Quý IV/2021: Dự kiến nhiều công ty có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao

Theo Minh Long/congthuong.vn

Công ty chứng khoán SSI vừa đưa ra ước tính kết quả kinh doanh kết quả kinh doanh quý IV/2021 của 29 công ty trong phạm vi SSI nghiên cứu theo dõi. Trong đó 24 công ty dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương trong Q4 và 5 công ty có dự kiến có lợi nhuận sụt giảm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các công ty có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương bao gồm: BID, CTR, DGC, DPM, FPT, GAS, GMD, HAH, HDB, HPG, MBB, MSB, MSN, MWG, PNJ, SCS, STB, TCB, TNH, TPB, TRA, VEA, VIB và VSC.

Các công ty có ước tính tăng trưởng lợi nhuận âm bao gồm: ACB, CTG, IMP, SAB và VCB.

Một số công ty có kết quả kinh doanh đáng chú ý như sau:CTR - Theo ban lãnh đạo, công ty ước tính lợi nhuận trước thuế (LNTT) năm 2021 đạt 472 tỷ đồng (+ 37% so với cùng kỳ), cao hơn khoảng 11% so với ước tính hiện tại của chúng tôi. Tương ứng, LNTT quý IV/2021 dự kiến đạt 160 tỷ đồng (+ 21% so với cùng kỳ)

DGC - Lợi nhuận ròng quý IV/2021 ước đạt 1.403 nghìn tỷ đồng (+477% so với cùng kỳ), nhờ giá phốt pho vàng duy trì ở mức cao.

DPM - Lợi nhuận ròng quý IV/2021 có thể đạt 1.446 tỷ đồng (+1259% so với cùng kỳ) nhờ giá urê trên thị trường duy trì ở mức cao.

FPT- Tăng trưởng LNTT quý IV/2021 ước tăng 20% so với cùng kỳ, có thể được dẫn dắt bởi dịch vụ CNTT thuê ngoài. Trong tháng 10 và tháng 11/2021, tổng LNTT tăng + 19% so với cùng kỳ, dẫn đầu với mức tăng +25% so với cùng kỳ từ dịch vụ CNTT thuê ngoài.

GAS - công ty ước đạt 80 nghìn tỷ đồng doanh thu (+ 24,7% so với cùng kỳ) và 8,4 nghìn tỷ đồng LNST (+7,3% so với cùng kỳ) trong năm 2021. Mặc dù sản lượng khí khô giảm mạnh, giá dầu tích cực đã hỗ trợ cho doanh thu và lợi nhuận trong năm 2021.

GMD – tăng trưởng LNTT quý IV/2021 ước tính sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 50% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi tốc độ lấp đầy nhanh chóng của cảng Gemalink và tăng trưởng của khu vực cảng Hải Phòng, do sản lượng cảng Lạch Huyện đang chịu ảnh hưởng từ tình trạng cạn luồng do sa bồi. GMD dự kiến sẽ vượt kế hoạch LNTT năm 2021 (700 tỷ đồng).

HAH - đã công bố KQKD sơ bộ năm 2021 với lợi nhuận ròng của cổ đông công ty mẹ (NPATMI) đạt 389 tỷ đồng (+181%). Tuy nhiên, chúng tôi ước tính số liệu thực tế sẽ cao hơn và đạt khoảng 440 tỷ đồng (+218%). Theo đó, NPATMI Q4/2021 dự kiến đạt 198 tỷ đồng (gấp 4 lần cùng kỳ), công ty duy trì đà tăng trưởng cao nhờ giá cước nội địa tăng và các hợp đồng cho thuê tàu mới ký.

HPG - Ước tính lợi nhuận sau thuế của HPG sẽ duy trì ở mức cao khoảng 9,8 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2021, tăng 110% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ thép tăng 30% so với cùng kỳ và giá thép tăng 40-70%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2021 ước tính tăng 173% YoY đạt 36,9 nghìn tỷ đồng.

MSN - ước tính MSN đạt 1,5 - 1,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi cho cổ đông công ty mẹ trong quý IV/2021 (so với mức 265 tỷ đồng trong quý IV/2020). Bên cạnh đó, công ty có thể ghi nhận lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn khỏi mảng thức ăn chăn nuôi khoảng 4,8-5,5 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2021. Tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi tiếp tục được thúc đẩy nhờ tỷ suất lợi nhuận của WCM & MML được cải thiện, cũng như đà tăng trưởng mạnh mẽ của MCH & TCB .

MWG - ước tính lợi nhuận ròng quý IV/2021 đạt 1.467 tỷ đồng (+ 56% so với cùng kỳ) do nhu cầu dồn nén do đại dịch và số lượng cửa hàng cao hơn năm trước.

