Những điểm nhấn trong 15 năm phát triển của HNX gắn với thị trường chứng khoán

PV.

Ngày 8/3/2020 đã đánh dấu chặng đường 15 năm hình thành và phát triển của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (2005-2020). Cùng nhìn lại những điểm nhấn ấn tượng của HNX sau chặng đường 15 năm gắn với sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Đấu giá cổ phần hóa các DNNN thu về 61,8 nghìn tỷ đồng

Hoạt động đấu giá cổ phần hóa các DNNN gắn với HNX từ những ngày đầu tiên khai trương hoạt động. Hoạt động này đã góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu các DNNN, là chìa khoá giúp gia tăng hàng hóa cho cả hai Sở GDCK. Trong 15 năm qua, HNX đã tổ chức hơn 500 phiên đấu giá với hơn 3,7 tỷ cổ phần trúng giá, chiếm 57,8% tổng số cổ phần chào bán, tổng số tiền thu được đạt 61,8 nghìn tỷ đồng. Trong số này, có gần 200 phiên đấu giá chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 21,7 nghìn tỷ đồng và hơn 150 phiên đấu giá thoái vốn với tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng.

Thị trường cổ phiếu niêm yết: tăng quy mô, nâng chất lượng

Thị trường giao dịch thứ cấp cổ phiếu được HNX khai trương với 6 cổ phiếu niêm yết đầu tiên, giao dịch 3 phiên 1 tuần theo phương thức thỏa thuận. Nền kinh tế khởi sắc cùng với chủ trương thúc đẩy cổ phần hoá DNNN mạnh mẽ, chỉ 5 năm sau đó, số doanh nghiệp niêm yết tại HNX đã đạt tới con số 367 doanh nghiệp. Từ đó đến nay mỗi năm, thị trường niêm yết HNX đều đón nhận từ 10-30 công ty niêm yết mới. Quy mô vốn hoá trên thị trường này nhìn chung tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đã đạt 192 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 100 lần so với thời điểm cuối năm 2005. Giá trị giao dịch có phiên đã đạt mức kỷ lục với có giá trị lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. 

Nguồn: hnx.vn
Nguồn: hnx.vn

Thị trường UPCoM phát triển vượt kỳ vọng

Để thu hẹp hoạt động giao dịch đầy rủi ro trên thị trường tự do, HNX đã nghiên cứu tổ chức thị trường giao dịch cổ phiếu các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM), năm 2009, HNX tiếp tục khai trương hoạt động của thị trường UPCoM sau 4 năm vận hành thị trường cổ phiếu niêm yết.

Trong 10 vận hành thị trường này, HNX liên tục đề xuất và đưa ra các giải pháp linh hoạt để tăng tính hấp dẫn cho thị trường UPCoM như thay đổi cơ chế đăng ký giao dịch theo hướng đơn giản hóa thủ tục, thay đổi cơ chế giao dịch, bổ sung phương thức khớp lệnh liên tục trên UPCoM, triển khai giao dịch trực tuyến, tăng biên độ dao động giá từ 10 lên 15%. Với sự hậu thuẫn về chính sách gắn đấu giá cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước với đăng ký giao dịch trên UPCoM (thông tư 115/2016/TT-BTC), UPCoM đã có sự phát triển đột phá.

Chỉ trong vòng 4 năm từ 2015-2019, UPCoM đã tăng gần 4 lần về số lượng doanh nghiệp và 15 lần về giá trị vốn hóa. UPCoM hiện quy tụ gần 900 công ty lớn nhỏ, đa dạng về ngành nghề kinh doanh trong đó có những tên tuổi lớn của nền kinh tế như Vietnamairlines, Tổng công ty gốm sứ Viglacera, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam…Quy mô vốn hoá thị trường đã vượt gần 5 lần thị trường niêm yết HNX, tương đương gần 30% quy mô thị trường cổ phiếu niêm yết của cả 2 Sở GDCK. UPCoM còn giúp các doanh nghiệp huy động 133,5 nghìn tỷ đồng vốn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh qua kênh phát hành cổ phiếu.

Nguồn: hnx.vn
Nguồn: hnx.vn

UPCoM đã phát triển vượt xa kỳ vọng, không chỉ hoàn thành sứ mệnh thu hẹp thị trường tự do như mục tiêu ban đầu đề ra mà dần đã trở thành bệ đỡ cho cả doanh nghiệp, là nơi tạo hàng chất lượng cho thị trường niêm yết, góp phần quan trọng vào công cuộc cổ phần hoá, thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước, tạo cơ chế thị trường để xác định giá cho DNNN thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước.

Thị trường trái phiếu Chính phủ: Kênh huy động vốn quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước

Trong cùng năm 2009, HNX tiếp tục khai trương thị trường giao dịch TPCP chuyên biệt và trở thành Sở GDCK duy nhất trong khu vực tổ chức đồng thời cả hoạt động đấu thầu sơ cấp và giao dịch thứ cấp. Nhờ đó, hoạt động trên thị trường TPCP ngày một minh bạch và có tính thanh khoản, thị trường có sự phát triển ấn tượng cả về quy mô và chiều sâu.

Khối lượng phát hành TPCP bình quân đạt khoảng 230 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 40% vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, trong giai đoạn 2015-2019. Hoạt động đấu thầu TPCP đã và đang làm tốt chức năng huy động vốn trung và dài hạn phục vụ đầu tư phát triển. Trong 10 năm qua, hơn 1,8 triệu tỷ đồng vốn đã được huy động cho Ngân sách nhà nước để phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Khối lượng phát hành TPCP bình quân tăng mạnh trong những năm gần đây, giai đoạn 2015-2019 khối lượng phát hành đạt 234 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 40% vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, tăng 55% so với bình quân 2009-2014. Để huy động được lượng vốn hơn 1,8 triệu tỷ đồng này, đã có khoảng 1.900 phiên đấu thầu được tổ chức tại HNX với tỷ lệ huy động thành công bình quân đạt 60-70% trên tổng khối lượng gọi thầu.

Những điểm nhấn trong 15 năm phát triển của HNX gắn với thị trường chứng khoán - Ảnh 1

Thị trường thứ cấp TPCP cũng tăng mạnh mẽ. Quy mô niêm yết của thị trường đã đạt 23% GDP 2019, thanh khoản đạt 9 nghìn tỷ đồng/phiên. Trong giai đoạn 2015-2019, giá trị giao dịch TPCP tăng bình quân 23,3% và năm 2018-2019, giá trị giao dịch đạt bình quân khoảng 10.000 tỷ đồng/ngày, gấp 2,7 lần so với năm 2015. Thị trường TPCP Việt Nam được ADB đánh giá là tăng trưởng nhanh nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á cũng như khu vực ASEAN với tốc độ tăng 30%/năm trong vòng 10 năm qua. Từ năm 2017, tỷ trọng giao dịch repos đã vượt giao dịch outright, trái phiếu đã trở thành công cụ tài chính không chỉ để nắm giữ và hưởng lãi suất mà còn là công cụ giao dịch để tìm kiếm lợi nhuận.         

Hạ tầng công nghệ phục vụ thị trường TPCP cũng liên tục được HNX đầu tư, nâng cấp. Hệ thống đấu thầu điện tử trực tuyến (E.ABS), hệ thống giao dịch từ xa, hệ thống giao dịch trực tuyến TPCP (E-BTS) trên nền internet đã đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, giúp các thành viên thị trường và nhà đầu tư ra quyết định đầu tư hiệu quả hơn, tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian giao dịch.

Hệ thống chỉ báo thị trường TPCP bao gồm đường cong lợi suất TPCP, bộ chỉ số trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau có vai trò tích cực trong việc xác định lãi suất tham chiếu và định giá trái phiếu, giúp cho nhà đầu tư và thành viên thị trường thuận lợi hơn trong việc giao dịch trái phiếu trên thị trường. Hai hãng thông tin quốc tế Bloomberg và Reuters đều đã cung cấp thông tin về hệ thống chỉ báo này dưới tên gọi “VN Bond Yield Curve” và “VN Bond Index” cho các nhà đầu tư quốc tế.

Thị trường chứng khoán phái sinh: Kênh phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư trên thị trường cơ sở

Năm 2017, TTCK phái sinh đã đi vào hoạt động sau nhiều năm HNX nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, trong điều kiện của thị trường Việt Nam. Quy mô giao dịch tăng trưởng nhanh chóng, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, đã có 47 triệu hợp đồng phái sinh được giao dịch, giao dịch phái sinh đặc biệt tăng mạnh khi thị trường cơ sở có biến động mạnh. Trong đó 2 năm 2018- 2019, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 bình quân/phiên đạt 78-88 nghìn hợp đồng/phiên, tăng gấp hơn 8 lần so với năm 2017, khối lượng hợp đồng mở (OI) được duy trì ở mức 20.000 hợp đồng. Đây là những con số mà nhiều thị trường trong khu vực phải mất nhiều năm mới đạt được. Và mới đây nhất, vào tháng 7/2019, HNX đã đưa vào giao dịch hợp đồng tương lai TPCP, một sản phẩm dành cho các nhà đầu tư tổ chức.

Sự tăng trưởng mạnh của TTCK phái sinh, đặc biệt là hợp đồng tương lai VN30 đã thu hút sự quan tâm của các tổ chức nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư mô phỏng chỉ số VN30 đã thu hút nhiều dòng vốn nước ngoài. Có thể nói, TTCK phái sinh đã góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam, thể hiện tốt vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro đối với danh mục chứng khoán cơ sở và là giải pháp hữu hiệu để giữ chân dòng vốn, tránh tình trạng họ tháo chạy khỏi TTCK khi thị trường cơ sở sụt giảm.  

Thành quả tạo dựng được sẽ là nền tảng vững chắc, tạo đà cho sự phát triển của HNX ở giai đoạn phát triển tiếp theo, giai đoạn đi vào chiều sâu, sẵn sàng cho hợp nhất 2 Sở GDCK Việt Nam, góp phần đưa TTCK Việt Nam lên một bước phát triển cao hơn, thu hút hơn các nguồn vốn nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.