Áp dụng Nghị định số 65/2022/NĐ-CP:

Nhà đầu tư trái phiếu chưa chuyên nghiệp có bị ảnh hưởng?

PV.

Với việc áp dụng Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được quy định chặt chẽ hơn, khiến hoạt động phát hành riêng lẻ sẽ có sự thay đổi, chủ yếu giảm về quy mô. Tuy nhiên, với việc thu hút các định chế tài chính như doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí tự nguyện..., sẽ thay mặt nhà đầu tư cá nhân không chuyên đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả, chuyên nghiệp giúp điều tiết dòng vốn vào thị trường TPDN.

Các định chế đầu tư trung gian sẽ thay mặt nhà đầu tư cá nhân không chuyên đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả, giúp điều tiết dòng vốn vào thị trường TPDN.
Các định chế đầu tư trung gian sẽ thay mặt nhà đầu tư cá nhân không chuyên đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả, giúp điều tiết dòng vốn vào thị trường TPDN.

Với các quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/9/2022, các nhà đầu tư không chuyên buộc phải mua trái phiếu phát hành ra công chúng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán, hoặc chuyển sang mua chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư.

Trong báo cáo có tên “Đánh giá tác động của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP”, nhóm phân tích của FiinRatings cho rằng, việc đối tượng mua TPDN được quy định chặt chẽ hơn sẽ khiến hoạt động phát hành riêng lẻ sẽ có sự thay đổi, chủ yếu giảm về quy mô nhưng hướng đến việc đa dạng hóa chủ thể tham gia thị trường TPDN, bao gồm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, các định chế tài chính như doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí tự nguyện...

Cũng theo nhóm nghiên cứu của FiinRatings, các định chế đầu tư trung gian này sẽ thay mặt nhà đầu tư cá nhân không chuyên đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả, chuyên nghiệp giúp điều tiết dòng vốn vào thị trường TPDN.

Ngoài ra, việc khuyến khích các định chế tài chính phi ngân hàng này tăng tỷ trọng nắm giữ TPDN cũng là hình thức điều chỉnh thị trường phát triển theo hướng dài hạn khi các chiến lược của các quỹ này chủ yếu tập trung vào danh mục đầu tư có tính chất dài hạn, từ đó hạn chế được các rủi ro biến động thị trường ngắn hạn.

Đối với nhà đầu tư không chuyên đang nắm giữ dư nợ TPDN giao dịch trong khoảng thời gian Nghị định số 153/2020/NĐ-CP còn hiệu lực, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cũng bổ sung nội dung về các điều khoản chuyển tiếp nhằm đảm bảo quyền lợi của đối tượng này.

Trong đó, dư nợ TPDN phát hành trước khi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành sẽ tiếp tục lưu ký, giao dịch theo phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt, chấp thuận; dư nợ TPDN phát hành theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP thì thực hiện đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch theo quy định của Nghị định này, song đối tượng giao dịch được giới hạn giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp.