối thủ, nhất là trên "mặt trận" miền Bắc, nguyên nhân quan trọng là do mạng lưới phân phối yếu, nên việc suy giảm doanh thu phần nào đã được dự báo trước. Tuy nhiên, mức giảm 18% là khá lớn.

Kết thúc quý III, Habeco ghi nhận lợi nhuận trước thuế 238 tỷ đồng, giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái, không chỉ do doanh thu thu giảm mà còn do chi phí quảng cáo tăng mạnh.

Một "ông trùm" đồ uống có niêm yết khác là Vinamilk ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn trong quý III, dù lợi nhuận tiếp tục suy giảm.

Cụ thể, quý III/2018, lợi nhuận trước thuế của Vinamilk đạt 3.033 tỷ đồng, giảm 5,87% so với quý III/2017.

Mặc dù lợi nhuận vẫn giảm trong quý vừa qua nhưng kết quả kinh doanh của Vinamilk vẫn có nhiều điểm cải thiện khá tích cực so với hai quý trước.

Thứ nhất, doanh thu thuần quý III/2018 của Vinamilk tăng 3,33% so với quý III/2017, cao hơn mức tăng 0,59% trong quý I và 2,65% trong quý II, cho thấy sức tiêu thụ sữa đã bật tăng trở lại.

Thứ hai, lợi nhuận gộp của Vinamilk đã tăng trở lại trong quý III/2018 với mức tăng 3,56%. Hai quý trước đó, lợi nhuận gộp của Vinamilk giảm so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt giảm 5,71% và 1,1% trong quý I và quý II/2018. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện lên mức 47,3%, từ mức 47,1% của quý II và 45,3% của quý I.

Thứ ba, mặc dù lợi nhuận trước thuế giảm gần 6% nhưng mức giảm này đã thấp hơn mức giảm của quý I và quý II, lần lượt 8,62% và 8,22%, cho thấy tình hình lợi nhuận đã có chiều hướng tốt lên.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế của Vinamilk giảm trong quý III/2018, dù lợi nhuận gộp tăng, chủ yếu là do chi phí bán hàng tăng mạnh, từ mức 2.980 tỷ đồng quý III/2017 lên 3.410 tỷ đồng, tương ứng mức tăng tới 14,4% (phần lớn do tăng khuyến mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ bán hàng).

Quý I và quý II/2018, chi phí bán hàng của Vinamilk chỉ tăng lần lượt 0,66% và 4,05% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phiên 1/11, quán tính tăng điểm cùng với ảnh hưởng tích cực từ diễn biến thị trường chứng khoán thế giới giúp các chỉ số khởi đầu phiên giao dịch khá tích cực. Tuy nhiên, lực bán chốt lời gia tăng tạo áp lực đẩy các chỉ số giảm dần về cuối phiên.

VN-Index chốt phiên giảm -6,8 điểm (-0,74%) xuống 907,96 điểm, áp lực chủ yếu đến từ VIC, GAS, VNM và TCB. Ngược lại, VHM (+3,9%) và BID (+2,9%) là động lực chính đóng góp hơn 3 điểm tăng cho chỉ số.

Trong khi đó, do thiếu vắng hai cổ phiếu này, chỉ số VN30 giảm mạnh hơn -13,85 điểm (-1,54%) xuống 887,72 điểm với 26 mã giảm và chỉ có 3 mã tăng điểm.

Tâm lý kém tích cực lan rộng khiến hầu hết các nhóm ngành đều giảm điểm trở lại bao gồm cả các nhóm chủ chốt như Ngân hàng, Bất động sản, Chứng khoán, Dầu khí. Số mã giảm điểm chiếm đa số, ngoại trừ một số cổ phiếu có thông tin tích cực hỗ trợ cho sự phục hồi như VHM, BVH, VEA, DXG với kết quả kinh doanh tích cực, BID với thông tin phát hành 17,65% cổ phần cho cổ đông chiến lược KEB Hana Bank của Hàn Quốc.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), VN-Index điều chỉnh giảm điểm sau phiên tăng mạnh trước đó với cây nến ngày là nến giảm có bóng nến trên và dưới, thân nến dài nhưng ngắn hơn nhiều so với cây nến liền trước. Thanh khoản đã giảm trở lại và ở mức thấp tương đương nền khối lượng giao dịch tuần cho thấy có sự tích lũy.

"VN-Index có khả năng sẽ dao động trong biên độ 900 – 920 điểm và duy trì trạng thái giằng co tích lũy trong một hai phiên sắp tới", SSI dự báo.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì cho rằng trong phiên kế tiếp, chỉ số VN-Index có thể lùi về vùng hỗ trợ 895-900 điểm. Tại vùng hỗ trợ này, chỉ số được kỳ vọng sẽ cho phản ứng hồi phục trở lại.

"Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng, thị trường có thể sẽ cần thêm thời gian tích lũy trước đi phát đi những tín hiệu rõ nét hơn về hướng đi kế tiếp", BVSC cho hay.