Kỳ vọng đột phá FDI từ Mỹ
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu từ ngày 23/05/2016 tới đây và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong làn sóng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Mỹ vào Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng đầu năm 2016, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Mỹ vào Việt Nam đạt 30,5 triệu USD. Lũy kế đến tháng 4/2016 các nhà đầu tư Mỹ đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 11,7 tỷ USD.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết vào tháng 2/2016, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất trong Khối.
Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc mở ra các cơ hội hợp tác hai bên, nhất là trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Mỹ vào Việt Nam.
Theo khảo sát của Hiệp hội Amcham Singapore, khoảng 57% doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong khu vực ASEAN cho rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất để mở rộng đầu tư.
Các đoàn doanh nghiệp Mỹ đến tìm kiếm môi trường kinh doanh tại Việt Nam ngày càng gia tăng trong đó có các tập đoàn danh tiếng, như: Boeing, Apple, AIG, Exxon Mobil…. Bất cứ công ty Mỹ nào có ý định đầu tư vào Đông Nam Á cũng muốn hiện diện ở Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn (Thanh Thanh, 2016).
Thực tế cũng cho thấy, ngày càng có nhiều nhà đầu tư Mỹ đến đầu tư tại Việt Nam. Điển hình, với số vốn đầu tư 123 triệu USD, năm 1997, Ford đã trở thành nhà sản xuất ô tô quốc tế đầu tiên đầu tư vào Việt Nam.
Sự lựa chọn của hãng xe ô tô hàng đầu nước Mỹ đã được khẳng định là hết sức đúng đắn khi Ford Việt Nam liên tục tăng trưởng ấn tượng. Năm 2014, tập đoàn này quyết định rót thêm 6,1 triệu USD vào Việt Nam để tăng thêm số dây chuyền sản xuất xe và chuẩn bị cho kế hoạch lắp ráp dòng xe đa dụng cỡ nhỏ, bất chấp các khó khăn từ thị trường cũng như lộ trình giảm thuế theo cam kết của Việt Nam đã cận kề.
Hãng sản xuất ô tô danh tiếng này đã chứng minh được hiệu quả đầu tư khi luôn nằm trong số ít doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực ô tô tăng trưởng đều và cao nhất Việt Nam. Hiện nay, Ford đang chiếm thị phần lớn thứ hai tại Việt Nam.
Trước đó, nhiều dự án đầu tư của Mỹ, như: Intel, GE... cũng đã đến Việt Nam. Mới đây, đoàn hơn 30 doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cũng đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xây dựng.
Ngày 16/5//2016, Trường Đại học Fulbright Việt Nam được thành lập theo quyết định số 819/QĐ-TTg củaThủ tướng Chính phủ. Trường Đại học Fulbright Việt Nam có tên tiếng Anh là Fulbright University Vietnam (viết tắt là FUV).
Quá trình xin cấp phép thành lập FUV đã diễn ra trong gần 3 năm qua, bắt đầu bằng Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama vào tháng 7/2013. Khoảng 20 triệu USD đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào tháng 12/2014 cho phép Bộ ngoại giao Hoa Kỳ làm việc với Quỹ TUIV để triển khai tài trợ cho FUV với yêu cầu trường phải đảm bảo độc lập, không vì lợi nhuận và cam kết yêu cầu chất lượng đại học Hoa Kỳ.
Trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama ít ngày, nhóm các nhà đầu tư của Mỹ và Việt Nam, bao gồm Steelman Partners, Cantor Fitzgerald, Weidner Resorts và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) của đại gia Jonathan Hạnh Nguyễn, đã đề xuất một dự án phức hợp tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama từ ngày 23/05 đến ngày 25/05/2016 chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Mỹ đến với Việt Nam. Đồng thời, được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặc quan trọng trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa 2 quốc gia nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trong thời gian tới.