Từ ngày 01/01/2021, tổ chức vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán bị xử phạt tới 3 tỷ đồng


Đó là quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán vừa được Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phương pháp tính khoản thu trái pháp luật, số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này và tổ chức thi hành Nghị định này.

Riêng hành vi vi phạm sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán và thao túng thị trường chứng khoán thì mức phạt tiền tối đa đối với hành vi này là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân.

Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định ở trên thì áp dụng mức phạt tiến tối đa quy định ở trên để xử phạt.

Cụ thể, phạt tiền từ 2,5-3 tỷ đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện niêm yết chứng khoán trong hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán hoặc làm giả, xác nhận trên giấy tờ giá mạo trong hồ sơ đăng ký giao dịch chứng khoán.

Phạt tiền từ 200-300 triệu đồng đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Tổ chức giao dịch loại chứng khoán mới, thay đổi và áp dụng phương pháp giao dịch mới, đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới khi chưa được chấp thuận; Không xử lý các hành vi vi phạm quy chế giao dịch hoặc không chấp đúng giám sát các hoạt động giao dịch theo quy định để xảy ra vi phạm;... 

Đối với vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ, Nghị định quy định phạt tiền từ 200-300 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

Thứ nhất, chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật; chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ nhưng không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong trường hợp tổ chức chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ là công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo bằng văn bản cho tổ chức chào bán phát hành chứng khoán và công bố trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc đã nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ của tổ chức chào bán, phát hành chứng khoán;

Thứ hai, không đảm bảo việc chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật; không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, trung thực, có thể kiểm chứng được, không gây hiểu nhầm và có đầy đủ những nội dung có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư; không rà soát đối tượng tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Phạt tiền từ 400 - 500 triệu đồng đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành, chứng khoán riêng lẻ có thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật.

Phạt tiền từ 1 - 1,5 tỷ đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện chào bán, phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ.

Đối với quy định về thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam, Nghị định quy định phạt từ 500 - 600 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

Một là, chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật;

Hai là, chào bán chứng khoán ra công chúng để thành lập doanh nghiệp, trừ trường hợp chào bán chứng khoán ra công chúng để thành lập doanh nghiệp được quy định tại Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Điều 14, khoản 6 Điều 15 Luật Chứng khoán;

Ba là, chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc đã nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng;

Bốn là, không thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng theo cam kết bảo lãnh phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.

Phạt tiền từ 600 - 700 triệu đồng đối với tổ chức nước ngoài chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam vi phạm cam kết không chuyển vốn huy động được ra nước ngoài hoặc vi phạm cam kết không rút vốn tự có đối ứng trong thời hạn dự án được cấp phép.

Với hành vi vi phạm quy định về niêm yết chứng khoán, đăng ký giao dịch chứng khoán, Nghị định quy định phạt tiền từ 2,5 - 3 tỷ đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện niêm yết chứng khoán trong hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán hoặc làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo trong hồ sơ đăng ký giao dịch chứng khoán.

Hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái với quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Chứng khoán cũng bị phạt từ 2,5 - 3 tỷ đồng.

Đối với hành vi cản trở việc thanh tra, kiểm tra, yêu cầu cung cấp thông tin, phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử hoặc cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử không đúng thời hạn, không đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc người có thẩm quyền; chống đối, cản trở, gây khó khăn hoặc trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra của người có thẩm quyền; không giải trình, không đến làm việc theo yêu cầu của người có thẩm quyền; cố ý trì hoãn, trốn tránh, không thi hành quyết định hành chính của người có thẩm quyền; không thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý của đoàn thanh tra, kiểm tra, người có thẩm quyền.

Phạt tiền từ 70.- 150 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm khi che giấu, sửa chữa chứng từ, tài liệu, sổ sách, dữ liệu điện tử hoặc làm thay đổi tang vật trong khi đang bị thanh tra, kiểm tra; tự ý tháo bỏ, tẩu tán hoặc có hành vi khác làm thay đổi tình trạng niêm phong tiền, chứng khoán, sổ sách, hồ sơ, chứng từ kế toán hoặc các tang vật, phương tiện bị niêm phong khác; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra...