Nhiều doanh nghiệp nhà nước “sợ” lên sàn, còn doanh nghiệp tư nhân đủ sức lên sàn thì “phải đợi”?

Theo Quang Minh/Baophapluat.vn

“Về phương diện nào đó, đúng là nhóm các doanh nghiệp có vốn tư nhân có vẻ đang bị “thiệt thòi” hơn về điều kiện niêm yết so với doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa”, TS. luật Trần Đình Nhã, người có nhiều năm là đại biểu Quốc hội cũng như hoạt động trong lĩnh vực pháp chế và nghiên cứu về pháp lý, nguyên Phó trưởng Ban biên tập Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) nhận xét như vậy khi trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam.

Chưa bình đẳng về điều kiện

PV: Tính đến cuối tháng 9/2019, đã có hơn 2.100 doanh nghiệp (DN ) thuộc mọi thành phần kinh tế niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với tổng vốn hóa toàn thị trường vượt 5,6 triệu tỷ đồng, một bước tiến rất xa so với giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam mới đi vào hoạt động gần hai thập kỷ trước. Tuy nhiên, về điều kiện niêm yết chứng khoán, liệu các DN có vốn tư nhân đã “bình đẳng” với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa, theo đánh giá của ông?

Ông Trần Đình Nhã: Niêm yết chứng khoán được hiểu là quá trình định danh các chứng khoán đáp ứng đủ tiêu chuẩn được giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán. Về nguyên tắc, tất cả những chứng khoán đáp ứng đủ điều kiện thì đều có cơ hội như nhau trong việc giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán, tức là thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức.

Khi xét về điều kiện niêm yết chứng khoán tại sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi có đưa ra quy định, DN cần có ít nhất 2 năm (đối với Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, hoặc 1 năm (đối với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần tính đến thời điểm đăng ký niêm yết.

Tuy nhiên, quy định này lại được ngoại trừ đối với “DNNN cổ phần hóa gắn với niêm yết”. Theo đó, có thể hiểu rằng, các DNNN khi cổ phần hóa nếu đáp ứng đủ các điều kiện về vốn, về lợi nhuận… sẽ được quyền niêm yết ngay mà không cần phải đợi đủ thời gian hoạt động tối thiểu là 1 năm dưới hình thức công ty cổ phần.

Cho nên, tôi cho rằng về phương diện nào đó, đúng là nhóm các DN có vốn tư nhân có vẻ đang bị “thiệt thòi” hơn về điều kiện niêm yết so với DNNN sau cổ phần hóa.

PV: Nhưng về phía DNNN sau cổ phần hóa, còn tới hàng trăm DN vẫn “chưa chịu” lên sàn, theo danh sách được công bố cuối năm 2018 của Bộ Tài chính. Cụ thể là tính tới ngày 15/11/2018, vẫn còn 667 DNNN  đã cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Có rất nhiều lý do được các DN đưa ra để giải thích cho sự chậm trễ mà đa phần là đổ lỗi cho khách quan. Nhiều DN cũng đã bị xử phạt do không thực hiện đăng ký giao dịch theo quy định. Ông bình luận như thế nào về thực tế này?

Ông Trần Đình Nhã: Như tôi đã nêu, việc một DN niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải phụ thuộc DN đó có đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn hay không. Đối với nhóm các DNNN cũng vậy. Đặc biệt, thực trạng các DNNN hoạt động chưa được hiệu quả là thực tế không thể phủ nhận, có nhiều DNNN đã và đang trong tình trạng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, lỗ lũy kế trên vốn điều lệ cao, nợ ngân hàng lớn, hoặc đang trong quá trình giải quyết hậu quả sai phạm phát hiện trong thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, không tổ chức được đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến về phương án đưa cổ phiếu lên sàn, kiểm toán báo cáo tài chính nên không thực hiện được thủ tục niêm yết, đăng ký giao dịch...

Với thực tế đó, tôi cho rằng, việc đưa ra chỉ tiêu và ấn định về thời hạn DNNN phải niêm yết là chưa thực sự phù hợp.

Quan trọng là chất lượng doanh nghiệp

PV: Vậy theo ông, để tránh tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”, đảm bảo công bằng cho DN mọi thành phần, luật về chứng khoán có cần sửa đổi hoặc bỏ quy định giới hạn về thời gian hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần trong tiêu chuẩn niêm yết dành cho các DN không phải DNNN không?

Ông Trần Đình Nhã: : Tính đến năm 2019, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% thu ngân sách nhà nước. Khối tư nhân cũng đang thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Nên có thể nói, khối kinh tế tư nhân ở Việt Nam ngày càng phát triển và giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển của cả nền kinh tế.

Thực tế là rất nhiều DN thuộc khối kinh tế tư nhân, không phân biệt loại hình công ty cổ phần hay công ty TNHH…, có tốc độ phát triển lớn, quy mô vốn chủ sở hữu cũng như các tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt ở mức độ cao…

Nên theo tôi, điều quan trọng nhất cần xem xét là lịch sử và chất lượng hoạt động của DN, còn thời gian của “mô hình hoạt động” không phải yếu tố quá quan trọng. Chính chúng ta cũng đang cho phép DNNN sau cổ phần hoá ngay lập tức được niêm yết, tức là không hề đặt nặng về yếu tố thời gian, nhưng trong khi đó lại “ngoại trừ” DN tư nhân về chuyện này, thì đó chính là một sự đối xử bất bình đẳng.

Chưa kể, số năm đủ “thời gian hoạt động” theo luật cũng đang có nhiều cách hiểu hoặc hiểu là năm hoạt động theo 365 ngày/năm, hoặc hiểu là năm tài chính và cách hiểu nào cũng có lý.

Với những thực tế trên, dưới góc độ khuyến khích minh bạch trong nền kinh tế lẫn việc tăng cung hàng hoá cho thị trường chứng khoán, tôi cho rằng, việc cho phép các DN có vốn tư nhân được niêm yết sau khi đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật hiện hành với yếu tố “thời gian hoạt động” dưới hình thức công ty cổ phần cũng bình đẳng như các DNNN sau cổ phần hóa, là một việc hoàn toàn đáng được xem xét và cân nhắc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!