PNJ - ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PNJ lần lượt đạt 6 nghìn tỷ đồng (+2% YoY) và 435 tỷ đồng (+2% YoY) trong quý IV/2021. PNJ đã mở toàn bộ mạng lưới bán lẻ kể từ nửa cuối tháng 10 và ghi nhận nhu cầu gia tăng ấn tượng. Lũy kế năm 2021, PNJ ước tính đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 18,5 nghìn tỷ đồng (+5,5% YoY) và 1 nghìn tỷ đồng (-5,4% YoY), do các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài khiến 80% cửa hàng của công ty đóng cửa trong 3Q21.

Đáng chú ý nhóm ngân hàng hầu hết đều có KQKD quý IV tăng trưởng tốt ngoại trừ ACB. Cụ thể:

HDB – Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 19% vào cuối năm. Trong khi đó, doanh thu bancassurance hồi phục ấn tượng trong tháng 10 và tháng 11 giúp ngân hàng vươn lên vị trí thứ 6-7 về thị phần phí bảo hiểm hàng năm (APE). LNTT quý IV/2021 ước tính đạt 2 nghìn tỷ đồng, tăng +40% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong kỳ (+19% so với cùng kỳ). Tăng trưởng lợi nhuận năm 2021, do đó, sẽ ở mức +38-39% so với 2020, cao hơn 4% so với ước tính của SSI.

BID- Lợi nhuận trước thuế quý IV/2021 dự kiến tăng trưởng mạnh (từ 40 đến 42%) so với mức thấp cùng kỳ năm trước.

MBcB - Do tín dụng tăng tốc nhanh trong tháng 11 và tháng 12/2021 nên LNTT quý IV/2021 dự kiến đạt 4,6 nghìn tỷ đồng (+ 81% so với cùng kỳ). Lũy kế năm 2021, lợi nhuận ước đạt 16,5 nghìn tỷ đồng (+54% so với cùng kỳ) - cao hơn 7% so với ước tính. Tổng nợ xấu và dư nợ tái cơ cấu ước tính thấp hơn 2%, trong khi tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu tiếp tục được cải thiện lên khoảng 300%.

MSB - LNTT dự kiến đạt 1 nghìn tỷ đồng (+25% so với cùng kỳ), cao hơn kỳ vọng của SSI. Lũy kế năm 2021, LNTT ước đạt 5,2 nghìn tỷ đồng (+106% so với cùng kỳ). Nếu không bao gồm khoản phí trả trước bancassurance, tăng trưởng LNTT năm 2021 sẽ là 42,7% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức cao (22%), NIM mở rộng 0,54% và quản lý chặt chẽ OPEX.

STB - ước tính hoạt động của STB sẽ hồi phục mạnh mẽ trong quý IV/2021 (so với Q3/2021) do hoạt động của công ty tập trung ở miền Nam. Nhu cầu vay tăng mạnh sau thời gian giãn cách xã hội và chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng có thể đạt 14 - 14,5% cho cả năm 2021. Do đó, lợi nhuận năm 2021 dự kiến đạt 4,2 - 4,4 nghìn tỷ đồng (+27 - 32% so với cùng kỳ). Theo đó, LNTT quý IV/2021 đạt khoảng 1 - 1,1 nghìn tỷ.

TCB - LNTT năm 2021 ước tính đạt 23 nghìn tỷ đồng, tăng + 46% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh ở mức 22%, NIM cải thiện và hoạt động kinh doanh quản lý tài sản tiếp tục thuận lợi với môi trường lãi suất thấp.

TPB - LNTT quý IV/2021 đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (+ 19% so với quý trước và + 20% so với cùng kỳ). Lũy kế cả năm, LNTT đạt 6 nghìn tỷ đồng (+ 37% so với cùng kỳ), nhờ kết quả tốt của tất cả các nguồn thu nhập.

VIB - LNTT quý IV/2021 ước tính đạt 2,27 nghìn tỷ đồng (+ 28% so với cùng kỳ và + 64% so với quý trước). Ngân hàng đã phục hồi ấn tượng sau thời gian giãn cách xã hội nhờ: (1) Tăng trưởng tín dụng mạnh + 19% với NIM mở rộng; và (2) Hoạt động bancassurance phục hồi trở lại: mức APE trung bình hàng tháng trong khoảng thời gian tháng 10-tháng 11 đã tăng + 73% so với khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 và + 5% so với khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6. Trong khi đó, chất lượng tài sản ổn định trở lại với dư nợ tái cơ cấu giảm -50% so với quý trước.

Riêng ACB ước tính lợi nhuận trước thuế quý IV/2021 của ACB đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (+ 9% so với quý trước nhưng -10% so với cùng kỳ). Điều này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng 16% và mức NIM ổn định. Lũy kế cả năm, kỳ vọng ACB có thể ghi nhận 11,8 nghìn tỷ đồng LNTT (+ 23,2% so với cùng kỳ). Chất lượng tài sản dự kiến sẽ duy trì ở mức ổn định, với tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.