Lai Châu hướng dẫn 25 doanh nghiệp xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở

Phạm Nga

Trong năm 2022, tỉnh Lai Châu đạt được nhiều kết quả trong hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.

Năm 2023, Lai Châu sẽ đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.
Năm 2023, Lai Châu sẽ đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

Theo đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh đã thu được nhiều kết quả.

Cụ thể, hướng dẫn 2 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường và Công ty TNHH MTV Xăng dầu Lai Châu) tiếp tục áp dụng và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường duy trì vận hành Hệ thống quản lý chất lượng theo hệ thống an toàn thực phẩm ISO 22000:2005, VietGAP, Rainforest (RA) và HACCP.

25 cơ sở (HTX, doanh nghiệp và hộ kinh doanh) được hướng dẫn xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở cho 39 sản phẩm thuộc các nhóm ngành (thực phẩm; đồ uống có cồn; thủ công mỹ nghệ, trang trí) và đăng ký sử dụng mã số, mã vạch, QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm do đơn vị sản xuất.

Lai Châu còn tiếp tục vận hành trang Website Smartgap.laichau.gov.vn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa (đặt tại Trung tâm Kiểm định và Phát triển Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ). Đồng thời, triển khai thực hiện 9 đề án khuyến công với tổng số kinh phí hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng, gồm: 3 đề án có nguồn kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia, 6 đề án có nguồn kinh phí từ nguồn khuyến công địa phương.

Trong năm 2023, tỉnh Lai Châu sẽ đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nhất là các công cụ hỗ trợ sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh vào doanh nghiệp.

Đồng thời, phấn đấu tổ chức từ 1 tới 2 khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tiêu chuẩn hàng hóa, năng suất chất lượng, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, sở hữu trí tuệ và ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho đội ngũ chuyên gia, đội ngũ giúp việc và đội ngũ công chức và cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và người lao động.

Cùng với đó, sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh...