Nợ xấu đang quay lại nhà băng?

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Nợ xấu ở một số ngân hàng tiếp tục gia tăng, cộng với các khoản nợ xấu đáo hạn tại công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), nếu không nhanh chóng xử lý, nguy cơ khủng hoảng nợ xấu quay lại với các nhà băng sẽ không còn là cảnh báo.

Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng dao động 0,7% – 4,7%. Nguồn: Internet
Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng dao động 0,7% – 4,7%. Nguồn: Internet

Theo quy định của cơ chế mua nợ xấu, VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt có kỳ hạn 5 năm cho các tổ chức tín dụng (TCTD) bán nợ. Đến nay tròn 5 năm, một số ngân hàng lần lượt nhận lại những khoản nợ xấu đã bán sang VAMC mà vẫn không xử lý được.

Thống kê cho thấy, hiện đã có 6 ngân hàng chủ động tất toán trước hạn khoản nợ xấu đã bán cho VAMC gồm: Agribank, Techcombank, MB, ACB, VIB, VietinBank.

Nợ xấu gia tăng

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đánh giá cao nỗ lực của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Bằng chứng là trong phiên chất vấn vừa rồi, các đại biểu không còn quan tâm nhiều đến nợ xấu như trước đây.

Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết thời gian vừa qua, ngành ngân hàng đã thực hiện quyết liệt việc xử lý nợ xấu và đạt được kết quả tích cực.

Hết tháng 7/2018, nợ xấu toàn hệ thống chỉ còn 2,13%, giảm so với mức 2,46% vào năm 2016. Đặc biệt trong vòng một năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực, toàn hệ thống đã xử lý được 140.000 tỷ đồng nợ xấu tại các ngân hàng, trong đó VAMC xử lý được 95.000 tỷ đồng nợ xấu mua từ các nhà băng.

Số liệu nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu đang giảm dần. Cuối năm 2016 là 10,08%, năm 2017 là 7,7% và hết tháng 6/2018 là khoảng 6,7%. Nợ xấu nội bảng là 2,49%.

Tuy nhiên, những con số ấn tượng này vẫn chưa làm “yên lòng” nhiều đại biểu và các chuyên gia ngành ngân hàng.

Nhìn vào kết quả kinh doanh quý III của các ngân hàng, bức tranh nợ xấu đã có nhiều biến động với tỷ lệ nợ xấu dao động 0,7% đến 4,7%, trong đó một số ngân hàng đã mua lại sạch nợ tại VAMC có tỷ lệ nợ xấu tăng vọt.

Điển hình, VietinBank tăng 34,5% lên mức 12.127 tỷ đồng chỉ trong 9 tháng đầu năm. Đến hết quý III, số dư nợ xấu của BIDV ở mức 17.000 tỷ đồng (tăng 21,1% so với cuối năm 2017) và là con số gần cao nhất hệ thống ngân hàng.

Hay như nợ xấu của Techcombank tăng 33% sau 9 tháng đầu năm, trong đó nợ nghi ngờ tăng gấp đôi và nợ có khả năng mất vốn tăng 31%. Hiện, tổng nợ xấu của nhà băng này đã tăng hơn 844 tỷ đồng lên mức 3.426 tỷ đồng so với cuối năm 2017.

Kết thúc quý III, MB có kết quả kinh doanh ấn tượng, nhưng số dư nợ xấu lại tăng vọt đến 45% so với hồi đầu năm.

Để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình, ngày 7/11 vừa qua, Thống đốc NHNN đã có văn bản yêu cầu các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu, đồng thời có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phối hợp trong công tác này.

Tiếp tục đẩy mạnh xử lý

Trong đó, với các TCTD, Thống đốc yêu cầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định.

Theo đánh giá của các chuyên gia, từ nay đến năm 2020, các ngân hàng phải đáo hạn khoản nợ xấu đã bán cho VAMC. Như vậy, một lượng nợ xấu từng “ra đi” trước đây sang VAMC sẽ lần lượt trở về vào đúng thời điểm nợ xấu mới tiếp tục gia tăng, sẽ khiến nợ xấu dềnh lên, vô cùng nguy hiểm đối với hệ thống ngân hàng.

Số liệu thống kê cho thấy, nếu tính cả lượng nợ xấu vẫn án binh bất động tại “kho” của VAMC, nợ xấu nội bảng hiện hữu nằm trong các ngân hàng thương mại (khoảng 145.000 tỷ đồng) và nợ có nguy cơ biến thành nợ xấu, tổng quy mô nợ xấu và nợ sắp xấu của nền kinh tế thời điểm này là gần 500.000 tỷ đồng, chiếm 6,6 – 6,7% tổng dư nợ tín dụng của cả nước.

Trong khi đó, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là xử lý nợ xấu giai đoạn II đang có dấu hiệu chững lại. Hàng loạt khoản nợ xấu ngàn tỷ đồng được VAMC và các ngân hàng đưa ra rao bán, song rất ít thương vụ thành công do Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng khi lực lượng trung gian chưa có, thị trường chưa có khung pháp lý để hình thành, thiếu các đơn vị định giá, đánh giá mức độ tín nhiệm các khoản nợ, cũng như thiếu các dữ liệu về các khoản nợ xấu thì đương nhiên, nhà đầu tư (người mua) chưa thể xuất hiện.

Để nhận diện đầy đủ thực trạng nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ xấu lớn, NHNN yêu cầu các TCTD rà soát, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 và yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cập nhật chi tiết xử lý nợ xấu cho từng năm.